Vì sao BOT bị phản đối dây chuyền? Kỳ I: BOT Miền Tây “dậy sóng”

Bài và ảnh: Phú Khởi 11/01/2018 06:51

Liên tục trong những ngày qua, tại 2 trạm thu phí BOT trên tuyến quốc lộ 1 thuộc địa phận Cần Thơ và Sóc Trăng đã bị nhiều lái xe phản ứng. Trước đó trạm thu phí BOT Cai Lậy đã phải tạm ngưng thu phí vì bị phản đối dữ dội...

Ngày 20/12/2017, chủ đầu tư BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp đã thực hiện giảm giá vé cho các loại xe qua trạm này từ 7-15% so với giá thu ban đầu. Theo đó xe loại 1 (dưới 12 chỗ) là 30.000 đồng, xe loại 5 (container 40 feet) là 18.000 đồng. Tuy nhiên, theo tài xế Hồ Quang Thuận (Thốt Nốt): Giá vé đã giảm vẫn còn cao hơn gấp rưởi so với đường cao tốc TP HCM-Trung Lương. Cụ thể, xe dưới 12 chỗ đi trên cao tốc chỉ trả phí khoảng 1.000 đồng/km còn tuyến BOT này chỉ có 21 km mà thu 30.000 đồng, tức là đi mỗi ki lô mét phải trả gần 1.500 đồng, đó là lý do mà ông dùng tiền lẻ qua trạm nhằm phản đối trạm thu phí này.

p/Tài xế cố thủ trong xe nằm lì tại trạm Cần Thơ - Phụng hiệp không chịu mua vé qua trạm.

Tài xế cố thủ trong xe nằm lì tại trạm Cần Thơ - Phụng hiệp không chịu mua vé qua trạm.

  • Từ ngày 4-6/1, trạm BOT tuyến Cần Thơ-Phụng Hiệp đã phải đóng mở xả trạm liên tục vì sự phản đối của tài xế. Hình thức phản đối cũng rất đa dạng từ cho xe nằm lì tại cabin thu phí, trả tiền lẻ, tiền ướt, báo hư xe để đẩy qua trạm mà không phải mua vé...
  • Ngày 7/1, kịch bản phản đối tương tự như vậy đã diễn ra tại tram thu phí BOT quốc lộ 1 tuyến tránh Sóc Trăng. Đáng chú ý là tại trạm BOT này còn có những cách phản đối lạ hơn như tài xế xe ô tô cho xe chèn vào làn đường dành cho mô tô, xe máy để gây ách tắc giao thông cho tất cả làn đường tại trạm thu phí.
  • Cách đây khoảng một tháng, trạm BOT Cai Lậy cũng rơi vào tình trạng bị phản ứng dữ dội chấn động dư luận cả nước, đến mức Thủ tướng Chính phủ phải chỉ đạo dừng thu phí để tìm giải pháp khắc phục.
    Như vậy, đến thời điểm này đã có 3/5 dự án BOT lộ giao thông tại khu vực Miền Tây bị người sử dụng dịch vụ phản đối.

Trao đổi với DĐDN, ông Trần Phước Thành, quản lý đội xe tập lái của Trung tâm lái xe số 10 cho biết: Trung tâm cách trạm hơn 200m có 73 xe nhưng chỉ xin miễn phí 32 xe và chỉ được phê duyệt 20 xe. Theo quy định các xe này phải được miễn phí từ 1/1/2018 nhưng cho tới nay vẫn bị thu phí nên tài xế bức xúc phản đối. Ông Thành cho biết thêm mỗi ngày xe tập lái phải ít nhất 4 lượt qua trạm BOT này với chi phí phát sinh trong năm lên đến hàng tỷ đồng trong khi chỉ sử dụng 200 mét đường BOT là rất phi lý làm tăng chi phí cho doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Ngọc Xuân, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô tỉnh An Giang: "dự án BOT quốc lộ 91 đoạn Ô Môn-Thốt Nốt cũng đã phát sinh nhiều bất cập từ khi đưa vào sử dụng như mức thu phí cao, chậm miễn giảm cho phương tiện xung quanh trạm. Đặc biệt là trạm T2 đặt ở vị trí không hợp lý thu luôn phương tiện đi trên tuyến quốc lộ 80 khi qua lại phà Vàm Cống để đi TP.HCM, hay xe chở hàng xuống từ Long Xuyên xuống Tân cảng Thốt Nốt, mặc dù các bất cập này đã được nhà xe, hiệp hội vân tải phản ánh, các cơ quan báo chí lên tiếng nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục, đây cũng là nguy cơ tiềm ẩn bùng phát việc phản đối của các nhà xe nếu không sớm được chấn chỉnh".

Ông Nguyễn Văn Dương, Phó giám đốc Công ty TNHH BOT quốc lộ 1 Sóc Trăng cho biết: qua trao đổi nắm được lý do các tài xế đưa ra để phản đối trạm thu phí là: mức thu phí cao, không đi tuyến tránh nên không chịu trả phí, đã đóng phí bảo trì đường bộ rồi sao đi trên quốc lộ lại phải đóng phí?...

Kỳ II: Chữa khuyết tật cho dự án BOT bằng cách nào?

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vì sao BOT bị phản đối dây chuyền? Kỳ I: BOT Miền Tây “dậy sóng”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO