Từng được hứa hẹn sẽ nhận khoản ưu đãi thuế khổng lồ từ Đạo luật CHIPS, nhiều doanh nghiệp Mỹ trong chuỗi cung ứng ngành bán dẫn giờ đây không chắc chắn về các khoản đầu tư trong nước.
Năm 2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành Đạo luật Khoa học và CHIPS nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp chip thống trị một thời của Mỹ thoát khỏi cái bóng của Trung Quốc. Tại đây, ông đã nhắc trực tiếp tới Hemlock Semiconductor - một công ty 63 năm tuổi ở bang Michigan như một điển hình của việc sản xuất vật liệu công nghệ cao trong nước.
>>AMD đe dọa thế độc tôn của Nvidia trong ngành bán dẫn
“Gần một phần ba tổng số chip trên thế giới sử dụng polysilicon được sản xuất tại Hemlock,” ông Biden nói trong bài phát biểu tại Nhà Trắng vào tháng 8/2022 và nhấn mạnh: “Hãy tưởng tượng nếu chúng ta có nhiều nhà máy kiểu này hơn trên khắp đất nước. Luật này sẽ biến điều đó thành hiện thực". Với tham vọng đó, chính quyền Biden sẵn sàng tung ra hàng loạt các khoản giảm thuế - ước tính trị giá hơn 25 tỷ USD trong một thập kỷ.
Lời hứa chưa thành hiện thực
Thế nhưng điều trớ trêu, thay vì hỗ trợ Hemlock như đã cam kết, Bộ Tài chính và Sở Thuế vụ Mỹ mới đây đề xuất các quy định nhằm loại bỏ công ty này, với lý do rằng nó không đáp ứng được mục đích của luật. Khi dự thảo đầu tiên của quy tắc tín dụng thuế CHIPS được ban hành vào tháng 3 năm ngoái, chỉ đưa ra ưu đãi cho các công ty sản xuất chip thành phẩm và máy dùng để in. Trong khi đó, Hemlock và các công ty khác cung ứng cho ngành này không nằm trong diện được trợ cấp.
Các công ty này cho rằng các hướng dẫn có phạm vi quá hẹp – điều mà các chính trị gia có liên quan trong ngành hoàn toàn ủng hộ. Họ cho rằng có sự mâu thuẫn giữa mục đích của Luật và cách chính quyền đang thực thi gây thất vọng các công ty trong nước.
Thượng nghị sĩ Gary Peters của Đảng Dân chủ ở Michigan nói: “Các nhà sản xuất polysilicon cho chip là rất cần thiết. Tôi sẽ tiếp tục đấu tranh để đảm bảo họ nhận được sự hỗ trợ của liên bang.”
Những khó khăn này khiến nhiều doanh nghiệp không trực tiếp sản xuất chip tại Mỹ cảm thấy bị “bỏ rơi”. Lập luận của các công ty cung ứng này nêu bật thách thức chính trong tham vọng của Mỹ nhằm củng cố vai trò trong một ngành công nghiệp toàn cầu quan trọng – nơi rất khó xác định ai là người quan trọng hơn trong một ngành công nghiệp trị giá 526 tỷ USD.
Vào tháng 11/2023, Thống đốc Michigan, Gretchen Whitmer, đã viết thư cho ông Biden, cảnh báo rằng chính sách sản xuất chip tại Mỹ sẽ thất bại nếu không hỗ trợ các nhà cung cấp như Hemlock. Cùng tháng, tất cả 9 đảng viên Đảng Dân chủ Michigan tại Quốc hội đã viết thư cho Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, nói rằng việc mở rộng vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ trong ngành sẽ chỉ khả thi nếu các nhà sản xuất polysilicon cấp bán dẫn có thể được giảm thuế.
Cho tới nay, các quy định về thuế cuối cùng đã bị đẩy lùi sang tháng 6/2024 dù trước đó dự trù vào tháng 12 năm ngoái. Điều này càng khiến các doanh nghiệp Mỹ lo lắng liệu các nỗ lực kêu gọi của họ có thành công hay không.
>>“Cuộc chiến” chất bán dẫn (Kỳ X): Mỹ tiếp tục tung "đòn hiểm"
Thế khó của chính phủ Mỹ
Hemlock Semiconductors là nhà sản xuất nguyên liệu thô hàng đầu của Mỹ, nơi họ xử lý thạch anh và tinh chế nó thành đá polysilicon siêu tinh khiết – một thành phần để biến thành các vi mạch tiếp theo.
Nhưng khi có rất nhiều nguyên tố được sử dụng trong sản xuất bán dẫn, xuất hiện ngày càng nhiều công ty đòi hỏi một vị trí trong danh sách được hỗ trợ của CHIPS, bao gồm cả các nhà sản xuất khí công nghiệp và hóa chất có sản phẩm được dùng trong sản xuất chip.
Thậm chí trong những ngày đầu của Đạo luật CHIPS, công ty truyền thông xã hội Snap, hãng vận chuyển FedEx và những công ty khác có mối liên hệ không rõ ràng với vi mạch cũng đã thuê các nhà vận động hành lang nhằm tìm cách giành được một phần ưu đãi.
Đối với các công ty đầu ngành, khoản tín dụng thuế đã được áp dụng. Kể từ khi CHIPS trở thành luật, các công ty, như Intel..., đã công bố đầu tư hơn 230 tỷ USD vào chất bán dẫn trong nước. Nhưng ngành công nghiệp polysilicon vẫn chưa tuyên bố bất cứ khoản đầu tư nào tại Mỹ trong khi chờ đợi các quy định cuối cùng.
Đại diện các doanh nghiệp và nhà phân tích cảnh báo nếu các nhà cung ứng này không thể nhận được lợi ích về thuế, chuỗi cung ứng vi mạch sẽ phải tìm đường ra nước ngoài, nơi Trung Quốc có thể dang tay chào đón. Những người ủng hộ cho rằng việc các nhà sản xuất Trung Quốc tiếp tục tận dụng thời cơ để vượt lên trong sản phẩm này chỉ là vấn đề thời gian nếu chính phủ không có hỗ trợ.
Trung Quốc vẫn chưa làm chủ được quá trình sản xuất hàng loạt polysilicon được sử dụng trong ngành công nghiệp bán dẫn – vốn cần phải đạt độ tinh khiết cực cao tới 99,99%. Trước đây, các tấm pin mặt trời làm từ silicon là một phát minh của Mỹ nhưng giờ gần như đã bị thống trị bởi các công ty Trung Quốc.
Có thể bạn quan tâm
Công nghiệp bán dẫn Trung Quốc “mắc kẹt” ở đâu?
04:30, 30/01/2024
Lực đẩy ngành bán dẫn Việt Nam
02:30, 28/01/2024
Khơi dậy tiềm năng ngành bán dẫn
12:00, 26/11/2023
"Cơn ác mộng" với ngành bán dẫn
04:20, 10/11/2023
Thêm rào cản mới, doanh nghiệp bán dẫn Trung Quốc chồng chất khó khăn
04:00, 07/11/2023