Nhiều trường hợp tử vong sau khi tiêm vắc xin phòng COVID-19 đang làm các chuyên gia lo ngại về tính an toàn, khi ngày càng nhiều loại vắc xin được các nước tung ra thị trường hiện nay.
Vừa qua, các quan chức Na Uy cho biết 23 người đã chết ở nước này một thời gian ngắn sau khi tiêm liều vắc xin COVID-19 đầu tiên. Theo cơ quan Dược phẩm Na Uy, 13 người đã được khám nghiệm tử thi và kết quả cho thấy các tác dụng phụ thông thường có thể góp phần gây ra phản ứng nghiêm trọng ở những người già yếu.
Tương tự, tại Đức, các chuyên gia đang xem xét 10 người qua đời ngay sau khi được tiêm chủng vắc xin chống COVID-19. Cùng với đó, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) công bố, đã có 6 người đã chết trong các cuộc thử nghiệm vắc xin ngừa COVID-19 do hãng dược phẩm khổng lồ Pfizer và đối tác BioNTech phát triển.
Các chuyên gia nhận định, trên thực tế, việc nghiên cứu và phát triển tất cả các vắc xin COVID-19 là tương đối vội vàng. Các loại vắc xin đáng lẽ phải trải qua nhiều cuộc thử nghiệm lâm sàng lâu hơn trước khi được đưa ra thị trường. Nhưng thời gian không chờ đợi, và đại dịch không chờ đợi.
Do đó, vắc xin phòng COVID-19 đã được đưa lên tuyến đầu của cuộc chiến với tốc độ nhanh hơn nhiều so với các loại vắc xin khác khi chưa có đầy đủ dữ liệu về tác dụng của vắc xin với các độ tuổi khác nhau.
Cùng với đó, hầu hết các trường hợp có khả năng xảy ra tác dụng phụ hoặc tử vong do vắc xin COVID-19 chủ yếu ở những người từ 80 tuổi trở lên, có những bệnh lý nền phức tạp. Như vậy, các phản ứng thông thường với vắc xin như sốt và buồn nôn có thể đã góp phần dẫn đến tử vong ở một số bệnh nhân yếu hoặc những người bị suy nhược nghiêm trọng nhất. Đối với những người có thời gian sống còn lại rất ngắn, tác dụng của vắc xin có thể là không đáng kể.
Emer Cooke, người đứng đầu mới của Cơ quan Thuốc Châu Âu EMA cho biết, việc tiêm chủng vắc xin hàng loạt là điều bắt buộc. Ngay cả khi có rủi ro, các quốc gia cũng sẽ chấp nhận, miễn là họ có thể cứu mạng sống của hầu hết mọi người.
Mặt khác, chuyên gia Cooke phân tích thêm, việc xuất hiện các trường hợp tử vong không có nghĩa là những người trẻ hơn, khỏe mạnh hơn nên tránh tiêm vắc xin COVID-19 mà đây là cảnh báo đối với những người già và có bệnh nan y về nguy cơ tử vong do tác dụng phụ.
Các bác sĩ cần cẩn trọng xem xét những đối tượng nên được tiêm chủng. Độ tuổi được ưu tiên sẽ dành cho nhóm dân số có nguy cơ nhiễm bệnh cao từ 18 đến 59 tuổi, và hạn chế với nhóm người cao tuổi hoặc những trường hợp đang mắc bệnh lý nền nghiêm trọng.
Thậm chí, các bác sĩ có thể cân nhắc đến tình trạng của bệnh nhân trước khi tiêm vắc xin. Nghiên cứu mới nhất của nhóm chuyên gia đến từ đại học Ohio State, Mỹ trong thời gian gần đây cho thấy trầm cảm, căng thẳng, cô đơn... có thể làm suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể và làm giảm hiệu quả của các loại vắc xin, trong đó có vắc xin COVID-19.
Chính vì vậy, về lâu dài, việc theo dõi tính an toàn của vắc xin COVID-19, đặc biệt là những vắc xin dựa trên công nghệ mới như mRNA sẽ là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu khi các mũi tiêm được triển khai rộng rãi.
Trước mắt, việc triển khai các chương trình tiêm chủng vắc xin ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại nhiều nước sẽ không thể tạo ra miễn dịch cộng đồng cho toàn thế giới trong năm nay. Do đó, Tổ chức Y tế thế giới WHO khuyến cáo, các nước vẫn cần tập trung vào công tác giám sát như xét nghiệm, truyền thông, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt trong năm 2021.
Có thể bạn quan tâm