Theo UOB, mặc dù tăng trưởng trong quý 3 năm 2023 đã vững chắc hơn nhưng kết quả hạn chế trong 6 tháng đầu năm vẫn ảnh hưởng đáng kể.
>>>UOB: Lộ trình cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước vẫn đang hiện hữu
Ngay sau công bố các dữ liệu kinh tế do Tổng cục Thống kê (GSO) vào hôm thứ Sáu (29 tháng 9), UOB cho biết các dữ liệu này cho thấy tốc độ tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam đã tăng trong quý 3 năm 2023 lên 5,33% so với cùng kỳ, từ mức 4,14% so với cùng kỳ trong quý 2 năm 2023. Điều này được hỗ trợ bởi những cải thiện trong hoạt động thương mại và sản lượng của các ngành sản xuất chế tạo cùng với các hoạt động trong nước. Kết quả này gần với mức kỳ vọng của bộ phận Nghiên cứu Thị trường và Kinh tế toàn cầu của UOB (5,6%) và cao hơn kết quả cuộc thăm dò của Bloomberg là 5,0%.
Nhu cầu bên ngoài đang cải thiện?
Dữ liệu được công bố vào tháng 9 cho thấy một số dấu hiệu đáng khích lệ khi các hoạt động có thể đã thay đổi theo hướng tích cực khi hiệu quả hoạt động được cải thiện hàng tháng. Xuất khẩu tăng trong tháng 9 sau 6 tháng giảm liên tiếp, đạt mức 4,6% so với cùng kỳ. Nhập khẩu cũng cho thấy xu hướng tương tự, tăng 2,6% so với cùng kỳ trong tháng 9 sau 10 tháng giảm liên tiếp. Tương tự, sản lượng công nghiệp đã tăng 5,1% so với cùng kỳ trong tháng 9, mức tăng tốt nhất kể từ tháng 11 năm 2022, do lĩnh vực sản xuất ghi nhận sản lượng tăng tháng thứ tư liên tiếp so với cùng kỳ. Sự cải thiện này cũng được phản ánh trong dữ liệu chỉ số quản lý mua hàng (PMI), trong đó PMI ngành sản xuất của Việt Nam ghi nhận mức tăng đầu tiên (trên 50) vào tháng 8 ở mức 50,5, sau khi bị thu hẹp (dưới 50) trong 5 tháng trước đó.
Một lý do khiến cho các điều kiện có xu hướng cải thiện hơn nữa là dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục đổ vào Việt Nam. Bất chấp triển vọng tăng trưởng chưa thực sự khởi sắc và hoạt động xuất khẩu còn khá chậm trong suốt cả năm, các doanh nghiệp nước ngoài vẫn tiếp tục cam kết đầu tư vào Việt Nam trong làn sóng phi toàn cầu hóa, giảm thiểu rủi ro và chuyển dịch chuỗi cung ứng hiện nay, bộ phận Nghiên cứu Thị trường và Kinh tế toàn cầu của UOB phân tích.
>>>Việt Nam sẽ trở thành nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện (hoặc giải ngân) của Việt Nam đã tăng tháng thứ tư liên tiếp trong tháng 9 năm 2023, với mức tăng 9 tháng đạt 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái, ở mức 15,9 tỷ USD, so với mức tăng 1,3% so với cùng kỳ trong 8 tháng đầu năm và Mức tăng 17,2% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2022.
Nếu tốc độ tăng tiếp tục ở mức tương tự, dòng vốn FDI cả năm có thể sẽ đạt mức 19,7 tỷ USD như năm 2021, đây là một kết quả đáng kể khi xét đến hoàn cảnh hiện tại bị chi phối bởi các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng chưa chắc chắn, áp lực lạm phát và niềm tin suy yếu, các nhà phân tích cũng nhận định.
Theo UOB, vốn FDI đã đăng ký (hoặc cam kết), là một chỉ số mang tính tương lai cho vốn FDI giải ngân, tăng 7,7% so với cùng kỳ trong tháng 9 ở mức 20,2 tỷ USD, vượt mức 18,8 tỷ USD được ghi nhận trong cùng kỳ năm 2022. Singapore là nguồn đầu tư lớn nhất trong số vốn FDI đăng ký ở mức 4 tỷ USD, tiếp theo là Trung Quốc (2,9 tỷ USD). Lĩnh vực sản xuất vẫn là điểm đến hàng đầu, thu hút hơn 14 tỷ USD so với đầu năm, tăng 15,5% so với cùng kỳ.
Ở trong nước, chi tiêu của người tiêu dùng dường như đã lấy lại đà tăng trưởng, với thương mại bán lẻ tổng thể đã tăng 9,4% so với cùng kỳ trong tháng 9 sau khi dao động dưới mức 7% trong 3 tháng trước đó và là tháng tốt nhất kể từ tháng 4 năm 2023. Doanh số bán lẻ tăng 7,4 % so với cùng kỳ trong tháng 9, cũng là mức tăng lớn nhất kể từ tháng 4 năm 2023 trong khi sản lượng thương mại dịch vụ và lưu trú tăng 34,7% trong tháng 9 sau khi dao động quanh mức 5-10% trong 4 tháng trước đó, cho thấy hoạt động du lịch đang tăng tốc.
Giảm thêm dự báo tăng trưởng GDP năm 2023
Trong 9 tháng đầu năm 2023, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 4,24% so với cùng kỳ, đây là một sự cải thiện so với mức 3,72% của nửa đầu năm 2023, nhưng chỉ bằng một nửa so với tốc độ tăng trưởng 8,85% so với cùng kỳ vào năm 2022.
Điều này đồng nghĩa với việc mục tiêu tăng trưởng chính thức là 6,5% là một thách thức. Để đạt được mục tiêu này, tốc độ tăng trưởng trong quý 4 năm 2023 của Việt Nam sẽ cần ít nhất là 12% và điều này khó xảy ra trong bối cảnh hiện tại nếu nhu cầu cơ bản không có sự cải thiện mạnh mẽ.
Mặc dù tăng trưởng đã vững chắc hơn trong quý 3 năm 2023 nhưng kết quả tăng trưởng chậm trong 6 tháng đầu năm vẫn ảnh hưởng đáng kể. Do đó, chúng tôi đang điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng cả năm của Việt Nam xuống 5,0% (từ mức 5,2% trước đó), với giả định tốc độ tăng trưởng GDP thực tế trong quý 4 năm 23 sẽ tăng thêm 7,0% so với cùng kỳ (so với dự báo trước đó là 7,6%). Điều này đòi hỏi các hoạt động kinh tế và đơn đặt hàng phải tăng nhanh trong những tháng tới. Theo thường lệ, quý 4 là quý có kết quả hoạt động tốt nhất trong hầu hết các năm ở Việt Nam, mặc dù mức tăng trưởng trong năm 2023 sẽ bị áp lực khi so sánh với số liệu năm 2022 với mức tăng trưởng đặc biệt mạnh mẽ. Trên cơ sở đó, chúng tôi đang giảm dự báo tăng trưởng khi ba phần tư thời gian năm 2023 đã qua. Chúng tôi duy trì dự báo năm 2024 ở mức 6,0%.
Trước đó, trong một báo cáo cũng do bộ phận Nghiên cứu Thị trường và Kinh tế toàn cầu của UOB thực hiện, được phát hành hôm 25/9, bộ phận này dự kiến mức tăng trưởng 5,6% so với cùng kỳ trong quý 3 năm 2023 và 7,6% trong quý 4 năm 2023; cả năm 2023, dự báo tăng trưởng cả năm là 5,2%.
Quyết định hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam từ phía UOB cũng cho thấy sự thận trọng khi dự báo về sự phục hồi nhu cầu từ các thị trường bên ngoài - một ẩn số đang làm đau đầu các nền kinh tế có độ mở lớn và phần nào phụ thuộc vào hoạt động sản xuất xuất khẩu.
Có dư địa để NHNN tiếp tục hạ lãi suất
Trước tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, các nhà nghiên cứu phân tích cũng có sự thận trọng hơn trong dự báo chính sách tiền tệ và khả năng hạ lãi suất điều hành mà đã được đưa ra trong báo cáo cách đây 1 tuần.
Cập nhật báo cáo mới của UOB nhắc lại động thái của NHNN về việc nhanh chóng bằng cách cắt giảm lãi suất tái cấp vốn tổng cộng 150 điểm cơ bản trong 6 tháng đầu năm 2023, xuống còn 4,50%.
"Mặc dù chúng tôi vẫn thấy triển vọng cắt giảm lãi suất thêm 100 điểm cơ bản nữa (xuống 3,50%), nhưng thời gian thực hiện có thể được chuyển sang quý 4 năm 2023 và quyết định này có thể vẫn cần cân nhắc khi ngân hàng trung ương sẽ xem xét cân đối cả rủi ro tăng trưởng và lạm phát.
Tỷ lệ lạm phát đã tăng cao hơn trong những tháng gần đây và rủi ro là áp lực tăng giá tiêu dùng có thể gia tăng trong thời gian tới do giá thực phẩm và năng lượng đã tăng gần đây khi các nhà sản xuất dầu chủ chốt cắt giảm sản lượng, xung đột đang diễn ra giữa Nga và Ukraine cũng những thay đổi về khí hậu/thời tiết. Chúng tôi giữ nguyên dự báo lạm phát CPI của Việt Nam ở mức 3,9% cho năm 2023, số liệu mới nhất là 3,7% cho tháng 9, cao hơn nhiều so với mức thấp nhất của năm nay là 2% (tháng 6 năm 2023) và đang tiến gần hơn đến mục tiêu chính thức là 4,5%.
Do đó, dự báo của chúng tôi về việc tiếp tục cắt giảm lãi suất của NHNN trong quý 4 năm 23 vẫn bị chi phối bởi các yếu tố chưa chắc chắn", bộ phận Nghiên cứu Thị trường và Kinh tế toàn cầu của UOB điều chỉnh.
Có thể bạn quan tâm
Cân bằng bài toán tỷ giá - lãi suất
11:00, 02/10/2023
Áp lực cho mục tiêu giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng
16:15, 01/10/2023
Lãi suất cho vay bất động sản dần "dễ thở"
17:00, 30/09/2023
Bỏ qua tác động từ Fed, giữ vững nền lãi suất thấp hỗ trợ GDP
05:01, 21/09/2023
Fed giữ nguyên lãi suất lần thứ 2 trong năm, nhưng sẵn sàng cho đợt tăng cuối 2023
05:00, 21/09/2023