Trong thời gian tới cần quan tâm nhiều hơn đến chương trình phát triển nhà ở xã hội cho thuê với những điều kiện ưu đãi khác biệt so với các chương trình hiện nay.
>>Tỷ suất sinh lời không đủ hấp dẫn nhà đầu tư nhà ở xã hội
Đây là quan điểm được Ts. Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đưa ra tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội được tổ chức ngày 16/3.
Thời điểm "chín muồi" để phát triển nhà ở xã hội
Chia sẻ tại Hội nghị, TS. Hoàng Văn Cường – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, hiện nay cầu về thị trường nhà ở căn hộ rất sôi động. Do đó, nếu phát triển được nhà ở xã hội trong gia đoạn này thì có tác động rất lớn, lan tỏa đến sự bình ổn, cân bằng thị trường bất động sản.
Đây cũng là thời điểm các nguồn tài trợ về vốn cho phát triển các dự án bất động sản nói chung, đặc biệt là bất động sản về nhà ở xã hội là khá dồi dào. Chúng ta không lo sự cạnh tranh nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực này với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác.
"Trong bối cảnh nền kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi, nếu chúng ta thúc đẩy phát triển mạnh nhà ở xã hội sẽ tạo ra sự lan tỏa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế", TS. Hoàng Văn Cường nêu rõ.
>>Đề xuất kéo dài thời gian vay mua nhà ở xã hội
Đánh giá cao Bộ Xây dựng, NHNN đã có nhiều chương trình xúc tiến, tạo một số điều kiện chuẩn bị cho chương trình phát triển nhà ở xã hội, tuy nhiên TS. Hoàng Văn Cường đề nghị cần xác định đúng hơn mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, đó là giải quyết nhu cầu về chỗ ở cho những người có thu nhập thấp hay giải quyết nhu cầu sở hữu nhà ở của người thu nhập thấp.
"Tôi cảm nhận rằng trong thời gian vừa qua, chương trình phát triển nhà ở xã hội đang hướng giải quyết nhu cầu về nhà ở thu nhập thấp nhiều hơn là hỗ trợ giải quyết nhu cầu sở hữu nhà ở cho người thu nhập thấp. Với người thu nhập thấp, việc trang trải cuộc sống cũng đã khó khăn thì làm sao có tiền tiết kiệm, tích lũy để trả tiền lãi, trả tiền vốn vay", ông Cường chia sẻ.
Phát triển với nhiều ưu đãi khác biệt
Do đó, ông Cường đề nghị cần quan tâm nhiều hơn đến chương trình phát triển nhà ở xã hội cho thuê với những điều kiện ưu đãi khác biệt hơn so với các chương trình hiện nay.
Liên quan đến vị trí phát triển nhà ở xã hội, thực tế hiện nay các dự án nhà ở xã hội thường khá xa so với trung tâm của tỉnh, thành phố. Trong khi đó, phương tiện đi lại không có, mất thời gian di chuyển nên người dân không muốn đi xa. Vì vậy, cần phải có một chương trình, quy hoạch những vị trí ở gần trung tâm nhưng lợi thế thương mại thấp để xây dựng quỹ nhà ở cho thuê.
Bên cạnh đó, TS. Hoàng Văn Cường đề nghị sử dụng nguồn vốn vay thật ưu đãi. Chẳng hạn như nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội vay dài hạn với lãi suất thấp, hoặc thậm chí là vốn nhà nước. Như vậy, mới giải quyết được một phần nhu cầu chỗ ở và đương nhiên vẫn phải phát triển chương trình thứ 2 là đáp ứng nhu cầu của những người có khả năng mua được nhà, do đó Chương trình này nên dành 50% cho thuê và 50% cho mua.
Về hỗ trợ vốn cho phát triển nhà ở xã hội, vị chuyên gia cho rằng, trong thời điểm hiện tại, cần tăng nguồn cung nhà ở xã hội do vậy gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hướng đến hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư phát triển nhà ở xã hội, tăng nguồn cung. Tuy nhiên, cần đơn giản hóa tối đa điều kiện cho vay đối với nhóm này. Cùng với đó là tính đến việc dùng ngân sách để hỗ trợ chương trình này khi mà chúng ta hiện có gói chính sách 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết 43 nhưng hầu như không giải ngân được.
"Đợt này Quốc hội đang giám sát thực hiện Nghị quyết 43, tôi đề nghị chuyển gói 40.000 tỷ đồng từ Nghị quyết 43 sang chương trình hỗ trợ nhà ở thu nhập thấp. Như vậy chúng ta đạt được đúng mục tiêu có dự án, đúng đối tượng, không sợ cho vay sai", ông Cường phát biểu tại Hội nghị.
Để thúc đẩy phát triển loại hình nhà ở xã hội, ông Cường cũng đề nghị tăng thời hạn cho vay đối với dự án này, đảm bảo ít nhất đủ một chu kỳ cho doanh nghiệp đầu tư, thu hồi vốn.
Có thể bạn quan tâm