Một lần nữa, chuyển đổi số quốc gia gọi tên các doanh nghiệp và doanh nhân công nghệ số với sứ mệnh tiên phong.
>>Make in Viet Nam tìm “chỗ đứng”
Trò chuyện với Doanh Nhân, bà Mai Thị Thanh Oanh – Giám đốc Kinh doanh và Đối ngoại của Cốc Cốc khẳng định: là một trong số ít các doanh nghiệp công nghệ “Make in Vietnam”, Cốc Cốc đang nỗ lực tận dụng tiềm năng của thế giới để phát triển hệ sinh thái số phù hợp với nhu cầu của người dân Việt Nam.
Bà Oanh khẳng định: Việt Nam đang bước vào giai đoạn tăng tốc chuyển đổi số để nắm bắt xu hướng phát triển kinh tế mới và đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững. Một lần nữa, chuyển đổi số quốc gia gọi tên các doanh nghiệp và doanh nhân công nghệ số với sứ mệnh tiên phong mang đến giải pháp công nghệ giúp cho cuộc sống của người Việt Nam hạnh phúc hơn, đất nước hùng cường hơn. Cốc Cốc tự hào khi được trở thành một phần giúp đóng góp cho nền công nghệ nước nhà và từng bước hiện thực hoá mục tiêu đó.
- Là một trong những đại diện ICT hiếm hoi của Việt Nam tham gia hiện thực hoá "nền tảng số Việt Nam", vậy con đường của Cốc Cốc đã phải "gõ bao nhiêu cánh cửa" đúng như tên gọi của mình, thưa bà?
Trên thế giới chỉ có khoảng 10 nước tự phát triển công cụ tìm kiếm nội địa có khả năng cạnh tranh với các công cụ tìm kiếm toàn cầu. Việt Nam là một trong những quốc gia đó với đại diện duy nhất là Cốc Cốc. Chúng tôi mang trong mình niềm tự hào là sản phẩm công nghệ “Make in Vietnam” có năng lực cạnh tranh với sản phẩm của thế giới để người dân, tổ chức và doanh nghiệp trải nghiệm dễ dàng và tiếp cận tốt hơn mạng internet toàn cầu. Vì thế, “người dùng là trên hết” chính là phương châm hoạt động của Cốc Cốc cũng như sứ mệnh cao cả là “giúp người Việt hạnh phúc hơn bằng cách sử dụng tối đa tiềm năng thế giới số”.
Xác định phương châm và sứ mệnh là kim chỉ nam cho mọi hoạt động, Cốc Cốc luôn hướng về người dùng để nắm bắt nhu cầu thực tiễn, từ đó xây dựng và phát triển hệ sinh thái số với các tính năng, sản phẩm dành riêng cho người Việt và nhanh chóng được người Việt Nam đón nhận. “Người Việt Nam dùng sản phẩm công nghệ Việt Nam” không phải là lời kêu gọi mà đã đi vào tiềm thức, trở thành thói quen của người dùng internet Việt Nam khi đăng nhập và sử dụng một trình duyệt do chính người Việt sáng tạo. Con số 28 triệu người dùng Cốc Cốc, chiếm 1/3 số người dùng internet trên cả nước là minh chứng cho sự gần gũi và quen thuộc của chúng tôi với các người dân và doanh nghiệp.
Thấu hiểu nhu cầu địa phương, Cốc Cốc không chỉ tiếp cận để cung cấp giải pháp cho người dân, doanh nghiệp mà còn kết nối người dân, tổ chức, doanh nghiệp với Chính phủ thông qua tính năng “Chính phủ điện tử” (eGovernment) mới được đưa vào sử dụng. Thông qua tính năng này, Cốc Cốc mong muốn giúp người dùng tiếp cận thông tin về các dịch vụ công trên môi trường số một cách nhanh chóng, thuận lợi, góp phần thúc đẩy phát triển Chính phủ số, xã hội số toàn dân. Đây cũng là mục tiêu hướng đến của Kế hoạch Chuyển đổi số quốc gia.
- Ở góc nhìn chủ quan, những lợi thế cạnh tranh của Cốc Cốc trên sân nhà trước nhiều “đối thủ” đáng gườm của các tập đoàn công nghệ lớn thế giới theo bà là gì?
Như đã chia sẻ, chúng tôi là công cụ tìm kiếm và trình duyệt bản địa nên chắc chắn tập trung phục vụ người dùng Việt Nam ở mức độ tốt nhất. Công cụ tìm kiếm Cốc Cốc đang thu hút trên 574 triệu lượt truy vấn hàng tháng, cho phép Cốc Cốc có thể phân tích, tìm hiểu sâu nhu cầu, hành vi của người dùng internet Việt Nam, đặc biệt là những khó khăn của họ. Từ đó, đội ngũ ở Cốc Cốc đã bắt tay giải quyết các bài toán đặt ra của Việt Nam bằng công nghệ số thông qua việc nghiên cứu, phát triển các tính năng phù hợp với nhu cầu của người dùng trong nước mà hiếm có công cụ trình duyệt và tìm kiếm nào đáp ứng được, kể cả những trình duyệt tên tuổi trên thế giới.
Đó là các tính năng được người dùng ưa thích như Cốc Cốc Đọc tin (tổng hợp tin tức từ 200+ đầu báo tiếng Việt); kiểm tra và sửa lỗi chính tả tiếng Việt; tra từ điển Anh - Việt, Trung - Việt; các tính năng giúp duyệt web nhanh - an toàn - tiện lợi; Chặn quảng cáo,...
Cốc Cốc cũng là trình duyệt duy nhất có đội ngũ hỗ trợ người dùng trực tiếp bằng ngôn ngữ tiếng Việt qua các kênh hỗ trợ như website, fanpage và group; đưa ra các giải pháp thúc đẩy giáo dục dựa trên nền tảng online giúp cho các bạn học sinh, sinh viên học trực tuyến hiệu quả và thuận tiện hơn…
- Nhưng sự phát triển của môi trường số cũng mang đến những rủi ro hiện hữu và không hề... ảo. Cốc Cốc hoá giải những rủi ro này ra sao?
Không chỉ hướng đến mục tiêu thúc đẩy chuyển đổi số, Cốc Cốc còn đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực an ninh mạng. Theo số liệu năm 2019 và 2020 của Trung tâm giám sát an ninh mạng Quốc gia (NCSC), Việt Nam từng nằm trong top 10 quốc gia có chỉ số an toàn an ninh mạng thấp nhất thế giới với hơn 7.000.000 địa chỉ IP bị nhiễm mã độc cùng hơn 5.000 vụ tấn công gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam.
Trước thực trạng đó, Cốc Cốc đã phát động chiến dịch Khiên Xanh kêu gọi mỗi cá nhân hãy chủ động báo cáo trang web không an toàn để góp phần bảo vệ cả cộng đồng và làm không gian mạng thêm “xanh”; đồng thời tạo dựng và nâng cấp tính năng Duyệt web an toàn. Đây là một trong những giải pháp bảo mật đi đầu trong việc bảo vệ người dùng khỏi những hiểm họa trực tuyến.
Mô hình xử lý và cảnh báo của tính năng này hoạt động dựa trên danh sách các trang web độc hại từ các tổ chức uy tín như NCSC, Cốc Cốc và Google, danh sách do chính người dùng đóng góp và được Cốc Cốc xác thực. Vì vậy, tính năng này giúp mở rộng tệp cảnh báo đến người dùng, nhờ đó bảo vệ mọi người an toàn hơn trên internet.
- Đại dịch đã biến chuyển đổi số trở thành xu hướng không thể đảo ngược và điều đó trở thành nhiệm vụ, quyền và lợi ích của các doanh nghiệp số, Cốc Cốc sẽ tận dùng điều này trong tương lai ra sao, thưa bà?
Tại Việt Nam, phát triển các nền tảng, giải pháp “Make in Vietnam” là mục tiêu trọng tâm Chính phủ đang muốn hướng tới theo chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong lĩnh vực trình duyệt và công cụ tìm kiếm, Cốc Cốc chính là sản phẩm giải pháp “Make in Vietnam” phù hợp mà người dùng có thể sử dụng. Vì vậy, tham gia thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia là mục tiêu rất quan trọng của Cốc Cốc.
Với tầm nhìn trở thành cánh cổng kết nối internet được hầu hết người Việt sử dụng mỗi ngày, trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục giữ vai trò tiên phong và tích cực hưởng ứng chương trình Chuyển đổi số quốc gia bằng việc cố gắng đưa ra sản phẩm “Make in Vietnam” tốt nhất để người dùng trải nghiệm dễ dàng nhất, giúp họ tiếp cận tốt hơn trên Internet.
Theo số liệu thống kê từ Statcounter, Cốc Cốc luôn đứng thứ hai về thị phần trình duyệt và tìm kiếm tại Việt Nam với số liệu tăng trưởng ổn định. Chúng tôi đang phát huy kết quả đã đạt được để góp phần hiện thực hóa mục tiêu của Chính phủ phải có trình duyệt và công cụ tìm kiếm nội địa chiếm 40% thị phần tại Việt Nam. Nếu Cốc Cốc làm được điều này, Việt Nam sẽ nằm trong nhóm nước có công cụ tìm kiếm mạnh như Nga, Hàn Quốc; đồng thời có thể mang đến cho người dùng thêm sự lựa chọn, công cụ để kiểm chứng thông tin và giảm phụ thuộc vào công cụ tìm kiếm nước ngoài.
- Được biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đã khẳng định Cốc Cốc là "nền tảng số Việt Nam", bà có chia sẻ gì tới cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt?
Chiến lược của Chính phủ Việt Nam là triển khai chuyển đổi số quốc gia thành công, nhằm phát triển hệ sinh thái công dân số để người dân, doanh nghiệp hiểu, sử dụng, làm giàu thông tin. Công nghệ số là một phần không thể tách rời khỏi đời sống kinh tế, xã hội của người dân, đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển mọi mặt kinh tế, xã hội quốc gia.
Theo đó, với tư cách đại diện một trong các nền tảng số Việt Nam, tôi hy vọng cộng đồng doanh nhân Việt - là những người điều hành định hướng doanh nghiệp sẽ chung tay với Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc sử dụng các nền tảng số quốc gia, ứng dụng công nghệ vào quản lý công việc, cuộc sống giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi nhận thức người dân. Cốc Cốc luôn sẵn sàng giúp đỡ và là cầu nối giữa các doanh nghiệp với người dân nhằm tận dụng tối đa các giá trị kinh tế mà chuyển đổi số mang lại.
- Xin hỏi bà câu cuối, là phụ nữ lại quản lý một doanh nghiệp công nghệ, khó khăn gặp phải của bà là gì?
Là một phụ nữ nhưng tôi lại có duyên với công nghệ ngay từ khi bắt đầu sự nghiệp - ngành mà nhiều người nghĩ đàn ông dễ có được thành công hơn. Và suốt hơn 15 năm qua tôi vẫn làm trong ngành công nghệ.
Tôi hiểu văn hoá, con người làm công nghệ, chúng tôi dễ dàng tìm được tiếng nói chung, vì thế tôi thấy thuận lợi nhiều hơn khó khăn. Nói về khó khăn, tôi nghĩ là không chỉ mình tôi mà nhiều lãnh đạo trong ngành công nghệ gặp phải đó là làm sao phải luôn có sự đổi mới về sản phẩm, kỹ thuật để có thể cạnh tranh được với các đối thủ trong và ngoài nước từ đó bảo vệ, mở rộng thị phần của mình.
Trân trọng cảm ơn bà và chúc cho Cốc Cốc luôn được chào đón ở mọi cánh cửa!
Năm 2010, Cốc Cốc được thành lập.
• Tháng 5/2013, thị trường ICT Việt Nam đã xuất hiện 2 sản phẩm chính của Cốc Cốc là công cụ tìm kiếm Cốc Cốc và trình duyệt Cốc Cốc. Sản phẩm trình duyệt được xây dựng và phát triển với tiêu chí trình duyệt của người Việt, dành riêng cho người Việt.
• Năm 2014, Cốc Cốc vượt qua Mozila Firefox để trở thành trình duyệt máy tính đứng thứ 2 tại Việt Nam. Đồng thời, Cốc Cốc vượt Facebook về lượng người dùng hàng ngày.
• Năm 2020, Cốc Cốc trên di động lần đầu đạt vị trí Top 1 ứng dụng miễn phí trên Apple App Store tại thị trường Việt Nam và vượt qua các quy định nghiêm ngặt của Apple để trở thành một trong những trình duyệt mặc định trên iOS.
• Năm 2021, Cốc Cốc là một trong 10 doanh nghiệp đứng đầu giải thưởng Sao Khuê 2021, là một trong 4 đơn vị duy nhất đạt giải Vàng tại giải thưởng Make in Việt Nam 2021.
• Tháng 7/2022, Cốc Cốc được Bộ Thông tin và Truyền thông công nhận đạt mọi tiêu chí của Nền tảng số Việt Nam có khả năng triển khai rộng khắp phục vụ người dân. Hiện nay, Cốc Cốc đã cán mốc 28 triệu người dùng với 1 tỷ trang web được truy cập hàng tháng.
Có thể bạn quan tâm