Ưu tiên làm đường sắt tốc độ cao đoạn TP.HCM - Long Thành

BBT 20/09/2019 20:25

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có thể bắt đầu triển khai từ năm 2021 (ưu tiên đoạn TP.HCM - Long Thành) nếu được Quốc hội thông qua.

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp chuẩn bị Đề án về chủ trương xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Thông báo kết luận nêu rõ, do vai trò đặc biệt quan trọng của hành lang giao thông Bắc - Nam bởi địa hình đất nước ta dài và hẹp, nên việc đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có ý nghĩa quan trọng, kết nối vận tải trên toàn trục, qua các địa phương, các đô thị, các khu kinh tế, các khu công nghiệp, nhằm đáp ứng năng lực vận tải ngày càng gia tăng trên trục Bắc - Nam, giảm áp lực lên các loại hình vận tải đường bộ, hàng không, tạo hàng lang phát triển, đặc biệt là phát triển đô thị, phân bổ lại dân cư, góp phần giảm áp lực cho các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Tạo hạ tầng tốt, giao thông thuận tiện sẽ khắc phục xu hướng tập trung hóa đô thị như ở các nước đang phát triển hiện nay, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và cải thiện chất lượng cuộc sống người dân.

Có thể bạn quan tâm

  • Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Chênh 32 tỷ đô, nghiêng về đâu?

    Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Chênh 32 tỷ đô, nghiêng về đâu?

    06:50, 11/07/2019

  • Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam:  Cần 58,7 hay 26 tỷ đô?

    Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Cần 58,7 hay 26 tỷ đô?

    07:15, 10/07/2019

  • Tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi về Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

    Tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi về Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

    18:27, 11/04/2019

Để bảo vệ và giải trình thuyết phục, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục chỉ đạo tư vấn nghiên cứu, chuẩn bị kỹ nội dung Đề án (nội dung chính là Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam), nhất là làm rõ kinh nghiệm quốc tế, vấn đề nội địa hóa, lựa chọn tốc độ chạy tàu, cơ cấu các loại hình vận tải, tác động sau khi xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đến vận tải hành khách của các loại hình giao thông khác, khả năng bố trí vốn đầu tư, lựa chọn giai đoạn đầu tư (từ năm 2021 - năm 2030 hay sau năm 2030).

Phó Thủ tướng yêu cầu Hội đồng thẩm định nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tập trung thẩm định, lựa chọn tư vấn có đủ năng lực, kinh nghiệm thẩm tra, phản biện.

Trên cơ sở kết quả thẩm định, Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ chín Quốc hội khóa XIV (tháng 5/2020).

Nếu được Quốc hội thông qua sẽ triển khai đầu tư vào các giai đoạn từ năm 2021-2030 hoặc sau năm 2030. Giai đoạn từ năm 2021 - năm 2030 có thể đề xuất đầu tư xây dựng một hoặc hai đoạn tuyến đường sắt tốc độ cao, ưu tiên Thành phố Hồ Chí Minh đi sân bay Long Thành và một số đoạn ưu tiên khác tùy thuộc nhu cầu vận tải và nguồn lực đầu tư.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải chủ động nghiên cứu, lập dự án các tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh - thành phố Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ và các tuyến đường sắt quan trọng đảm bảo tính kết nối, đáp ứng yêu cầu vận tải hành khách, hàng hóa theo đúng quy hoạch, làm cơ sở xây dựng kế hoạch đầu tư, kêu gọi đầu tư trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Ưu tiên làm đường sắt tốc độ cao đoạn TP.HCM - Long Thành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO