Vì sao Đắk Nông là điểm sáng cải cách hành chính?

Nguyễn Minh 25/04/2023 04:00

Mặc dù là tỉnh vùng cao, dân trí thấp, cơ sở hạ tầng hạn chế…, với nỗ lực của chính quyền, Chỉ số PAR INDEX, SIPAS Đắk Nông những năm qua, đặc biệt năm 2022 được người dân, doanh nghiệp ghi nhận...

>>>PCI 2022: Đăk Nông tăng 14 bậc, bứt tốc cải cách thủ tục hành chính

Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mườitại Phiên họp thứ tư của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ trực tuyến với các địa phương diễn ra ngày 19/04

Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười (giữa) tại Phiên họp thứ tư của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ trực tuyến với các địa phương diễn ra ngày 19/04

Theo công bố của Bộ Nội vụ tại Phiên họp thứ tư của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ trực tuyến với các địa phương diễn ra ngày 19/04 mới đây, Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2022 Đắk Nông xếp thứ 31/63 tỉnh, thành phố, tăng 16 bậc so với năm 2021. Chỉ số Cảicách hành chính xếp thứ 37/63 tỉnh, tăng 4 bậc so với năm 2021 (năm 2021 xếp thứ 41), xếp thứ 2 khu vực Tây Nguyên.

Triển khai quyết liệt và đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực

Trong đó, Chỉ số công tác chỉ đạo điều hành cải cách hành chính (CCHC) Đắk Nông xếp thứ 30/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số thành phần cải cách thể chế xếp 55/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số thành phần cải cách TTHC xếp thứ 58/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số thành phần cải cách tổ chức bộ máy xếp thứ 31/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số thành phần cải cách chế độ công vụ xếp thứ 46/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số thành phần cải cách tài chính công xếp thứ 31/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số thành phần xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố. Kết quả đánh giá các tiêu chí của cải cách hành chính đến phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 xếp thứ 28/63 tỉnh, thành phố.

Để trở thành điểm sáng trong CCHC (PAR INDEX), SIPAS, bà Nguyễn Thị Thu Hường, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đắk Nông cho rằng, thời gian qua, tỉnh Đắk Nông luôn xác định CCHC là nhiệm vụ trọng tâm. Công tác CCHC được Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương triển khai quyết liệt và đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực.

Cụ thể, ngay sau khi Bộ Nội vụ công bố chỉ số CCHC, tỉnh đã tổ chức Hội nghị rà soát, phân tích, đánh giá, rút kinh nghiệm về quá trình triển khai và kết quả Chỉ số CCHC, Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính theo từng lĩnh vực, tiêu chí, tiêu chí thành phần. Đồng thời, ban hành kế hoạch khắc phục, giao nhiệm vụ cho từng đơn vị, địa phương có giải pháp duy trì những chỉ số đạt điểm cao và khắc phục những tồn tại, hạn chế một cách cụ thể, rõ ràng.

Cùng với đó, tỉnh ban hành được hệ thống văn bản chỉ đạo điều hành CCHC từ tỉnh đến cơ sở (Nghị quyết của Tỉnh ủy, Quyết định, kế hoạch giai đoạn, hàng năm, các văn bản chỉ đạo, đôn đốc của UBND tỉnh; nhiều văn bản hướng dẫn của các sở ngành…). Kịp thời kiện toàn lại các Ban chỉ đạo như: Ban chỉ đạo CCHC, Ban chỉ đạo chuyển đổi số, ban hành quy chế hoạt động để tạo hành lang, pháp lý để chỉ đạo, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ CCHC tại tỉnh.

Ngoài ra, tỉnh thực hiện mở rộng nhiều hình thức thông tin tuyên truyền về CCHC, về chuyển đổi số đến được với người dân, doanh nghiệp, tạo sự đồng thuận, hưởng ứng trong quá trình triển khai thực hiện.

Đẩy mạnh cải cách TTHC, nhiều TTHC liên quan đến người dân, doanh nghiệp được đơn giản, rút ngắn thời gian thực hiện từ 20% đến 50%...; tiếp tục thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy từ tỉnh đến cơ sở, các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn gắn với đề án vị trí việc làm; sát với chức năng, nhiệm vụ; mối quan hệ công tác của cơ quan, đơn vị được điều chỉnh, bổ sung, đã cơ bản khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp chức năng, nhiệm vụ.

Nỗ lực ứng dụng CNTT, chuyển đổi số gắn với CCHC, tỉnh đã khai trương Trung tâm giám sát, điều hành độ thị thông minh của tỉnh (IOC); đã hình thành hệ thống dịch vụ công trực tuyến tích hợp hệ thống Một cửa điện tử, hệ thống Quản lý văn bản và điều hành tích hợp chữ ký số, chứng thư số từ cấp tỉnh đến cấp xã, tạo thuận lợi cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền...

Đặc biệt, tăng cường kiểm tra công vụ, kiểm tra công tác CCHC thường xuyên để kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm trong hoạt động công vụ, vi phạm trong giải quyết TTHC của người dân, doanh nghiệp. Từ đó, từng bước đem lại sự hài lòng, niềm tin, tình cảm của doanh nghiệp.

“Mặc dù Chỉ số xếp hạng các chỉ số chưa cao, nhưng những cải thiện đó đã thể hiện sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự quyết liệt trong công tác lãnh đạo của Tỉnh ủy, chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh” bà Hường nói.

Thách thức không làm khó

Trao đổi với DĐDN, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười bộc bạch, việc triển khai các nhiệm vụ CCHC bước đầu đạt được kết quả là khả quan, tuy nhiên, trong quá trình triển khai tỉnh còn gặp một số khó khăn nhất định như: Là tỉnh vùng cao, đồng bào các dân tộc thiểu số đông, trình độ dân trí thấp, địa bàn tỉnh bị chia cắt, cơ sở hạ tầng, nguồn kinh phí chi cho CCHC còn hạn chế, nên việc triển khai CCHC, ứng dụng CNTT, chuyển đổi số gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ người dân biết, tiếp cận và thực hiện dịch vụ công trực tuyến vẫn còn rất thấp….

Vì vậy, năm 2023 tỉnh tiếp tục xác định CCHC là nhiệm vụ trọng tâm; phát huy những kết quả đạt được, tìm ra các giải pháp để khai thông các điểm nghẽn trong công tác CCHC còn hạn chế. Cụ thể, tỉnh tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành; nâng cao vai trò, tinh thần trách nhiệm, tính tiên phong của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ CCHC gắn với đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ.

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về ý thức trách nhiệm của CBCC trong thực thi công vụ và CCHC; Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ, khuyến khích người dân sử dụng các dịch vụ hành chính công trên môi trường điện tử; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tổ chức tiếp cận, tương tác với chính quyền trên môi trường mạng.

Tiếp tục cải cách TTHC, nhất là các lĩnh vực liên quan trực tiếp tới người dân và doanh nghiệp mà thời gian qua chưa được đánh giá cao: Đất đai, xây dựng, đầu tư…

 >>>Đắk Nông: Cải cách hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp

Bên cạnh đó, nỗ lực chuyển đổi số, coi đây là động lực, phương tiện để thực hiện tốt CCHC, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện công tác CCHC nhằm hạn chế các thiếu sót, chậm trễ trong thực hiện nhiệm vụ được giao; kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công sở, văn hóa giao tiếp, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.

Nhằm góp phần hiện thực hoá các mục tiêu trên, bà Hường cho hay, ngay từ đầu năm, Sở Nội vụ đã ban hành Công văn hướng dẫn triển khai thí điểm sáng kiến CCHC “Ngày không viết” và “Ngày không hẹn” triển khai thí điểm trong giờ hành chính ngày thứ 4 hàng tuần, bắt đầu từ tháng 3 - 12/2023, UBND tỉnh Đắk Nông sẽ đánh giá tổng kết và áp dụng, nhân rộng (nếu thấy hiệu quả) từ năm 2024. Theo đó, từ đầu tháng 3, vào thứ Tư hàng tuần, trong giờ hành chính, UBND các huyện: Cư Jút, Krông Nô, Đắk Glong và thành phố Gia Nghĩa thực hiện “Ngày không viết” và “Ngày không hẹn”.

Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, Hồ Văn Mười khẳng định: “Với phương châm: Lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là mục tiêu phấn đấu, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, bảo đảm tính công khai minh bạch trong giải quyết TTHC…cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở sẽ góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới”.

Với mục tiêu nâng cao chất lượng chỉ đạo điều hành công tác CCHC trong năm 2023; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ CCHC gắn với xây dựng Chính quyền điện tử, Chính quyền số. Ngày 07/4/2023, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh ký ban hành Quyết định số 451/QĐ-BCĐCCHC, ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2023 của Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh Đắk Nông. Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo CCHC năm 2023 đã xác định 31 nhiệm vụ cụ thể của 08 lĩnh vực CCHC. Kế hoạch yêu cầu: Đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ CCHC năm 2023; đối với các Thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ được giao 100% Kế hoạch đề ra.

Sở Nội vụ - Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo được giao theo dõi, đôn đốc các Thành viên Ban Chỉ đạo, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch. Ngoài ra, Sở Nội vụ chủ trì tổ chức công tác kiểm tra, theo dõi, đánh giá và đề xuất các giải pháp nhằm cải thiện và nâng cao Chỉ số CCHC của tỉnh (PAR INDEX), Chỉ số về sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI).

Có thể bạn quan tâm

  • PCI 2022: Đăk Nông tăng 14 bậc, bứt tốc cải cách thủ tục hành chính

    18:27, 12/04/2023

  • Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050: Định hình các giá trị mới cho tỉnh Đắk Nông

    13:41, 05/04/2023

  • Đắk Nông: Cải cách hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp

    00:23, 24/03/2023

  • Đắk Lắk – Đắk Nông: Ghi nhận sạt lở sông Krông Nô do khai thác cát quá mức

    22:09, 21/03/2023

  • “Ngày không viết” và “Ngày không hẹn” tại Đắk Nông

    03:00, 03/03/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vì sao Đắk Nông là điểm sáng cải cách hành chính?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO