Trước tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh doanh nghiệp, các chuyên gia tiếp tục kiến nghị bỏ quy định bổ sung i-ốt, kẽm vào thực phẩm khi sửa đổi Nghị định 09/2016.
>> Nghị định 09/2016 làm "khổ" doanh nghiệp thực phẩm đến bao giờ?
Ngày 29/1/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 09/2016/NĐ-CP (Nghị định 09) quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm. Trong đó, tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 6 quy định “Muối…, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt” và “Bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm” khiến cộng đồng doanh nghiệp nhiều ngành hàng thực phẩm vô cùng quan ngại và gặp nhiều khó khăn suốt gần 8 năm qua đối với cả chế biến thực phẩm cho xuất khẩu, tiêu dùng nội địa.
Nhiều ý kiến đánh giá, quy định này thiếu hiệu quả trong cải thiện vi chất cho người dân và đang đi ngược với các khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, dẫn đến nguy cơ tổn hại sức khỏe cho nhóm đối tượng đủ và thừa vi chất.
Đứng trước tình hình này, Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh và các hội ngành nghề đã nhiều lần kiến nghị về nội dung này bằng văn bản và thông qua các buổi làm việc trực tiếp với Phó Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Cục An toàn thực phẩm và Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) với mong muốn kịp thời tháo gỡ khó khăn, tồn tại cho doanh nghiệp ngành chế biến thực phẩm.
Dù những năm qua, các cơ quan ban ngành đã ban hành nhiều văn bản, trong đó có Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 09 của Bộ Y tế để tháo gỡ cho doanh nghiệp thực phẩm. Thế nhưng, bản chất quy phạm pháp luật của Nghị định 09 vẫn giữ nguyên, chưa giải quyết được triệt để các kiến nghị của các hiệp hội về những bất cập mà doanh nghiệp ngành đang đối mặt.
Ngoài ra, sau khi phân tích các nội dung Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 09, đại diện các doanh nghiệp đều cho rằng những lập luận trong Dự thảo là thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn; quá bất hợp lý và gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; không phù hợp với kinh nghiệm quốc tế; cũng như báo cáo tác động chính sách chưa đầy đủ và chưa đủ cơ sở thuyết phục.
Do vậy, cộng đồng doanh nghiệp thực phẩm và các hiệp hội tiếp tiếp tục kiến nghị, bỏ quy định bổ sung i-ốt cho muối dùng trong chế biến thực phẩm và bỏ tăng cường sắt và kẽm vào bột mì dùng trong chế biến thực phẩm. Việc này phải được thể hiện ngay trong bản Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 09, để tháo gỡ bất cập và hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp thực phẩm sản xuất trong nước và xuất khẩu.
>> Yếu tố “cản trở” xanh hóa doanh nghiệp ngành thực phẩm
Nêu quan điểm về vấn đề này, Chuyên gia Vũ Thế Thành, thành viên Hội đồng tư vấn khoa học thuộc Sở An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh cho rằng, theo quy định của Bộ Y tế, các doanh nghiệp phải dùng i-ốt trong chế biến sản phẩm. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp về mặt kỹ thuật như thất thoát muối i-ốt.
“Nhiều loại thực phẩm dùng muối i-ốt, khi chế biến đưa lên nhiệt độ cao đều thất thoát quá nhiều muối i-ốt, thậm chí không còn muối i-ốt trong thành phẩm, chẳng hạn đồ hộp, mì gói, xúc xích tiệt trùng. Nói chung là không hiệu quả”, ông Thành chia sẻ.
Đặc biệt, theo ông Thành, quy định này còn gây khó khăn xuất khẩu. Theo đó, một số nước trên thế giới như Nhật Bản không cho phép bổ sung muối i-ốt, các doanh nghiệp trong nước nếu muốn xuất khẩu thì phải vệ sinh toàn bộ dây chuyền trước khi sản xuất để tránh nhiễm chéo. Vệ sinh dây chuyền không phải chuyện đơn giản như rửa chén dĩa, tốn kém thời gian, nhân lực, ảnh hưởng đến năng suất.
“Mỗi quốc gia đều có mức độ kinh tế phát triển khác nhau, thu nhập khác nhau, mức chênh lệch giữa nông thôn và đô thị khác nhau, địa dư khác nhau, thế mạnh công nghiệp, trình độ văn hóa, giáo dục và thói quen ẩm thực khác nhau. Do đó, không thể sao chép giải pháp “phủ vi chất toàn diện” của các nước này áp dụng cho Việt Nam, bất chấp những khó khăn của doanh nghiệp, và sự phát triển kinh tế. Đó là chưa kể, có loại thực phẩm bổ sung vi chất nhưng không hiệu quả như mì gói bổ sung muối i-ốt sau giai đoạn chiên”, chuyên gia Vũ Thế Thành nhìn nhận.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Phúc Khoa, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) phân tích, i-ốt rất nhạy cảm với nhiệt độ, ánh sáng nên dù doanh nghiệp có tăng cường i-ốt trong sản phẩm nhưng qua quá trình xử lý nhiệt, tất cả i-ốt đều bị "đốt cháy".
"Không riêng Vissan mà các công ty khác cũng không phát hiện i-ốt trong sản phẩm cuối. Ngoài ra, một số sản phẩm còn bị biến đổi màu sắc, mùi vị do sự tác động của i-ốt lên các thành phần nguyên liệu ban đầu", ông Khoa phản ánh.
Theo tính toán của Vissan, việc dùng muối i-ốt tăng 5% so với sử dụng muối thông thường nhưng lại không có hiệu quả cho khách hàng. Do đó, Vissan kiến nghị bãi bỏ yêu cầu bắt buộc sử dụng muối i-ốt trong chế biến thực phẩm, thay vào đó chỉ khuyến khích sử dụng như chỉ đạo của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
Giảm lãng phí thực phẩm từ nhà hàng-khách sạn cách nào?
01:03, 11/07/2024
Nghị định 09/2016 làm "khổ" doanh nghiệp thực phẩm đến bao giờ?
03:00, 09/07/2024
WEF Đại Liên: Cơ hội từ đổi mới chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm
03:30, 25/06/2024
Yếu tố “cản trở” xanh hóa doanh nghiệp ngành thực phẩm
04:30, 19/06/2024
Chuẩn mực đạo đức trong quảng cáo thực phẩm chức năng
03:10, 14/06/2024