Một cựu quản lý Testa chỉ trích tỷ phú Elon Musk tạo ra môi trường làm việc "độc hại" với những mục tiêu "cao không tưởng", nhưng không có kế hoạch cụ thể để đạt được chúng.
Tỷ phú Elon Musk - CEO Tesla và SpaceX - hiện là người giàu thứ ba thế giới với khối tài sản 101 tỷ USD, chỉ sau CEO Amazon Jeff Bezos và người sáng lập Microsoft Bill Gates. Với biệt danh "Iron Man của đời thực", ông được đánh giá là một trong những CEO công nghệ sáng tạo và có tầm ảnh hưởng lớn nhất Thung lũng Silicon.
Tuy nhiên, nhiều nhân viên Tesla tỏ ra không hài lòng với khả năng quản trị của Musk. Trả lời phỏng vấn New York Times hồi đầu tuần này, doanh nhân gốc Nam Phi than phiền ông “không thể tìm được ai để giao việc và luôn tự mình làm phần lớn công việc quan trọng".
"Nếu các nhà đầu tư biết được phạm vi công việc mà tôi làm tại Tesla, họ sẽ khá lo lắng đấy”, ông Musk nhấn mạnh. "Không phải tôi muốn thế, nhưng công ty cần hoàn thành mọi công việc”.
Musk thực sự rất bận rộn. Ông không chỉ chịu trách nhiệm tạo ra những chiếc xe điện công nghệ cao tại Tesla mà còn phải điều hành startup hàng không vũ trụ SpaceX và hãng công nghệ Neuralink. Một số nhân viên cấp dưới cho rằng vấn đề của Musk là ông "quá coi trọng tiểu tiết".
Không muốn giao việc cho cấp dưới
Từ lâu, tỷ phú 49 tuổi bị chỉ trích vì phong cách quản lý coi trọng tiểu tiết. Chia sẻ với Wall Street Journal hồi năm 2015, ông cũng tự nhận mình là “nhà lãnh đạo siêu tiểu tiết” và từng làm việc tới 100 giờ mỗi tuần (hơn 14 giờ/ngày).
Năm 2018, trên CNBC, nhiều nhân viên từng và đang làm việc tại Tesla nhận xét rằng sự cực đoan của Musk ảnh hưởng tiêu cực tới công ty. Trên thực tế, khi được hỏi về lý do không chia sẻ nhiều công việc cho nhân viên, Musk trả lời: “Thực sự tôi không thể tìm được ai để giao việc”.
Ông chưa bao giờ thực sự hài lòng với kết quả công việc của nhân viên. Các chuyên gia tâm lý cho biết đây là dấu hiệu đặc trưng của nhà lãnh đạo quá coi trọng tiểu tiết. The Information hồi năm 2018 cho biết ông Musk nhận báo cáo trực tiếp từ 29 giám đốc cấp cao lẫn quản lý cấp thấp.
Thông thường, một nhà quản lý chỉ nên có nhiều nhất 8-10 báo cáo trực tiếp để có thể dành đủ thời gian quản lý công việc của cấp dưới. Nhưng dường như Musk không chia sẻ những công việc quan trọng hay trao quyền ra quyết định cho bất kỳ nhân viên nào của mình.
Đây có thể là một trong những lý do khiến Tesla có tỷ lệ giám đốc nghỉ việc cao. Theo nhà phân tích Toni Sacconaghi của AllianceBernstein, tỷ lệ thôi việc của các giám đốc báo cáo trực tiếp cho Musk là 44% trong 9 tháng đầu năm 2019.
"Với tỷ lệ này, toàn bộ đội ngũ giám đốc hơn 150 người có thể ra đi trong chưa đầy 4 năm. Tỷ lệ thôi việc cao không chỉ gây ra tình trạng bất ổn mà còn cho thấy những quan ngại lớn của các giám đốc cấp cao về định hướng và môi trường làm việc của công ty”, chuyên gia Sacconaghi nhận xét.
Chuyên gia Sacconaghi cho rằng những nhân viên bị quản lý một cách tiểu tiết đến mức không còn được tự do ra quyết định trong công việc có xu hướng nghỉ việc cao hơn 28% so với những người khác.
Theo Business Insider, năm 2016, ông Musk yêu cầu một nhóm kỹ sư Tesla triển khai quy trình tự động hóa tại dây chuyền lắp ráp xe điện Model 3. Nhóm kỹ sư nói với ông rằng rất khó để lắp đặt một số bộ phận như phần niêm phong cửa xe và cần thêm người để hoàn thành việc tự động hóa trên quy mô lớn như vậy. Tuy nhiên, ông Musk không quan tâm tới ý kiến này.
Không quan tâm ý kiến nhân viên
Đây cũng là một dấu hiệu khác của nhà lãnh đạo tiểu tiết. Ông khẳng định quy trình này sớm muộn cũng tự động hóa được, nhưng thực tế thì ngược lại. Hồi năm 2018, Musk viết trên Twitter rằng “việc tự động hóa một cách thái quá tại Tesla là sai lầm, chính xác hơn là sai lầm của tôi”.
Tỷ phú giàu thứ ba thế giới hoàn toàn có thể tránh được sai lầm đó nếu tin tưởng nhân viên của mình hơn. Những nhà lãnh đạo quá coi trọng tiểu tiết như ông Musk có xu hướng tư duy theo kiểu “theo cách của tôi hoặc nghỉ việc”.
Và họ thường xem việc nhân viên đưa ra một cách khác để xử lý công việc là sự bất kính. Điều này đồng nghĩa rằng khi nhân viên có những ý kiến giá trị, chúng sẽ bị dập tắt và đây là điều tồi tệ cho công ty. Nhìn chung, kiểu quản lý coi trọng tiểu tiết khiến nhân viên có cảm giác họ không được coi trọng.
Nhiều tờ báo từng cho biết phong cách quản lý đặc trưng của Musk là thường đưa ra những kỳ vọng phi thực tế, không tham khảo ý kiến của người khác khi ra quyết định và điều này khiến đội ngũ của ông bức xúc.
“Điều tồi tệ nhất là môi trường làm việc độc hại mà Musk tạo ra. Ông ấy đề ra những mục tiêu cao không tưởng mà không có kế hoạch thực tế để đạt được chúng”, một cựu quản lý từng làm việc trực tiếp với ông Musk than thở với Business Insider.
"Về cơ bản, Elon Musk luôn làm điều ông ấy muốn, vào bất cứ khi nào ông ấy thích”, một nhân viên Tesla bức xúc. Theo Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Thần kinh, khi nhân viên cảm thấy quyền kiểm soát đối với các quyết định bị giảm sút, não bộ của họ sẽ phản ứng giống như đang bị đe dọa và do đó chịu sự căng thẳng cao độ,
“Cảm giác được kiểm soát, kể cả khi đó chỉ là ảo ảnh, là chìa khóa để duy trì khả năng nhận thức”, Amy Arnsten, giáo sư tâm lý học và sinh học thần kinh tại Đại học Yale, cho biết. Vì vậy, khi nhân viên cảm thấy không thể kiểm soát công việc của mình, sức khỏe tinh thần và hiệu suất làm việc của họ sẽ bị giảm sút.
Tuy vậy, phong cách lãnh đạo gây tranh cãi trên lại đưa Musk trở thành một trong những người giàu nhất thế giới. Ông được Forbes vinh danh là nhà lãnh đạo sáng tạo nhất năm 2019 và đang tiếp tục với những ý tưởng tạo ra cuộc cách mạng trong giao thông vận tải đường bộ lẫn hàng không vũ trụ.