VCCI phản đối quy định xe công nghệ phải "gắn mào"

Huyền Trang 19/04/2019 16:01

VCCI khẳng định việc gắn hộp đèn gây tốn kém chi phí không cần thiết cho người kinh doanh, đồng thời hạn chế đáng kể thị trường kinh doanh.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) góp ý dự thảo sửa đổi Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Có thể bạn quan tâm

  • Tư duy mới cho mô hình kinh tế mới

    05:21, 13/04/2019

  • Bộ GTVT tiếp tục đề xuất gắn mào ‘xe hợp đồng’ trên nóc taxi công nghệ

    16:02, 17/04/2019

  • Grab đề xuất gắn đèn led phân biệt “taxi công nghệ” và “taxi truyền thống”

    18:05, 21/02/2019

  • Taxi công nghệ và taxi truyền thống: Cuộc chiến không hẹn ngày kết thúc

    11:40, 25/11/2018

  • Taxi truyền thống và taxi công nghệ đều là taxi!

    10:44, 31/10/2018

Phải bỏ quy định yêu cầu xe công nghệ phải gắn mào

Theo đó, VCCI đề nghị bỏ quy định lắp hộp đèn đối với xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ ngồi. Theo VCCI, quy định này không nhằm mục đích quản lý nào (nếu quản lý loại hình kinh doanh thì đã có phù hiệu). Đồng thời, không phục vụ mục đích nhận diện khách hàng, bởi xe hợp đồng không giống xe taxi, khách hàng không cần nhận biết ở trên đường.

“Trong khi đó quy định này lại gây tốn kém chi phí không cần thiết cho người kinh doanh (chi phí làm hộp đèn), đồng thời hạn chế đáng kể thị trường kinh doanh. Ví dụ, các xe hợp đồng dưới 9 chỗ sử dụng trong đám cưới, đám ma…”, VCCI nhấn mạnh quan điểm.

Đơn vị này cũng đề nghị Bộ GTVT bỏ quy định Khoản 3 Điều 15 về việc chuyển các thông tin về nội dung hợp đồng cho cơ quan Nhà nước. Vì theo VCCI đây là quan hệ tư, thuộc về bí mật kinh doanh. Ngoài trường hợp có lý do chính đáng (khẩn cấp, có dấu hiệu vi phạm pháp luật), cơ quan quản lý Nhà nước không có quyền tiếp cận các thông tin này.

VCCI cho rằng việc gắn hộp đèn gây tốn kém chi phí không cần thiết cho người kinh doanh, đồng thời hạn chế đáng kể thị trường kinh doanh.

VCCI cho rằng việc gắn hộp đèn sẽ hạn chế đáng kể thị trường kinh doanh.

Về quy định kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi, VCCI cũng đề nghị bỏ quy định thông báo phương thức tính tiền sử dụng trên xe taxi cho Sở GTVT. Nguyên nhân theo VCCI là không rõ “phương thức tính tiền” có nghĩa là gì?

“Việc phải thông báo về vấn đề này trước khi thực hiện kinh doanh có nghĩa là sau này đơn vị không thể thay đổi “phương thức tính tiền”? Nếu đúng thì đây là việc can thiệp quá sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp?”, VCCI kiến nghị và cho rằng doanh nghiệp hoàn toàn có quyền thay đổi phương thức tính tiền trong quá trình kinh doanh.

Bỏ quy định giới hạn địa bàn hoạt động kinh doanh vận tải

VCCI cũng đề nghị bỏ quy định về giới hạn địa bàn hoạt động của các hình thức vận tải hành khách bằng taxi, xe hợp đồng, xe du lịch. Nguyên nhân, quy định này trái với quy định tại Luật Cạnh tranh, Luật Doanh nghiệp.

Về phù hiệu, VCCI cho rằng cần cân nhắc để bỏ quy định về việc cấp phù hiệu cho xe ô tô tham gia kinh doanh vận tải. Đặc biệt là phù hiệu với các xe container, xe đầu kéo, xe tải vì ở mọi góc độ nhóm này không có nhu cầu nhận diện về phương thức kinh doanh của xe đang lưu thông.

“Bởi những xe này dù không mang phù hiệu bản chất của chúng vẫn là xe container, xe đầu kéo, xe tải, không thể khác được…”, VCCI nêu quan điểm.

Bộ Giao thông Vận tải vừa trình Chính phủ dự thảo lần 8 Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô.

Sau thời gian lấy ý kiến, Dự thảo lần này đã đưa ra khái niệm mới về kinh doanh vận tải bằng ô tô. Theo đó, khoản 2, điều 3 nêu: Kinh doanh vận tải bằng ô tô là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, sở dĩ đưa ra sự điều chỉnh khái niệm này nhằm phân định rõ đơn vị kinh doanh vận tải với đơn vị cung cấp dịch vụ khác có liên quan đến hoạt động vận tải. Thể hiện đúng bản chất của hoạt động kinh doanh vận tải trong xu thế ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ và liên kết phát triển doanh nghiệp giai đoạn hiện nay và thời gian tới.

Đồng thời, Bộ cho rằng điều này tạo sự minh bạch, tránh phát sinh đùn đẩy trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước, với khách hàng trong hoạt động kinh doanh vận tải.

Hai khái niệm về “kinh doanh vận tải khách bằng xe taxi” và “kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng không theo tuyến cố định” về cơ bản được giữ nguyên so với bản dự thảo trình ngày 30/1/2019. Theo đó, xe taxi là ô tô dưới 9 chỗ, có đồng hồ tính tiền hoặc kết nối hành khách qua phần mềm, còn xe hợp đồng không theo tuyến cố định là sử dụng ô tô thực hiện hợp đồng vận chuyển với hành khách bằng văn bản giấy hoặc hợp đồng điện tử qua phần mềm.

Tuy nhiên, trong điều 7 quy định về kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng có bổ sung quy định: Trường hợp ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ sử dụng hợp đồng điện tử phải có hộp đèn với chữ “XE HỢP ĐỒNG” gắn cố định trên nóc xe, kích thước hộp đèn tối thiểu 12 x 30cm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
VCCI phản đối quy định xe công nghệ phải "gắn mào"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO