Là tổ chức đại diện cộng đồng doanh nhân, DN trong, ngoài nước tại Việt Nam, VCCI mong muốn Chính quyền Tổng thống Mỹ tạm hoãn thực thi mức thuế 46% đối với Việt Nam vào 9/4 tới.
Việc Tổng thống Hoa Kỳ Donald J. Trump ký ban hành Sắc lệnh Hành pháp Thuế Đối ứng, ngày 2/4/2025 đánh dấu một bước ngoặt chính sách thương mại quan trọng có khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này. Là tổ chức đại diện cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp, VCCI nhận thấy yêu cầu cấp thiết phải sớm chủ động thích nghi, ứng phó hiệu quả và định hình vai trò mới cho Việt Nam trong chuỗi thương mại toàn cầu.
Đặc biệt, trong những ngày qua, cùng với các hoạt động, các cuộc họp của Chính phủ, bộ ngành liên quan về việc Hoa Kỳ áp thuế đối ứng; VCCI với tư cách là tổ chức đại diện cộng đồng doanh nhân, DN trong và ngoài nước tại Việt Nam cũng đã gửi thư tới Bộ Thương mại Hoa Kỳ đồng thời cũng gửi thư tới Phòng Thương mại Hoa Kỳ, Hội đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ ASEAN, Phòng Thương mại Los Angeles, Phòng Thương mại San Francisco… với mong muốn các đối tác ủng hộ vận động Hoa Kỳ hoãn áp dụng thuế đối với Việt Nam. Sau khi nhận được thư của VCCI, nhiều tổ chức phản hồi và đồng thuận với quan điểm, đề xuất của VCCI.
Bên cạnh đó, VCCI đã cùng với AmCham gửi thư tới Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ bày tỏ: “Mặc dù thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với Việt Nam đã tăng mạnh trong những năm gần đây, nhưng nguyên nhân của sự gia tăng này dường như đến từ môi trường đầu tư thuận lợi và xu hướng dịch chuyển, đánh giá lại chuỗi cung ứng nhằm đảm bảo an toàn”. Chính vì vậy, VCCI và AmCham cho rằng “nền kinh tế Việt Nam và Hoa Kỳ có tính bổ trợ lẫn nhau, chứ không cạnh tranh trực tiếp”.
VCCI tin tưởng rằng với thiện chí và nỗ lực từ cả hai phía, quá trình đàm phán sẽ mang lại kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế Việt Nam – Hoa Kỳ. Đồng thời, VCCI đồng hành cùng Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN bày tỏ sự mong muốn chính quyền Hoa Kỳ tăng cường đối thoại; tạm hoãn việc áp mức thuế mới (khoảng 2-3 tháng) trong thời gian hai bên tiến hành đàm phán, tìm được tiếng nói chung.
“Thuế suất thấp hơn đối với các sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam và đối với các sản phẩm đến tay người tiêu dùng Mỹ sẽ giúp ích cho các công ty, nền kinh tế và người tiêu dùng Mỹ", AmCham và VCCI cho biết. Đồng thời cho rằng, việc giảm thuế đối với các sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam cũng như đối với các hàng hóa phục vụ người tiêu dùng Mỹ mới chính là yếu tố hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế và người tiêu dùng Hoa Kỳ.
VCCI và AmCham tin tưởng rằng Chính phủ Việt Nam đang nghiêm túc thực hiện các giải pháp tích cực thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc cải thiện cán cân thương mại song phương, đồng thời tháo gỡ các rào cản mà doanh nghiệp và nhà đầu tư Hoa Kỳ đang gặp phải.
VCCI và AmCham khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng nhằm giải quyết các khó khăn về thương mại số, nhập khẩu dược phẩm, quyền sở hữu trí tuệ, các thủ tục hải quan – thuế, mua sắm chính phủ, quản lý và bảo mật dữ liệu, và nhiều lĩnh vực khác.
"Một thỏa thuận nhanh chóng và công bằng sẽ giúp tạo ổn định cho doanh nghiệp và góp phần điều chỉnh sự mất cân bằng cán cân thương mại theo hướng đôi bên cùng có lợi" - VCCI nêu.
Cần nhấn mạnh rằng, dù Việt Nam có thặng dư thương mại hơn 123 tỷ USD với Hoa Kỳ trong năm 2024 nhưng quan hệ giữa hai nền kinh tế mang tính bổ trợ chứ không cạnh tranh trực tiếp. Việt Nam là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu mà nhiều tập đoàn Mỹ đang tham gia. Việc đánh thuế ở mức cao không chỉ làm suy giảm động lực hợp tác đầu tư, mà còn làm chậm lại tiến trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng mà chính chính quyền Trump từng thúc đẩy trong nhiệm kỳ đầu tiên.
Việt Nam và Hoa Kỳ đã có mối quan hệ bang giao gần 300 năm qua, kể từ giai đoạn đầu Hợp chủng quốc Hoa Kỳ được thành lập (năm 1776). Việt Nam và Hoa Kỳ cùng chia sẻ nhiều lợi ích song trùng và đan xen, đồng thời nỗ lực gây dựng những lợi ích chiến lược lâu dài chung giữa hai nước. Hai bên đã đạt được nhiều thành tựu về hợp tác và đang có cơ hội rộng mở để hợp tác trong các lĩnh vực mới, như kinh tế số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo, ứng phó với biến đổi khí hậu, ổn định chuỗi cung ứng, phát triển kết cấu hạ tầng…
Đặc biệt, hai nước đều có lợi ích chung trong việc bảo đảm hòa bình, ổn định an ninh và thịnh vượng cho khu vực. Đây vừa là nguyên tắc cơ bản trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, vừa là lợi ích quan trọng mà hai bên cùng hướng tới.
Năm nay, Hoa Kỳ và Việt Nam kỷ niệm 30 năm bình thường hóa quan hệ – một cột mốc đánh dấu những thay đổi đáng kể đã diễn ra trong mối quan hệ song phương. Trong suốt khoảng thời gian này, hai nước đã tăng cường đáng kể quan hệ về kinh tế, chính trị và an ninh. Hoa Kỳ và Việt Nam hiện là đối tác chiến lược toàn diện – và đó là minh chứng cho nỗ lực của nhân dân hai nước khi đã vượt qua những bi kịch trong quá khứ để xây dựng nên một tình hữu nghị mạnh mẽ và đầy sức sống.
Trong thời gian qua, có thể nói hợp tác kinh tế - thương mại là lĩnh vực hợp tác thành công nhất, trở thành trọng tâm, nền tảng, động lực phát triển cho quan hệ chung giữa hai nước. Kim ngạch thương mại song phương tăng khoảng 6 lần trong vòng 10 năm qua, từ 25 tỷ USD (năm 2012) lên gần 150 tỷ USD (năm 2024) và tăng hơn 330 lần so với năm 1995 (450 triệu USD) khi hai nước bình thường hóa quan hệ. Kết thúc năm 2024, Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Hoa Kỳ tại khu vực ASEAN.
Ngoài ra, Việt Nam nhập khẩu hàng hoá giá trị cao từ Hoa Kỳ trong khi chủ yếu xuất khẩu thô, hàng hoá có giá trị gia tăng thấp như nông phẩm, thuỷ- hải sản, hàng điện tử gia công... Riêng giáo dục, Việt Nam “nhập siêu” rất lớn từ Hoa Kỳ. Do đó, việc áp thuế chỉ dựa trên con số thâm hụt mà không xem xét cấu trúc kinh tế (như Việt Nam xuất khẩu hàng giá trị thấp, nhập khẩu hàng giá trị cao) là chưa phù hợp.
Trong khi đó, Chính phủ Việt Nam đang nghiêm túc thực hiện các bước chủ động nhằm thể hiện cam kết thực chất trong việc xử lý mất cân bằng thương mại, đồng thời tháo gỡ các rào cản mà doanh nghiệp và nhà đầu tư Mỹ đang gặp phải. Tuần trước, Việt Nam đã giảm thuế đối với 13 nhóm sản phẩm, mang lại lợi ích trực tiếp cho các nhà xuất khẩu Hoa Kỳ. Lãnh đạo Việt Nam cũng cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn để nhập khẩu thêm hàng hóa từ Mỹ.
Đặc biệt, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng vừa có một cuộc gọi "rất hiệu quả" với Tổng thống Mỹ Donald Trump, với cam kết Việt Nam sẽ giảm thuế suất với hàng hóa Hoa Kỳ nhập khẩu vào Việt Nam xuống 0% nếu đạt được thỏa thuận với Hoa Kỳ.
Ngoài ra, các tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ, như VCCI, Amcham… cũng đang hợp tác với chính quyền trong việc giải quyết những rào cản, bao gồm các quy định chưa nhất quán trong thương mại số và phát sóng, nhập khẩu dược phẩm, quyền sở hữu trí tuệ, thủ tục hải quan và thuế, đấu thầu, quản lý và an ninh dữ liệu, và nhiều lĩnh vực khác.
* Chính phủ Việt Nam đang nghiêm túc thực hiện các giải pháp tích cực thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc cải thiện cán cân thương mại song phương, cũng như tháo gỡ các rào cản mà doanh nghiệp và nhà đầu tư Mỹ đang gặp phải.
* Về phía cộng đồng doanh nghiệp, VCCI tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng nhằm giải quyết các khó khăn về thương mại số, nhập khẩu dược phẩm, quyền sở hữu trí tuệ, các thủ tục hải quan - thuế, mua sắm chính phủ, quản lý và bảo mật dữ liệu, và nhiều lĩnh vực khác… Điều này cũng tạo ra “cơ hội đặc biệt” cho cộng đồng doanh nghiệp trong việc gia nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.