Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 4 doanh nghiệp về xả thải, gây ô nhiễm nguồn nước hệ thống Bắc Hưng Hải với tổng số tiền 740 triệu đồng.
>>>SOS thủy lợi Bắc Hưng Hải!
Tình trạng xả thải gây ô nhiễm nguồn nước hệ thống Bắc Hưng Hải xảy ra ngày càng nghiêm trọng, bốn địa phương ở miền Bắc là Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương đang chịu sự ô nhiễm đó.
Bốn doanh nghiệp bị xử phạt 740 triệu đồng
Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Hải Dương đã mở 2 đợt cao điểm tổng rà soát, kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các đơn vị, tổ chức, cá nhân vi phạm về xả thải gây ô nhiễm nguồn nước hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Qua đó, đã phát hiện, trình lãnh đạo Công an tỉnh báo cáo nội dung vi phạm và tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 4 tổ chức vi phạm nghiêm trọng về xả thải, gây ô nhiễm nguồn nước hệ thống Bắc Hưng Hải với tổng số tiền 740 triệu đồng.
Cụ thể: Xử phạt vi phạm hành chính Công ty TNHH Sky Dragon Việt Nam (địa chỉ: xã Minh Đức, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) số tiền 250 triệu đồng (Quyết định số 885/QĐ-XPHC ngày 22/4/2022 của UBND tỉnh Hải Dương). Xử phạt vi phạm hành chính Công ty TNHH GFT Unique Việt Nam (địa chỉ: xã Thanh Giang, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương) số tiền 130 triệu đồng (Quyết định số 1206/QĐ-XPHC ngày 12/5/2022 của UBND tỉnh Hải Dương). Xử phạt vi phạm hành chính Trung tâm Y tế huyện Thanh Miện (địa chỉ: thị trấn Thanh Miện, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương) số tiền 210 triệu đồng (Quyết định số 1101/QĐ-XPHC ngày 4/5/2022 của UBND tỉnh Hải Dương). Xử phạt vi phạm hành chính Trung tâm Y tế huyện Bình Giang (địa chỉ: xã Bình Minh, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) số tiền 150 triệu đồng (Quyết định số 1102/QĐ-XPHC ngày 04/5/2022 của UBND tỉnh Hải Dương).
Cả 4 tổ chức bị xử phạt nêu trên phải rà soát, cải tạo công trình xử lý nước thải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường để khắc phục hậu quả. Thời hạn thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là 120 ngày kể từ ngày Quyết định xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực.
Trước đó, tháng 4/2022, Chủ tịch UBND huyện Thanh Miện đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính mức phạt 62 triệu đồng về hành vi chuyển giao chất thải rắn công nghiệp thông thường cho đơn vị không có chức năng, năng lực xử lý đối với 2 Công ty GFT Unique và Sky Dragon.
>>“Lá chắn” nào ngăn ô nhiễm môi trường từ làng nghề?
Theo báo cáo của Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường, năm 2017, toàn hệ thống Bắc Hưng Hải có 83 kênh chính và kênh nhánh bị ô nhiễm. Trong đó, có 40/83 kênh mương (chiếm 48%) bị ô nhiễm rất nghiêm trọng và nghiêm trọng, nước kênh đen đặc, mùi hôi thối, không có sinh vật nào có thể sinh sống (Hà Nội: 1, Hưng Yên: 27, Hải Dương: 12, Bắc Ninh: 0).
Nước thải ô nhiễm từ các kênh trên chảy vào kênh trục Bắc Hưng Hải rồi sang các địa phương khác, gây ô nhiễm diện rộng. Có tới 172 xã, thị trấn (chiếm 44,9%), bị ảnh hưởng bởi kênh, mương ô nhiễm nghiêm trọng và rất nghiêm trọng, phân bố ở các địa phương. Cụ thể TP Hà Nội là 20/28 xã, phường (chiếm 71%); Hưng Yên 106/161 xã, thị trấn (chiếm 66%); Hải Dương 45/150 xã, thị trấn (chiếm 30%); Bắc Ninh 1/46 xã, thị trấn (chiếm 2%).
Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, trong năm 2021, quan trắc tại 10 điểm trên kênh trục Bắc Hưng Hải thì hầu hết đều bị ô nhiễm. Hầu hết các thông số DO, BOD5, COD, NH4+, PO43- và Coliform đều vượt quy chuẩn cho phép. Trong đó đặc biệt nghiêm trọng tại cửa cống Xuân Thụy, cầu Như Quỳnh, cống Kênh Cầu, cửa cống Ngọc Đà, cửa cống Ngọc Lâm, cửa cống Phần Hà, cửa cống Bình Lâu.
Đại diện Công ty Bắc Hưng Hải cho rằng, mặc dù biến động chất lượng nước phụ thuộc vào nhiều yếu tố như khối lượng xả, điều kiện thời tiết khí tượng thủy văn của mỗi năm nhưng đều có xu hướng gia tăng theo thời gian cả về phạm vi và mức độ.
Ghi nhận, trên địa bàn TP Hà Nội khi cống Xuân Thụy mở tiêu nước sông Cầu Bây thì nước sông Bắc Hưng Hải qua địa phận các huyện Văn Giang, Văn Lâm, Yên Mỹ tỉnh Hưng Yên bị ô nhiễm, sau đó tiếp tục ảnh hưởng đến khu vực Bình Giang, Cẩm Giàng của Hải Dương.
Tại Hưng Yên, nước thải từ TP Hưng Yên đến thị trấn Lương Bằng đổ vào kênh Cửu An gần cống Bằng Ngang luôn nước màu xanh lục, mùi hôi. Thực vật thuỷ sinh cây tóc tiên trên sông trước đây có nhiều, nay biến mất hoàn toàn.
Theo Thượng tá Mai Tuấn Long, Phó trưởng Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Hưng Yên, 70% lượng nước gây ô nhiễm cho kênh Bắc Hưng Hải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, làng nghề,...; 28% là từ hoạt động sản xuất công nghiệp; 2% từ hoạt động y tế.
Tại Hải Dương, kênh T1 tiêu nước thải của làng nghề phường Tứ Minh, một phần của KDC phía Tây Nam Cường qua trạm bơm Lộ Cương, nước có màu đen, mùi hôi thối. Trên kênh T2 tiêu nước thải dân cư, bệnh viện, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hải Dương qua cống trạm bơm Bình Lâu, nước có màu xanh đen, mùi hôi. Kênh này lúc nào cũng có màu đen kịt. Trên kênh tưới Thạch Khôi - Đoàn Thượng màu sắc nước sông thường xuyên có sự đổi màu, nước nổi nhiều váng bọt và có mùi hôi khó chịu. Trên kênh Cầu Sộp - Phủ ven đường 392 nước xả thải sinh hoạt, chăn nuôi của dân cư, của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp Tân Hồng.
Được biết, từ ngày 18/2/2022 đến ngày 14/5/2022, lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường tỉnh Hải Dương, chủ công là Phòng Cảnh sát môi trường đã huy động lực lượng rà soát, kiểm tra và thu mẫu nước thải của 106 tổ chức, cá nhân có hoạt động xả thải vào hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải. Qua kiểm tra đã phát hiện 54 tổ chức, cá nhân vi phạm về xả thải, gây ô nhiễm nguồn nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 1,588 tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Xử lý nghiêm mọi hành vi gây ô nhiễm môi trường
20:25, 26/01/2022
“Lá chắn” nào ngăn ô nhiễm môi trường từ làng nghề?
00:06, 16/12/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Sửa đổi Kế hoạch xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu
20:06, 24/11/2021
Quảng Ninh: Cảnh báo ô nhiễm môi trường vùng nuôi Hàu ở Vân Đồn
01:50, 17/11/2021