Văn hóa là “nhân hiệu - thương hiệu” của doanh nghiệp

ĐÌNH ĐẠI thực hiện 04/10/2022 01:30

Theo bà Nguyễn Trịnh Khánh Linh văn hóa doanh nghiệp chính là “nhân hiệu - thương hiệu” của cả tổ chức. Khi làm văn hoá thật như chính mình thì cộng đồng sẽ cảm nhận được cốt lõi văn hóa của công ty.

>>>“Bí quyết” xây dựng văn hóa doanh nghiệp của Tập đoàn Hòa Bình

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp xoay quanh câu chuyện về văn hóa doanh nghiệp, CEO Dale Carnegie Việt Nam Nguyễn Trịnh Khánh Linh cho rằng, xây dựng văn hóa doanh nghiệp sẽ thành công khi bản thân doanh nghiệp thật sự “hiểu” cách tiếp cận nào, phương pháp nào là phù hợp nhất với các yếu tố nội tại của công ty mình để có thể tự triển khai hoặc cùng đơn vị tư vấn (nếu có) xây dựng dựa trên “bản sắc” riêng biệt và định hướng phát triển khác biệt của chính doanh nghiệp mình.

Bà Nguyễn Trịnh Khánh Linh - CEO Dale Carnegie Việt Nam.

Bà Nguyễn Trịnh Khánh Linh 

- Bà đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp trước và sau đại dịch?

Trong kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng. Văn hóa doanh nghiệp tạo nên sự gắn kết lâu dài và văn hóa doanh nghiệp cũng chính là yếu tố quyết định sự vững mạnh của một đội ngũ và sự phát triển bền vững của một tổ chức.

Kết quả nghiên cứu từ 207 công ty trong 22 ngành nghề trong suốt 1977-1988 của John Kotter & James Heskett cho thấy, văn hóa tác động đến kết quả kinh doanh và tài chính của công ty.

Hay nghiên cứu gần đây của Cisco IBSG, 55% phản hồi từ công ty với văn hóa hòa nhập rất tự tin về tăng trưởng doanh thu, 93% phản hồi những nỗ lực đầu tư mới của công ty đều thành công vì giá trị kinh doanh rõ nét.

Còn theo Dale Carnegie, văn hóa doanh nghiệp tác động đến chiến lược định hình hướng đi và cách đi của công ty trong tương lai, khả năng ra quyết định, thái độ hướng đến khách hàng, khả năng làm chủ của nhân viên để ra quyết định trong chính công việc của họ.

Khả năng hiểu được định hướng, mục tiêu, sứ mệnh mà công việc và tổ chức đang tồn tại rất quan trọng vì nó sẽ là kim chỉ nam cho mọi tư duy, quyết định và hành động của từng nhân sự trong tổ chức, và giúp tổ chức giữ được cốt cách, giá trị cốt lõi và đạt được những mục tiêu kinh doanh đề ra.

Một khác biệt đặc thù của văn hóa doanh nghiệp trước và trong đại dịch là tính linh hoạt và thích ứng của các chuẩn mực văn hóa doanh nghiệp nhằm giúp cho công ty có thể tồn tại và trụ vững qua đại dịch.

Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh và mỗi tổ chức, doanh nghiệp đều cần hiểu hiện trạng và nội lực của chính mình để có thể linh hoạt thay đổi các giá trị hay chuẩn mực để giúp công ty vượt qua thách thức mang tính sống còn thời COVID-19.

- Vậy theo bà, mối quan hệ giữa một thương hiệu và văn hóa doanh nghiệp là gì?

Ở Dale Carnegie, Ban văn hóa được nhận nhiệm vụ bất di bất dịch trong việc truyền thông văn hóa nội bộ ra cộng đồng. Định hướng đơn giản là “showcase” thực tế cách hàng ngày chúng tôi “sống” thế nào, làm việc ra sao, cảm nhận, tương tác và kết nối cộng đồng thế nào.

Chúng tôi chọn việc thể hiện văn hóa của Dale Carnegie đúng với giá trị thật của tổ chức như một cách khẳng định thương hiệu và nỗ lực xây dựng và gìn giữ văn hóa toàn cầu và Việt Nam của chính mình.

Do đó, chúng tôi đã không lựa chọn chiến lược xây dựng đánh bóng tên tuổi Dale Carnegie qua các bài viết, hay các hoạt động văn hóa hoành tráng mà trong đó thiếu đi sự cảm nhận thật lòng, kết nối có chiều sâu và tham gia thật tâm của từng nhân sự trong nội bộ.

Chúng tôi tin rằng văn hóa - cách tư duy, hành xử, tương tác, nỗ lực của đội ngũ là cách nhanh, thật và “đủ tư cách” nhất trong việc định vị và vun đắp cho giá trị thương hiệu của tổ chức mình.

Nói ngắn gọn thì văn hóa doanh nghiệp chính là “nhân hiệu - thương hiệu” của cả tổ chức. Khi làm văn hoá thật như chính mình thì cộng đồng sẽ cảm nhận được cốt lõi văn hóa của công ty.

Nói cách khác thì những hành xử, tương tác thiếu chủ đích văn hóa, thiếu đồng bộ và đồng nhất trong chuẩn mực của mọi thành viên nhân sự trong tổ chức, công ty đều sẽ tạo ra nhận định thương hiệu cho công ty một cách không như mong muốn.

Do đó, chiến lược xây dựng văn hóa doanh nghiệp chính là phần cốt lõi trong chiến lược định vị thương hiệu của tổ chức. Tôi rất thích quan điểm của Howard Schultz - Giám đốc điều hành Starbucks nói về văn hóa và thương hiệu: “Trong xã hội luôn thay đổi này, những thương hiệu mạnh mẽ và lâu bền nhất đều được xây dựng từ trái tim. Chúng có thực và bền vững. Nền tảng của họ vững chắc hơn bởi vì chúng được xây dựng bằng sức mạnh của tinh thần con người, không phải là một chiến dịch quảng cáo. Những công ty tồn tại lâu dài là những công ty nguyên mẫu và thực chất”.

Văn hóa doanh nghiệp: Nền tảng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Văn hóa doanh nghiệp: Nền tảng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

- Bà đánh giá như thế nào về mối quan hệ giữa Chiến lược, Quản trị và Văn hóa?

Tôi lấy một hình ảnh so sánh để chúng ta cùng dễ hình dung. Một địa phương hướng đến văn hóa “sống xanh và bền vững”, định hướng đến lối sống tối giản, hướng đến thiên nhiên, bảo vệ thiên nhiên và sức khỏe của gia đình và cộng đồng và muốn lan tỏa những giá trị này rộng khắp trên địa phương cho nhiều thế hệ khác nhau trong mỗi gia đình.

Nếu địa phương này chỉ có một vài gia đình thích trồng cây nhưng chỉ trồng trong nhà theo sở thích, sử dụng sản phẩm sạch, thân thiện môi trường, v.v thì sẽ rất lâu địa phương này mới có thể đạt được một văn hóa “sống xanh và bền vững” như mong đợi vì các giá trị tốt đẹp được khởi xướng và phát triển nhỏ lẻ, thiếu định hướng và hỗ trợ theo sát.

Do đó, địa phương này cần có chiến lược triển khai rộng khắp văn hóa “sống xanh và bền vững” này với triết lý nền tảng, thông điệp truyền thông, hình ảnh truyền thông, hướng dẫn chuẩn mực và hành động để giúp từng gia đình, từng người dân có thể hiểu và biết cách làm để “sống xanh và bền vững” hơn, hay là tôn vinh, nhìn nhận những điển hình hành động thành công để làm mẫu cho những người khác học theo.

Và quan trọng nhất trong phần “linh hồn”, những lãnh đạo của địa phương cần là những tấm gương thật trọn vẹn cho cách sống và giá trị này, tin tưởng mạnh mẽ và luôn lan tỏa cách sống qua câu chuyện thật của chính mình.

Cũng như vậy, văn hóa doanh nghiệp cần có sự bổ trợ không thể thiếu của chiến lược hoạch định và hệ thống quản trị để giúp văn hóa doanh nghiệp được “sống” thật và trở thành linh hồn của doanh nghiệp qua thời gian thông qua cách hiểu, cách làm, cách lan tỏa những chuẩn mực được xây dựng lên.

Đây chính là khoảng cách giữa những công ty có văn hóa doanh nghiệp “thực chất”, nói được làm được với những công ty có tuyên ngôn hào nhoáng và câu chuyện hay của văn hóa doanh nghiệp nhưng lại chưa được hiện thực hóa bằng các chiến lược và hành động cụ thể được đánh giá và theo sát qua thời gian.

>>>Đạo đức doanh nhân, văn hoá doanh nghiệp biểu hiện qua “nói đi đôi với làm”

- Mối quan tâm của doanh nghiệp đã thay đổi như thế nào trong văn hóa doanh nghiệp? Cụ thể là trải nghiệm khách hàng (CX), trải nghiệm nhân sự (EX), trải nghiệm đối tác (PX) và trải nghiệm cộng đồng (CX).

Đại dịch COVID-19 và sự thay đổi chóng mặt của công nghệ số trong 3 năm gần đây đã tạo đòn bẩy mạnh mẽ cho những chuyển hướng tập trung trong văn hóa doanh nghiệp.

Văn hóa doanh nghiệp được xây dựng hướng đến khả năng thích ứng linh hoạt, bản lĩnh thay đổi nhanh chóng trong những kế hoạch ngoài dự định của doanh nghiệp. Nền tảng văn hóa tạo điều kiện cho người lao động/nhân sự được gắn kết chặt chẽ với công ty và đồng nghiệp, chăm sóc về thể chất và tinh thần; phát triển sự nghiệp dài hạn, và trưởng thành trong nghề nghiệp và tố chất của mình trở thành những định hướng chính trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp.

Những nền tảng này thúc đẩy mạnh mẽ chiến lược gia tăng Trải nghiệm nhân sự (EX) trong nội bộ, và là đòn bẩy chính tạo ra Trải nghiệm khách hàng (CX) cho doanh nghiệp.

Giống như câu mà Simon Sinek đã chia sẻ: “Khách hàng sẽ không bao giờ yêu thích một công ty cho đến khi từng nhân viên yêu thích công ty của mình trước”.

Chính những “đại sứ nội bộ” được phát triển ra từ những chiến lược EX hợp lý sẽ thu hút và đẩy mạnh hiệu quả những trải nghiệm Khách hàng (CX) và trải nghiệm Đối tác (PX) thông qua những “đại sứ khách hàng” và “đại sứ đối tác” của doanh nghiệp, một cách tự nhiên và bền vững.

Với cộng đồng xã hội, “thương hiệu” là “nhân hiệu” của doanh nghiệp. Một khi doanh nghiệp có văn hóa doanh nghiệp mạnh, chân thật và thực chất, những tương tác và đóng góp cho cộng đồng, xã hội cũng từ đó mà đại diện đặc sắc cho những tố chất văn hóa này, giúp gia tăng tích cực những trải nghiệm cộng đồng mà doanh nghiệp đó mang lại cho xã hội.

Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy các công ty tạo cơ hội cho nhân viên của mình tham gia vào việc giúp đỡ, hỗ trợ cộng đồng tạo được lợi thế cạnh tranh tốt hơn với các đối thủ và nhận về được rất nhiều lợi ích, bao gồm cả khách hàng trung thành và nhân viên hạnh phúc hơn.

Tuy nhiên, cốt lõi để tạo ra CX bền vững chính là tính thực chất trong việc doanh nghiệp làm trong những đóng góp của mình đến cộng đồng, xã hội - khả năng nói được làm được hay tốt hơn nữa là nói ít làm nhiều, hướng đến lợi ích cộng đồng hơn là mục đích đánh bóng thương hiệu của doanh nghiệp.

để doanh nghiệp phát triển bền vững, mang lại những giá trị tích cực cho cộng đồng, xã hội cần phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp mang tầm quốc gia có sự hội nhập với văn hóa thế giới.

Để doanh nghiệp phát triển bền vững, mang lại những giá trị tích cực cho cộng đồng, xã hội cần phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp mang tầm quốc gia có sự hội nhập với văn hóa thế giới.

- Có mặt tại Việt Nam gần 15 năm, văn hóa doanh nghiệp của Dale Carnegie toàn cầu và Dale Carnegie Việt Nam có những sự sáng tạo và “bản địa hoá" ra sao?

Dựa trên cốt lõi Đắc Nhân Tâm phần nào đã trở thành một triết lý sống đẹp ở Việt Nam từ những năm 1950. Dale Carnegie Việt Nam tiếp nối và phát triển những giá trị và năng lực cốt lõi của Dale Carnegie toàn cầu theo cách rất “nội địa”, thông hiểu và sâu sắc.

Triết lý phát triển mở rộng của Dale Carnegie luôn tuân theo định hướng “Tiếp cận Toàn cầu với Giá trị Địa phương”, theo đó chiến lược định hướng cốt lõi và hệ thống chất lượng toàn cầu được khởi xướng và xây dựng từ DC&A, khi được vào thị trường cụ thể ở địa phương thì sẽ luôn thể hiện được lý tưởng, tâm huyết và điều chỉnh chiến lược cho phù hợp với đặc thù của từng thị trường nội địa.

Ở Việt Nam, Dale Carnegie địa phương hóa và nâng tầm nhiều khởi xướng chiến lược từ Dale Carnegie toàn cầu. Đơn cử như về chiến lược giải pháp OD cho thị trường, dựa trên những nghiên cứu hàng năm từ Học viện Dale Carnegie toàn cầu, Dale Carnegie Việt Nam đã phát triển thành những hệ thống giải pháp “may đo” riêng cho thị trường và bối cảnh của Việt Nam.

Ví dụ như chuỗi chương trình “Lãnh đạo Tạo gắn kết” được xây dựng dành riêng cho Quản lý và Lãnh đạo cấp cao tại Việt Nam, đúc kết và phát triển nội dung và bối cảnh từ 5 chương trình “signature” nổi tiếng toàn cầu của Dale Carnegie.

Hay như Hệ thống xây dựng Văn hóa Doanh nghiệp được “may đo” lại với những công cụ sáng tạo, đổi mới và phù hợp với bối cảnh của doanh nghiệp Việt Nam dựa trên hệ thống đúc kết tri thức của Dale Carnegie hơn 100 năm.

- Ở Việt Nam, bà ấn tượng với văn hóa doanh nghiệp của doanh nghiệp nào nhất?

Ở Việt Nam, tôi ấn tượng nhất với văn hóa kinh doanh của PNJ. Văn hóa kinh doanh của PNJ “luôn đặt lợi ích xã hội, lợi ích khách hàng vào lợi ích doanh nghiệp” đã giúp cho PNJ không chỉ được biết đến như là một công ty trang sức đã vực dậy ngành kim hoàn Việt Nam, mà còn trở thành Doanh nghiệp xuất sắc nhất ngành kim hoàn châu Á (do JNA công bố).

Đây là kết quả tất yếu của quá trình PNJ liên tục theo đuổi và thực thi xây dựng cho mình nền tảng văn hóa doanh nghiệp vững vàng, luôn xem văn hóa doanh nghiệp là nền tảng của phát triển bền vững.

- Xin cảm ơn bà!

Có thể bạn quan tâm

  • “Bí quyết” xây dựng văn hóa doanh nghiệp của Tập đoàn Hòa Bình

    “Bí quyết” xây dựng văn hóa doanh nghiệp của Tập đoàn Hòa Bình

    00:36, 10/09/2022

  • Đạo đức doanh nhân, văn hoá doanh nghiệp biểu hiện qua “nói đi đôi với làm”

    Đạo đức doanh nhân, văn hoá doanh nghiệp biểu hiện qua “nói đi đôi với làm”

    03:25, 26/08/2022

  • CEO Phi Hoa: Xây dựng văn hóa doanh nghiệp thông qua việc dọn vệ sinh

    CEO Phi Hoa: Xây dựng văn hóa doanh nghiệp thông qua việc dọn vệ sinh

    08:00, 11/08/2022

  • 01/03: Văn hóa doanh nghiệp trong thương hiệu tuyển dụng

    01/03: Văn hóa doanh nghiệp trong thương hiệu tuyển dụng

    10:16, 01/03/2022

  • VCCI hỗ trợ xây dựng nền tảng trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp

    VCCI hỗ trợ xây dựng nền tảng trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp

    02:21, 02/01/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Văn hóa là “nhân hiệu - thương hiệu” của doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO