Đó là khẳng định của TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI tại Hội nghị Xúc tiến Đầu tư tỉnh Thái Nguyên được tổ chức sáng ngày 1/7.
Cùng với việc hoàn thiện các quy hoạch phát triển, rà xét, bổ sung các chính sách thu hút và hỗ trợ đầu tư, chuẩn bị các dự án đầu tư và làm việc với từng đối tác đầu tư lớn, cách đây 1 tháng, Thái Nguyên đã phối hợp với VCCI tổ chức lần đầu tiên ở nước ta một sự kiện giao lưu thể thao quốc tế và kết nối đầu tư với gần 150 doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự.
Đây là một bước chuẩn bị quan trọng cho Hội nghị Xúc tiến Đầu tư hôm nay. Sau đó, tỉnh cũng đã phối hợp với Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Đài Truyền hình Việt Nam và các cơ quan báo chí tổ chức các talkshow đối thoại và phóng sự giới thiệu về môi trường đầu tư - kinh doanh và các dự án đầu tư tại tỉnh, thu hút sự quan tâm đông đảo của công luận và giới kinh doanh…
Cách tổ chức hoạt động xúc tiến đầu tư đồng bộ, sáng tạo và chuyên nghiệp từ những việc nhỏ nhất như việc chuẩn bị bộ tài liệu xúc tiến nhỏ gọn, đầy đủ thông tin cơ bản như thế này… đến việc tổ chức Hội nghị rất chu đáo ngày hôm nay, cho thấy Thái Nguyên đã rất nghiêm túc và chuyên nghiệp.
Đây là Hội nghị xúc tiến đầu tư lớn nhất vào Thái Nguyên từ trước tới nay. Chúng ta rất vinh dự được đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới dự. Và như thường lệ, khi tới các địa phương, Thủ tướng bao giờ cũng là người truyền cảm hứng và thắp lửa. Lần này, Thủ tướng tới Thái Nguyên, chúng ta hy vọng rằng tinh thần của thủ đô Gió ngàn sẽ được khơi dậy và Thái Nguyên – ATK Định Hóa từ Thủ đô kháng chiến năm xưa sẽ trở thành Thủ đô khởi nghiệp ngày nay cho cả khu vực Trung du và Miền núi phía Bắc của chúng ta.
Có thể bạn quan tâm
|
Thái Nguyên là trái tim của Khu vực Trung du và Miền núi phía Bắc, là tỉnh dẫn đầu trong phát triển kinh tế xã hội ở khu vực này. Bình quân cứ trong 80 người dân Việt Nam thì có 1 người là dân Thái Nguyên. Thái Nguyên là tỉnh có mức độ phát triển doanh nghiệp cao. Bình quân cứ 7 doanh nghiệp hoạt động tại khu vực Trung du và Miền Núi phía Bắc thì có 1 doanh nghiệp của Thái Nguyên.
Xét từ góc độ năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh, Thái Nguyên có những lợi thế căn bản: vị trí địa kinh tế thuận lợi, vừa là trung tâm của Vùng Trung du và Miền Núi phía Bắc lại nằm trong Vùng Thủ đô, là điểm kết nối Vùng Trung du Miền Núi phía Bắc với các tỉnh Đồng bằng Bắc bộ. Thái Nguyên có kết cấu hạ tầng phát triển. Riêng về kết nối giao thông, các chỉ số thời gian: 30 phút đến sân bay, gần 1 tiếng về Thủ đô, 2 tiếng rưỡi đến cảng Hải Phòng, hơn 2 tiếng tới cửa khẩu biên giới Việt-Trung… là những chỉ số rất lý tưởng về kết nối giao thông cho hoạt động kinh doanh.
Thái Nguyên là cái nôi đào tạo nguồn nhân lực lớn thứ 3 trong cả nước. Tài nguyên của mảnh đất này khá phong phú, quỹ đất cũng khá dồi dào. Thái Nguyên giàu tài nguyên du lịch cả về văn hóa, lịch sử, tâm linh và sinh thái…
Những lợi thế đó là cần, nhưng chưa đủ cho sức hấp dẫn của một Miền đất hứa cho kinh doanh. Điều kiện “đủ” chính là 1 chính quyền kiến tạo mà Thủ tướng đang cổ vũ. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI chính là chỉ số cho một chính quyền kiến tạo, là chìa khóa mở cánh cửa tiềm năng cho phát triển kinh tế của các địa phương.
Xét về chỉ số này, trong những năm qua, tuy có trồi sụt, nhưng Thái Nguyên luôn là 1 trong những tỉnh thành phố nằm trong top 10 – 15 tỉnh thành phố dẫn đầu trong cả nước. Các chỉ số được đánh giá cao của Thái Nguyên luôn là bộ ba chỉ số được các nhà đầu tư dài hạn quan tâm nhất: Sự an toàn từ các thiết chế pháp lý, vai trò tiên phong của lãnh đạo chính quyền và Công tác đào tạo nguồn lao động. Điều này lí giải tại sao các tập đoàn hàng đầu trong nước và quốc tế như Samsung, Xuân Trường, Vingroup, TNG, Yên Bình .v.v. đã chọn Thái Nguyên. Lãnh đạo các tập đoàn này đã chia sẻ với chúng tôi rằng, chính sự chân thành và thân thiện của các lãnh đạo và nhân dân Thái Nguyên đã là thỏi nam châm mạnh nhất, là niềm tin để thu hút họ về với Thái Nguyên trong các dự án đầu tư kinh doanh lớn…
Các con số tăng trưởng mạnh mẽ GRDP và xã hội hóa đầu tư trong và ngoài nước vài năm gần đây, được nêu trong phát biểu của đ/c Chủ tịch UBND tỉnh là những chỉ báo quan trọng cho niềm tin đó. Và hôm nay, tỉnh đưa ra thêm 65 dự án mới, tôi hy vọng, đó là những cơ hội để các nhà đầu tư sẽ tiếp tục đến với Thái Nguyên.
Để thu hút đầu tư và phát triển Thái Nguyên, có rất nhiều việc cần làm, sau đây tôi chỉ xin được góp ý vào 3 việc, liên quan đến 3 từ khóa quan trọng: SAMSUNG - CHÈ THÁI và HỒ NÚI CỐC:
Một là, liên quan đến từ khóa “SAMSUNG”, tôi muốn nói đến một định hướng phát triển công nghiệp ở Thái Nguyên. Với lợi thế đã thu hút được tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới Samsung đặt đại bản doanh ở đây, tôi đề nghị Chính phủ chỉ đạo, và Thái Nguyên hãy chủ động cùng với Bắc Ninh và Samsung xây dựng 1 chương trình hành động kết nối các nhà máy lắp ráp của Samsung với các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam để phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp điện tử, bảo đảm phát triển bền vững ngành công nghiệp điện tử nói chung và các nhà máy của Samsung nói riêng tại Việt Nam. Cần xây dựng chuỗi cung ứng Samsung tại Việt Nam như là 1 hình mẫu cho phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, khép lại khoảng cách và tạo ra mối quan hệ cộng sinh giữa các FDI với các doanh nghiệp nội địa của Việt Nam. Ngày 4/7 sắp tới, Thủ tướng sẽ dự và chỉ đạo Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam VBF giữa kỳ 2018, và chủ đề trọng tâm được thảo luận tại Diễn đàn này cũng chính là Mối liên kết FDI với doanh nghiệp Việt. Tôi tin rằng, Thái Nguyên và Samsung sẽ là 1 hình mẫu tốt, và Thái Nguyên sẽ là 1 địa phương đi đầu trong phát triển công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam. Tôi đã bàn việc này với lãnh đạo Thái Nguyên, với doanh nghiệp Thái Nguyên và Samsung, tôi thấy mọi người đều nhất trí.
Hai là, “CHÈ THÁI”, một ví dụ điển hình về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ đặc sản gắn với văn hóa truyền thống, công nghiệp chế biến và du lịch sinh thái làng chè sẽ là hướng đi quan trọng trong cơ cấu kinh tế của Thái Nguyên. Như đã trình bày ở trên, do kết nối giao thông thuận lợi, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đa dạng, lực lượng lao động dồi dào và còn tương đối rẻ, phát triển những sản phẩm nông nghiệp truyền thống và đặc sắc như vậy sẽ là những ưu thế nổi trội cho Thái Nguyên.
Tối hôm qua, Thủ tướng và chúng tôi đã được thưởng thức chè Thái Nguyên – “Đệ nhất danh trà”. Cảm nhận quan trọng ở đây không chỉ là hương vị chè mà là văn hóa trà, là trà đạo. Đó là những giá trị vô giá mà chúng ta có thể thương mại hóa. Tôi cũng biết năm ngoái, trà xanh “Đinh Vương Phẩm” của Thái Nguyên đã vượt qua sản phẩm trà của nhiều cường quốc, đoạt giải đặc biệt trong cuộc thi trà đặc sản quốc tế tại Hoa Kỳ. Chính phủ cũng đã cho phép Thái Nguyên, 3 năm 1 lần tổ chức lễ hội chè. Tôi đề nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hơp với Bộ công Thương và VCCI hỗ trợ Thái Nguyên nâng cấp Lễ hội chè Thái thành Lễ hội giao lưu quốc tế trong những năm tới, đồng thới với 1 chiến lược phát triển và tiếp thị quốc tế cho chè Thái Nguyên và chè Việt nói chung. Tôi nghĩ đó là một hướng đi cần thiết. Tôi cũng biết Thái Nguyên đã bảo hộ thương hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” tại nhiều thị trường lớn. Đó là bước đi đúng. Nhưng Chè Thái Nguyên theo cách gọi tắt của ông cha ta là “Chè Thái”. Đây cũng là một thương hiệu cần được bảo vệ, và Thái Nguyên nên sở hữu cả 2 thương hiệu “Chè Thái Nguyên” và “Chè Thái”. Theo tôi nghĩ, nên bảo vệ ngay không sẽ quá muộn.
Còn nhiều sản phẩm nông nghiệp khác, nhất là các đặc sản, cũng cần có hướng đi tương tự như chè Thái, nhưng với quy mô phù hợp sẽ thúc đẩy phát triển một lĩnh vực tiềm năng quan trọng bậc nhất của Thái Nguyên.
Ba là, về du lịch, liên quan tới từ khóa “HỒ NÚI CỐC”. Sáng nay, chúng ta vừa khởi công đường Bắc Sơn kéo dài nối Thành phố Thái Nguyên với Hồ Núi cốc. Tôi được biết, nếu hoàn thành, thời gian từ Thành phố Thái Nguyên lên Hồ Núi cốc chỉ còn chừng 10 phút, và từ Hà Nội lên Hồ chỉ còn hơn 1 tiếng đồng hồ. Hồ Núi cốc với câu chuyện tình Chàng Công – Nàng Cốc, với tín ngưỡng thờ Bà Chúa Thượng Ngàn, với sinh quyển nguyên sơ và không gian văn hóa các dân tộc đặc sắc, với các dự án du lịch sinh thái và tâm linh sẽ được xây dựng một cách chuẩn mực và kết nối với Khu du lịch về nguồn Thủ đô Gió ngàn – ATK Định Hóa và các làng chè cùng các điểm đến du lịch khác sẽ giúp Thái Nguyên hình thành một chuỗi du lịch hấp dẫn có một không hai của Vùng Thủ đô và cả nước.
Về những điều cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng ở Thái Nguyên để có được một môi trường kinh doanh thân thiện hơn, tôi xin được đề nghị rất văn tắt rằng: Thái Nguyên cần quan tâm đến việc tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp gia nhập thị trường, giảm chi phí thời gian, giảm thanh kiểm tra trùng lặp, nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, chú trọng phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, và bảo đảm tính nhất quán trong thực thi, tránh tình trạng trên thì thông, dưới chưa thoáng, lãnh đạo thì nóng, chuyên viên còn lạnh. Nguồn cảm hứng và sức nóng của cải cách, tinh thần vì dân và doanh nghiệp từ Thủ tướng, từ đ/c Bí thư, Chủ tịch phải thấm đẫm tới hành vi của từng công chức theo đúng tinh thần của chính quyền kiến tạo mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang quan tâm thúc đẩy.
Với những nỗ lực đúng hướng, tôi tin rằng, Thái Nguyên sẽ luôn là mảnh đất lành cho các nhà đầu tư.
Xin chúc cho Thái Nguyên thành công ! Và với việc ký kết các thỏa thuận hợp tác thực hiện Nghị quyết 35, Nghị quyết 25 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, xúc tiến thương mại đầu tư với Thái Nguyên hôm nay, VCCI sẽ luôn sát cánh với Thái Nguyên và các nhà đầu tư !