Trong 3 năm qua, USAID đã giúp các DNNVV Việt Nam đạt được mức độ sản xuất các sản phẩm theo tiêu chuẩn đẳng cấp thế giới, phù hợp với chuỗi cung ứng quốc tế.
>>Không thể “chần chừ” chờ thí điểm chuyển đổi số
Ông Gregory Leon, Giám đốc Phát triển Kinh tế và Quản trị nhà nước, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam chia sẻ tại hội thảo “Đồng hành cùng doanh nghiệp nhỏ và vừa thích ứng và phục hồi trong tình hình mới”, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), thông qua Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME), ngày 8/12.
Ông Gregory Leon cho biết, USAID đã làm được điều này thông qua hoạt động hỗ trợ các DNNVV kết nối với các doanh nghiệp đầu chuỗi đang hoạt động ở cả Việt Nam và nước ngoài.
“Khi đại dịch Covid-19 lần đầu xuất hiện, USAID đã mở rộng hoạt động hỗ trợ để hỗ trợ thêm về chuyển đổi số và tiếp cận tài chính. Chuyển đổi số giúp các DNNVV tăng khả năng phục hồi và hiệu quả hơn”, ông Gregory Leon nói.
Vẫn theo ông Gregory Leon, việc tiếp cận tài chính giúp các DNNVV giảm các khoản nợ và có kinh phí để nâng cấp cơ sở vật chất để cải thiện năng lực cạnh tranh. Nhưng làn sóng dịch bệnh thứ 4 đã cho thấy đại dịch Covid-19 có thể gây ra thiệt hại như thế nào đối với nền kinh tế của một quốc gia. Đặc biệt, các DNNVV đã bị ảnh hưởng rất rất nặng nề từ làn sóng đại dịch này.
Do đó, ông Gregory Leon cho biết, USAID đang tăng các cam kết hỗ trợ các DNNVV phục hồi, mở rộng thực hiện ngay các hoạt động về chuyển đổi số và tiếp cận tài chính. USAID cũng đang xây dựng các chương trình nâng cao kỹ năng của người lao động trong các hoạt động quan trọng của DNNVV, nhằm nâng cao hiệu quả phòng chống COVID tại nơi làm việc, và từ đó sẽ khuyến khích cơ cấu lại nợ chủ động hơn.
Kể từ năm 2020, USAID đã và đang hỗ trợ Chính phủ Việt Nam đẩy nhanh và mở rộng các hoạt động cải cách môi trường pháp lý và quy định để thân thiện hơn với các DNNVV. Đây là nội dung rất quan trọng đối với năng lực cạnh tranh trong dài hạn cũng như tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Một phần không nhỏ của hoạt động này là hỗ trợ các nỗ lực của Văn phòng Chính phủ và các bộ ngành triển khai thực hiện Nghị quyết 68 về đơn giản hóa và cắt giảm các quy định kinh doanh và Nghị quyết 02 về triển khai liên tục các nhiệm vụ và các biện pháp để cải thiện môi trường kinh doanh. “Chúng tôi cũng đang hỗ trợ các nỗ lực số hóa các dịch vụ công, cho phép các DNNVV tương tác với các cơ quan Chính phủ dễ dàng hơn”, ông Gregory Leon chia sẻ.
Tuy nhiên, đứng trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, theo Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT) Lê Mạnh Hùng, dịch bệnh Covid-19 gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc triển khai các hoạt động của Dự án USAID LinkSME, trực tiếp là các hoạt động hỗ trợ trực tiếp tại DNNVV.
Tuy nhiên, với nỗ lực hỗ trợ DNNVV vượt qua khó khăn, thách thức do dịch bệnh Covid-19, Bộ KH&ĐT và Dự án USAID LinkSME trong gần 1 năm vừa qua đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ DNNVV và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Về hỗ trợ kết nối với DNNVV với DN đầu chuỗi đã có 64 đơn hàng kết nối thành công với giá trị các đơn hàng đạt gần 1,3 triệu USD.
Đồng thời, đã tổ chức được 11 khóa đào tạo cho DNNVV về kỹ thuật, quy trình sản xuất cho hơn 700 DNNVV trong các ngành, lĩnh vực hỗ trợ của Dự án. Các hoạt động hỗ trợ DNNVV nâng cấp kỹ thuật nhằm từng bước đáp ứng yêu cầu của các DN đầu chuỗi vẫn tiếp tục được đẩy mạnh.
Việc tiếp cận tài chính là hoạt động mới triển khai của Dự án nhưng trong thời gian ngắn (5 tháng) có hơn 500 DNNVV được hỗ trợ đào tạo tăng cường năng lực tiếp cận tài chính và quản trị tài chính; ước tính đến cuối tháng 12 này có 10 doanh nghiệp được hỗ trợ thành công các khoản vay mới và tái cấu trúc nợ với tổng giá trị 170 tỷ đồng.
Trong đó, tiếp cận vốn mới khoảng 120 tỷ đồng, tái cấu trúc nợ khoảng 50 tỷ đồng. Đồng thời, đã tổ chức 4 khóa đào tạo cơ bản và chuyên sâu về tiếp cận và quản trị tài chính cho gần 300 DNNVV và tiếp tục tổ chức 2 khoá trong tháng 12/2021.
>>VCCI và USAID: Tăng cường kết nối trong năm 2021
Điểm nhấn phù hợp với xu thế là chuyển đổi số cho các DNNVV đã có hơn 500.000 lượt tiếp cận các hoạt động, thông tin với gần 100.000 lượt đã tiếp cận các tài liệu nhằm nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, hơn 500 doanh nghiệp được đánh giá mức độ sẵn sàng và 100 doanh nghiệp đang được hỗ trợ tư vấn chuyên sâu 1 - 1 để giải quyết những vấn đề cụ thể của doanh nghiệp khi chuyển đổi số.
Ngoài ra, Dự án đã cùng Bộ KH&ĐT phát hành Cuốn sổ tay về Chuyển đổi số; xây dựng Khung đào tạo về chuyển đổi số theo hướng bền vững và các gói hỗ trợ chuyển đổi số theo từng giai đoạn phát triển của doanh nghiệp...
Trong năm 2022, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp của Bộ KH&ĐT và Dự án sẽ tiếp tục tập trung thúc đẩy và mở rộng các hoạt động hỗ trợ kết nối, chuyển đổi số và tiếp cận tài chính cho DNNVV thông qua việc tài liệu hoá và nhân rộng mô hình hỗ trợ thành công trên phạm vi toàn quốc.
“Hy vọng các hoạt động này sẽ là sự hỗ trợ kịp thời, ý nghĩa nhằm góp phần giúp doanh nghiệp có thể nắm bắt được xu hướng phát triển và chuyển dịch của thị trường trong nước và thế giới để có thể thích ứng, bền bỉ vượt qua khó khăn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay”, ông Hùng nhấn mạnh.
Đồng thời ông Hùng khẳng định, đây cũng là cơ hội để đẩy mạnh sự tham gia của các bên liên quan, qua đó tăng cường hơn nữa sự hợp tác của các đối tác vào dự án trong những năm tiếp theo để đóng góp vào hoạt động hỗ trợ bền vững cho các DNNVV Việt Nam.
Còn theo ông Daniel Fitzpatrick, Giám đốc dự án USAID LinkSME, nhiều doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19 và rất cần sự giúp và dự án đã tìm cách đáp ứng một cách thiết thực, thông qua đẩy mạnh tư vấn trực tuyến, tưng cường tập huấn, đào tạo cho doanh nghiệp để phục hồi nhanh bền vững. Sự hỗ trợ doanh nghiệp hướng tới sự cải thiện về quản trị, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như tìm đầu ra, nhất là xuất khẩu cho doanh nghiệp.
Cùng với đó, USAID LinkSME hợp tác với các tổ chức trung gian khu vực công và tư nhân có quan tâm tới việc liên kết các doanh nghiệp vừa và nhỏ với chuỗi cung ứng. Các tổ chức trung gian (tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp) bao gồm hiệp hội doanh nghiệp, phòng thương mại, cơ quan xúc tiến doanh nghiệp vừa và nhỏ, trung tâm phát triển xuất khẩu. Phương pháp kỹ thuật tiếp cận tập trung vào việc xây dựng năng lực của các tổ chức trung gian để thúc đẩy tăng trưởng DNNVV.
Đại diện một trong số doanh nghiệp từng nhận được sự hỗ trợ của dự án trên, ông Lê Duy Anh, Giám đốc Công ty cổ phần Xuân Hòa xác nhận, dù chịu áp lực, tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 nhưng đơn vị cố gắng chủ động hợp tác, được dự án hỗ trợ thông qua việc đánh giá năng lực quản trị để nâng cao khả năng điều hành và kỹ thuật trong sản xuất từ cuối năm 2020.
“Từ đó, doanh nghiệp củng cố, cải thiện sức cạnh tranh và hiện nhận được nhiều đơn hàng xuất khẩu hơn trước. Doanh nghiệp cũng nhận được sự tư vấn hiệu quả trong thực hiện chuyển đổi số và đó là điều kiện tốt để duy trì sức cạnh tranh, tăng trưởng bền vững trong tương lai”, ông Lê Duy Anh bày tỏ.
Có thể bạn quan tâm