Ùn tắc nông sản biên giới: Tắc đường bộ, bí đường biển

THY HẰNG 08/01/2022 13:28

Chuyển hướng xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc từ đường bộ sang đường biển tiếp tục vấp phải khó khăn do tình trạng thiếu vỏ container, thiếu chỗ, chi phí cao…

>>>Ùn tắc nông sản biên giới: Cần doanh nghiệp "đầu đàn" dẫn dắt

Chiều ngày 8/1, Hội nghị trực tuyến về tình hình xử lý hàng hoá ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc được tổ chức dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cùng với lãnh đạo các Bộ ngành, địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp lĩnh vực logistics.

xuất khẩu đường biển cũng vấp phải khó khăn do tình trạng thiếu vỏ container, thiếu chỗ…

Xuất khẩu nông sản đường biển cũng vấp phải khó khăn do tình trạng thiếu vỏ container, thiếu chỗ…

Trong bối cảnh hàng hoá ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng xuất khẩu từ đường bộ sang đường biển, Tuy nhiên, xuất khẩu đường biển cũng vấp phải khó khăn do tình trạng thiếu vỏ container, thiếu chỗ…Nói như ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau Quả Việt Nam: “Nhiều doanh nghiệp muốn chuyển qua đường biển nhưng không có container lạnh. Có doanh nghiệp tìm được nhưng phải trả với giá rất cao nên không dám đi. Doanh nghiệp dám đi thì cũng rất mù mờ không biết tới cảng Trung Quốc có kịp hạ bãi không vì sẽ kẹt cầu cảng. Hơn nữa, nếu cảng Trung Quốc cho nhân viên nghỉ Tết sớm là “mệt”, chờ qua Tết hàng sẽ hư hết, chưa kể còn phải qua khâu kiểm COVID-19 tương tự như hàng đi đường bộ rất mất thời gian. Nói chung là “năm ăn năm thua””.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Khắc Huy, Giám đốc Công ty Hoàng Phát Fruit cũng cho biết, container lạnh đường biển đang thiếu trầm trọng. Nhiều doanh nghiệp phải mua lại container lạnh từ doanh nghiệp khác nên giá tăng gấp đôi, thậm chí 3-4 lần so với mức giá thực tế khoảng 4-8 triệu một container 20 feet.

Chiều ngày 7/1, Bộ NN&PTNT có văn bản gửi Bộ GTVT, đề nghị Bộ GTVT chủ trì, phối hợp cùng bộ làm việc với các hiệp hội, tập đoàn, doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển tại Việt Nam tìm giải pháp cho vấn đề thiếu container lạnh và giá thuê container tăng quá cao để giải quyết vấn đề hiện tại và phát triển xuất khẩu nông sản bền vững.

Do đó, ông Huy lưu ý rằng, với chi phí cao như vậy, khi hàng sang đến nơi mà bị từ chối là doanh nghiệp thua lỗ thê thảm. 

Cùng cảnh, ông Phạm Ngọc Thành, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao cho biết, tình trạng tắc cửa khẩu khiến hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc đang bị dồn từ đường bộ sang đường biển, gây tình trạng quá tải, thiếu container làm phát sinh tình trạng "buôn bán chợ đen" container lạnh, đẩy giá container lạnh tăng đột biến, giá cước vận tải biển cũng tăng cao khiến doanh nghiệp xuất khẩu "khó trăm bề".

Ông Thành cho biết, nếu trước đây giá cước vận chuyển một container lạnh chỉ 30-40 triệu đồng, nay tăng lên 200 triệu đồng, thêm vào đó, chi phí vỏ container lạnh tăng cao khiến chi phí xuất hàng của doanh nghiệp tăng nhiều lần. Lợi nhuận vì thế cũng giảm mạnh, thậm chí có  những container hàng doanh nghiệp gần như không còn lợi nhuận, thậm chí, có những congtainer hàng hóa, chi phí cho logistics cao gấp 200 – 300% so với giá trị sản phẩm.

>>>Ùn tắc nông sản biên giới: Đừng coi thị trường nội địa chỉ là nơi “giải cứu”

>>>Ùn tắc nông sản biên giới: Xem xét kéo dài thời gian thông quan

Từ thực tế này, ông Mai Xuân Thìn, Giám đốc Công ty Rồng Đỏ kiến nghị nên mời gọi đội tàu charter lạnh/đông lạnh, mục đích là vừa phục vụ xuất khẩu, vừa phục vụ thị trường nội địa khi cần thiết.

"Mong các bộ, ngành và các tỉnh quan tâm đến "tàu riêng lạnh, đông lạnh" phục vụ phát triển bền vững cho nông sản Việt Nam đi thị trường tất cả các nước nói chung và Trung Quốc nói riêng", ông Thìn nói.

các tỉnh quan tâm đến

Doanh nghiêp kiến nghị các tỉnh quan tâm đến "tàu riêng lạnh, đông lạnh" phục vụ phát triển bền vững cho nông sản Việt Nam.

Theo Bộ NN&PTNT, trong hai năm vừa qua, dịch bệnh COVID-19 tác động lớn đến vận tải xuất khẩu, chi phí đã tăng gấp nhiều lần so với trước đây, riêng giá cước vận tải biển tăng cao lên đến 400 - 500% và thêm vào đó là vấn đề thiếu container phục vụ vận tải xuất khẩu.

Dịch bệnh COVID-19 vẫn tiếp tục có diễn biến phức tạp, việc xuất khẩu nông lâm sản và thủy sản sang thị trường Trung Quốc qua biên giới các tỉnh phía Bắc đang gặp nhiều khó khăn, khi Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã thông báo hạn chế thông quan hàng nông sản do dịch và Trung Quốc vẫn áp dụng chính sách "Zero COVID".

Hiện tại nhiều mặt hàng nông sản đến mùa vụ thu hoạch, đặc biệt là rau quả tươi như thanh long, mít, xoài… Riêng mặt hàng thanh long, theo báo cáo từ các tỉnh, có khoảng 300.000 tấn cần tiêu thụ trong 3 tháng đầu năm 2022.

Trong bối cảnh xuất khẩu nông sản qua các cửa khẩu bằng đường bộ bị đình trệ, nhiều doanh nghiệp chuyển hướng xuất khẩu thông qua đường biển, đường sắt, tuy nhiên vướng mắc là thiếu container lạnh từ các hãng tàu đã tác động lớn đến sự chuyển hướng xuất khẩu nói trên.

Có thể bạn quan tâm

  • Ùn tắc nông sản biên giới: Cần doanh nghiệp "đầu đàn" dẫn dắt

    11:30, 07/01/2022

  • Nông sản và nỗi đau của nông dân (Bài 3)

    05:30, 07/01/2022

  • Ùn tắc nông sản biên giới: Đừng coi thị trường nội địa chỉ là nơi “giải cứu”

    04:00, 03/01/2022

  • Ùn tắc nông sản biên giới: Xem xét kéo dài thời gian thông quan

    13:47, 02/01/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Ùn tắc nông sản biên giới: Tắc đường bộ, bí đường biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO