Chính quyền Mỹ đang tăng tốc sử dụng ngân sách liên bang mua cổ phiếu các công ty lớn. Điều gì đang xảy ra?
Dưới nhiệm kỳ thứ 2 của mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã mở rộng cửa để Nhà nước nắm giữ cổ phần tại các công ty ở quy mô hiếm thấy ở Hoa Kỳ. Điều này đã làm đảo ngược truyền thống của Đảng Cộng hòa, vốn ủng hộ chủ nghĩa tư bản thị trường tự do, dần chấp nhận sự can thiệp của Nhà nước vào các ngành được coi là quan trọng đối với an ninh quốc gia.
Tập đoàn Nippon Steel của Nhật Bản đã đồng ý trao cho chính quyền Mỹ một “cổ phần vàng” tại U.S. Steel như một điều kiện cho vụ sáp nhập gây tranh cãi giữa hai đế chế sản xuất thép hàng đầu thế giới.
Thượng nghị sĩ Dave McCormick, Đảng Cộng hòa, nói: “U.S. Steel là một mô hình tiềm năng cho các giao dịch đầu tư trực tiếp nước ngoài thực sự ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của chúng ta nhưng cũng rất tốt cho tăng trưởng kinh tế của chúng ta”.
Đầu tháng này, Washington đã cho thấy họ cũng sẵn sàng mua thêm cổ phần của các công ty đại chúng. Mới đây, Bộ Quốc phòng Mỹ đã đầu tư 400 triệu đô la Mỹ mua cổ phần của công ty khai thác đất hiếm MP Materials, đưa Lầu Năm Góc trở thành cổ đông lớn nhất của công ty.
Gracelin Baskaran, chuyên gia về khoáng sản quan trọng tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho rằng: “chưa bao giờ trong lịch sử ngân sách liên bang được đầu tư vào doanh nghiệp khai thác khoáng sản. Đây là sự hợp tác công - tư lớn nhất mà ngành khai thác từng có tại Hoa Kỳ”.
Nhiều khả năng sẽ có thêm các khoản đầu tư từ ngân sách liên bang Mỹ khi chính quyền ông Trump xây dựng chính sách hỗ trợ các công ty trong nước trong các ngành công nghiệp chiến lược chống lại sự cạnh tranh được hậu thuẫn bởi Nhà nước từ Trung Quốc.
Vào đầu năm nay, ông Trump đã đề xuất rằng Hoa Kỳ nên nắm giữ 50% cổ phần trong ứng dụng mạng xã hội TikTok như một phần của liên doanh.
Chính phủ Hoa Kỳ có lịch sử lâu dài trong việc can thiệp vào các ngành công nghiệp, đặc biệt là liên quan đến quốc phòng. Nhưng các biện pháp can thiệp trước đây thường chỉ mang tính tạm thời và thường xảy ra trong thời kỳ chiến tranh, hoặc khủng hoảng kinh tế.
Ví dụ, vào những năm 1970, hai công ty khổng lồ về sản xuất vũ khí Lockheed Martin và nhà sản xuất ô tô Chrysler đã nhận được các khoản cứu trợ của ngân sách. Sau khủng hoảng tài chính 2008, chính phủ Hoa Kỳ đã mua phần lớn cổ phần của General Motors để ngăn chặn nhà sản xuất ô tô này sụp đổ.
Chính quyền Roosevelt đã có những can thiệp sâu rộng trong thời kỳ Đại suy thoái 1929 -1933 và Thế chiến thứ II, từ việc thành lập Cơ quan Thung lũng Tennessee cho đến đầu tư lớn vào năng lực sản xuất của quốc gia.
Hoa Kỳ hiện không phải đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế hay chiến tranh, nhưng sự trở lại của cuộc cạnh tranh quyền lực lớn với Nga và Trung Quốc cùng với sự gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch COVID-19 đã dẫn đến các chính sách kinh tế mang tính dân tộc chủ nghĩa hơn.
Chẳng hạn, mối đe dọa từ sự thống trị của Trung Quốc đối với chuỗi cung ứng đất hiếm đã trở nên rõ ràng vào tháng 4 khi Bắc Kinh áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với Hoa Kỳ. Trong vòng vài tuần, các nhà sản xuất ô tô Mỹ đã cảnh báo rằng họ sẽ phải đóng dây chuyền.