Để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, tỉnh Nghệ An đã liệt kê danh sách 67 làng nghề trên địa bàn không khuyến khích tiếp tục phát triển trong thời gian tới.
Thế nhưng, vấn đề có nên dẹp bỏ hay để các làng nghề này tiếp tục tồn tại vẫn là câu chuyện dài mà ngay cả những người đã gắn bó với nghề từ đời này qua đời khác vẫn chưa thể tìm được lối đi chung.
Manh mún, tự phát
Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 153 làng nghề đang tồn tại, trong đó có 134 làng nghề phát triển ổn định và bền vững. Tuy nhiên, trong số 153 làng nghề được công nhận thì có 67 làng nghề được tỉnh Nghệ An không khuyến khích phát triển vì nếu để tồn tại sẽ trở thành mối nguy hại đối với môi trường sống.
Có thể bạn quan tâm
11:05, 03/03/2019
10:28, 21/02/2019
05:01, 21/03/2019
Số làng nghề không được khuyến khích phát triển trong thời gian tới đứng đầu danh sách gồm: Chế biến nông sản thực phẩm (25 làng nghề); Nghề mộc, trống (21 làng nghề); Chế biến hải sản (10 làng nghề); Ươm tơ (3 làng nghề)… Các làng nghề được liệt kê vào danh sách “đen” này chủ yếu tập trung ở vùng nông thôn, đồng bằng ven biển nơi tập trung đông dân cư, gần các sông, kênh, rạch.
Qua tìm hiểu thì các làng nghề nói trên được phát triển theo hướng tự phát do các cá nhân, hộ cá thể tham gia làm nghề rồi nhân rộng tại các địa phương theo quy mô làng, xã. Thời gian đầu, người dân ở các vùng quê phát triển nghề theo kiểu “tự cung, tự cấp” nên quy mô làm nghề cũng nhỏ lẻ, manh mún.
Tuy nhiên, trong vài thập niên trở lại đây, khi cơ chế thị trường mở cửa, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm gia tăng đã kéo theo nhiều người trong quần thể một làng, xã đã học theo nhau làm nghề. Chính vì vậy, làm nghề theo kiểu “mạnh ai người ấy làm” đã bắt đầu phát triển rầm rộ ở một số làng quê trên địa bàn Nghệ An trong thời gian qua. Và, mặt trái của vấn đề phát triển làng nghề tự phát đã kéo theo nhiều nguy cơ đe dọa môi trường sống xung quanh.
Đơn cử, tại làng nghề hấp sấy cá cơm ở Phú Lợi, phường Quỳnh Dị, thị xã Hoàng Mai lâu nay luôn trở thành địa điểm gây bức xúc vì tình trạng ô nhiễm môi trường. Xuất phát từ những hộ làm nghề hấp, sấy cá cơm với số lượng nhỏ lẻ nhưng khi thấy nghề này “ăn nên làm ra”, nhiều hộ khác trong làng cũng đua nhau làm theo.
Không được quy hoạch bài bản ngay từ ban đầu, công tác quản lý lỏng lẻo, chỉ cần đầu tư vài trăm triệu đồng là xây dựng được một lò chế biến cá cơm công suất 4,5 tấn/ngày nên hiện nay ở Phú Lợi, phường Quỳnh Dị có hàng trăm hộ tham gia hấp sấy cá cơm, làm mắm tôm, nước mắm… tập trung dọc theo bờ sông Mai Giang. Chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải từ các cơ sở sản xuất, chế biển hải sản nên hầu hết nguồn thải đều được đổ thẳng ra dòng Mai Giang.
Thực trạng này cũng diễn ra tương tự ở các làng nghề chế biến hải sản ở huyện Diễn Châu, thị xã Cửa Lò với quy mô hàng trăm hộ dân tham gia của tỉnh Nghệ An trong suốt thời gian qua. Điều đáng quan tâm là mặc dù chính quyền địa phương cũng đã có quy hoạch phát triển làng nghề theo hướng tập trung nhưng vấn đề xử lý đầu ra của nguồn nước thải lại bị “bỏ quên” nên ô nhiễm đang ngày càng gia tăng.
Có thể bạn quan tâm
11:01, 15/03/2019
19:25, 22/01/2019
15:04, 03/01/2019
06:06, 18/12/2018
06:55, 28/11/2018
11:50, 16/11/2018
06:00, 13/11/2018
Đâu là giải pháp?
Vấn đề xử lý các làng nghề gây ô nhiễm môi trường đã được phản ánh rất nhiều tại các cuộc họp tiếp xúc cử tri, thậm chí người dân đã phải sơ tán vì không thể sống chung với mùi hôi thối từ cơ sở chế biến nông sản thực phẩm, thủy hải sản…
Các cơ quan chức năng của tỉnh Nghệ An cũng đã nhiều lần kiểm tra, xử lý trong thời gian qua nhưng các làng nghề, làng có nghề vẫn tồn tại. Thực trạng này cũng đồng nghĩa với việc môi trường sống vẫn đang bị đe dọa bởi ô nhiễm từ việc xả thải của các làng nghề.
Nguyên nhân được các cơ quan chức năng đưa ra đó là do lối phát triển tự phát, manh mún đã khiến công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Thậm chí, công tác xử lý, xử phạt nhiều lúc cũng chỉ như “muối bỏ bể” khiến tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường vẫn còn tồn tại.
Ông Phan Thanh Hải - Phó trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng thị xã Cửa Lò cho biết, hiện nay trên địa bàn khối 6, phường Nghi Tân đang tồn tại 01 cơ sở làng nghề bảo quản thủy hải sản có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, tại các phường Nghi Hải, Nghi Thủy cũng đang tồn tại nhiều làng có nghề tham gia chế biển hải sản phát sinh ô nhiễm môi trường.
Và, để giải quyết tình trạng này, ông Phan Thanh Hải nói rằng sẽ có giải pháp di chuyển làng nghề chế biển hải sản ra xa nơi dân cư và đưa vào tập trung theo quy hoạch để đảm bảo vệ sinh môi trường.
Theo đại diện Chi Cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Nghệ An) cho biết, trong số danh sách 67 làng nghề (gồm làng nghề và làng có nghề) đang tồn tại hiện nay thì việc hoạt động, sản xuất tồn tại nguy cơ ô nhiễm môi trường là có thật.
“Giải pháp căn bản là làm sao gom được các làng nghề này vào các Cụm Công nghiệp xa khu dân cư và phải xây dựng được hệ thống xử lý nguồn nước thải, khí thải tập trung. Bây giờ, cấm người ta không được hoạt động cũng không thể được vì liên quan đến nhiều yếu tố kinh tế - xã hội” – ông Đinh Sỹ Khánh Vinh - Phó Chi Cục trưởng Chi Cục bảo vệ môi trường Nghệ An cho biết.
Còn theo tìm hiểu của phóng viên thì trong 67 làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đang tồn tại trên địa bàn Nghệ An cũng đã có một số làng nghề được đầu tư hệ thống xử lý nguồn thải. Thế nhưng, do đầu tư chưa đồng bộ, xây dựng theo kiểu chắp vá, công nghệ lạc hậu nên việc xử lý ô nhiễm vẫn còn diễn ra.
Chính vì vậy, để các làng nghề nói trên có thể tháo gỡ được “vòng kim cô” vì nằm trong danh sách nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, các cấp, ngành tỉnh Nghệ An cần phải có giải pháp lâu dài, quy hoạch đồng bộ. Bởi nếu không khuyến khích các làng nghề này phát triển trong tương lai thì nguy cơ hàng trăm nghìn lao động mất việc làm, nguồn thu đóng góp cho ngân sách địa phương sẽ bị xóa sổ.