Chương trình nhằm mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác và cơ hội kinh doanh mới trong năm 2021 trong bối cảnh đại dịch toàn cầu.
Theo đó, Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Tập đoàn Năng lượng Thủy điện và Hạt nhân Hàn Quốc (KHNP) tổ chức Chương trình làm việc trực tuyến trong lĩnh vực năng lượng điện, nước, dầu khí...
Doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội giao lưu trực tiếp với các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Năng Lượng Thủy Điện và Hạt Nhân Hàn Quốc (KHNP) cung cấp sản phẩm thiết bị, công nghệ trong lĩnh vực năng lượng điện, nước, dầu khí...
Đây là cơ hội tốt để doanh nghiệp Việt Nam cập nhật thông tin về thị trường và tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới. Hiện nay, Việt Nam hiện đang là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Hàn Quốc. Xét về cơ cấu kinh tế, thì nền kinh tế Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều lĩnh vực có thể bổ trợ cho nhau cùng phát triển.
Với nền tảng quan hệ ngoại giao, đối tác chiến lược… giữa hai nước đã được thiếp lập, trong tương lai còn có nhiều lĩnh vực hai bên có thể mở rộng hợp tác đầu tư phát triển, bao gồm năng lượng và điện.
Hàn Quốc là quốc gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực điện khi các doanh nghiệp có nhiều nghiên cứu, sở hữu và ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến vào vận hành các nhà máy và hệ thống điện. Tính đến nay, các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam đã trúng thầu thực hiện khoảng gần chục dự án điện.
Mới đây nhất, tháng 10/2020, Tập đoàn Công nghiệp nặng và xây dựng Dosan của Hàn Quốc, đã trúng thầu xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng (Hà Tĩnh, Việt Nam), trị giá 901,9 tỷ Won, gồm 2 tổ máy 600 MW. Đại diện Phòng Thương mại Hàn Quốc, cho rằng, đây là sự khẳng định của phía Hàn Quốc, đồng thời cũng là đánh giá cao từ phía Việt Nam về trình độ kỹ thuật, công nghệ, cũng như kinh nghiệm trong thực hiện các dự án điện của các doanh nghiệp Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, các tổ chức xúc tiến thương mại, đầu tư của Hàn Quốc, hiện đã và đang đẩy mạnh các hoạt động kết nối hợp tác giữa các vùng của Hàn Quốc với Việt Nam trong các lĩnh vực có tiềm năng. Cùng với sự nỗ lực từ phía các cơ quan chức năng và doanh nghiệp Việt Nam, trong thời gian tới, hợp tác đầu tư, kinh doanh giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc sẽ tiếp tục mở rộng hơn trong các lĩnh vực tiềm năng hai bên đều có nhu cầu và quan tâm.
Trong giai đoạn 2021-2030, Việt Nam sẽ xây dựng và vận hành khoảng 60.000 MW nguồn điện các loại, nguồn vốn đầu tư cần khoảng 9 tỷ USD/năm. Đặc biệt, theo theo tính toán trong qui hoạch điện 8, khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai, Việt Nam sẽ cần khoảng 13 tỷ USD/năm cho việc đầu tư phát triển điện lực (nguồn điện khoảng 9 tỷ USD, lưới điện 4 tỷ USD). Đây là một cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp của Hàn Quốc có thể hợp tác đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ, cung cấp các thiết bị… cho các dự án điện tại Việt Nam trong tương lai.
Tại cuộc làm việc, đại diện một số doanh nghiệp trong lĩnh vực điện, năng lượng tái tạo, năng lượng mới (hydro)… bày tỏ sự quan tâm lớn và cho biết, sẵn sàng kết nối, gặp gỡ trực tiếp với các đối tác Việt Nam để thảo luận, trao đổi về hợp tác đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, điện, năng lượng mới (hydro)… trong tương lai.
Có thể bạn quan tâm