Sau khi BCTC hợp nhất 6 tháng đầu năm 2019 đã soát xét của Công ty CP Tập đoàn Hoà Phát được công bố, nội dung được cổ đông và nhà đầu tư quan tâm chính là các khoản nợ của doanh nghiệp.
Báo cáo tài chính 6 tháng 2019 soát xét cho thấy, Hoà Phát đang chịu áp lực lớn về vay nợ, khi khoản mục nợ phải trả tăng mạnh lên 48.763 tỷ đồng. Theo đó, tài sản đảm bảo trị giá hơn 40.000 tỷ dùng để thế chấp ngân hàng đều nằm ở mục xây dựng cơ bản dang dở. Ngoài ra, ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoà Phát cũng dùng cổ phiếu cá nhân để đảm bảo cho khoản vay hơn 1.700 tỷ của Hoà Phát.
Khoản tài sản bảo đảm đáng chú ý nhất của Hòa Phát xuất hiện tại mục xây dựng cơ bản dở dang. Có tới 40.236 tỷ đồng trên tổng số tiền 47.053 tỷ đồng được Hoà Phát sử dụng để thế chấp ngân hàng nhằm đảm bảo cho các khoản vay của Tập đoàn.Trong đó, dự án Khu liên hợp gang thép tại Dung Quất ghi nhận con số chi phí xây dựng dở dang lên tới 42.919 tỷ đồng, tăng hơn 9.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm 2019 và chiếm trên 90% tổng chi phí đầu tư của Hoà Phát vào các dự án lớn.
Tập trung nguồn tiền cho Dung Quất
Trước đó, khi công bố BCTC quý II/2019 với lượng nợ vay tăng và chi phí lãi vay tăng lên nhanh chóng, nhiều nhà đầu tư đã đưa ra dự đoán, số tiền này nhiều khả năng được dùng để tài trợ việc xây dựng cơ bản dự án Khu liên hợp gang thép tại Dung Quất. Đây là dự án được ban lãnh đạo Hoà Phát đầu tư lớn về tiền bạc, thời gian, tâm sức với mục tiêu sẽ tạo nên tầm vóc mới, một diện mạo mới cho Hòa Phát.
Có thể bạn quan tâm
Theo Công ty Chứng khoán VCB, cuối quý II/2019, dự án Khu liên hợp gang thép tại Dung Quất đã đưa vào chạy thử nghiệm lò cao 1. Toàn bộ dây chuyên chuyền lò cao 1, luyện thép và nhà máy cán thép 1 sẽ được đồng bộ và bắt đầu thương mại vào cuối năm 2019. Đến tháng 3/2020, Hoà Phát sẽ có sản phẩm thép cán nóng.
Đến cuối 2019, ông Trần Đình Long sẽ đầu tư 50.000 tỷ đồng cho dự án Khu liên hợp gang thép tại Dung Quất. Số tiền này được ghi nhận ban đầu tại “Tài sản xây dựng cơ bản dở dang”. Sau đó, tiến trình chuyển thành tài sản cố định sẽ phụ thuộc vào tiến độ nghiệm thu các nhà máy thành phần.
Trong đó, nhà máy cán thép 1 đã được chuyển sang tài sản cố định và bắt đầu trích khấu hao từ Q2/2019. Dự kiến đến hết năm 2019 giá trị khấu hao tăng thêm từ dự án Khu liên hợp gang thép tại Dung Quất sẽ trong khoảng từ 1.000-1.500 tỷ đồng. Đồng thời, theo ước tính từ phía doanh nghiệp, sau khi dự án Dung Quất được vận hành hoàn toàn năm 2020 tổng khấu hao tăng thêm sẽ vào khoảng 4.000 tỷ đồng/năm.
Giá quặng và các khoản chi phí tăng cao
Chia sẻ tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2019 diễn ra vào cuối tháng 3, Chủ tịch Hòa Phát cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến lợi nhuận Hòa Phát năm nay chỉ dừng ở mức 6.700 tỷ đồng. Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất là giá quặng sắt tăng cao sau thảm họa vỡ đập hồ chứa chất thải khoáng sản tại Brazil. Vụ vỡ đập này đã khiến Tập đoàn khai thác mỏ Vale bị tước giấy phép khiến nguồn cung quặng sắt bị ảnh hưởng và giá tăng vọt.
Trong năm 2018, giá quặng sắt dao động trong khoảng 65 USD/tấn thì sang năm 2019 đã tăng vọt lên khoảng 85 USD/tấn, thậm chí có thời điểm lên tới 90 USD/tấn, tương ứng với mức tăng khoảng 30-35%. Giá tăng khiến chi phí đầu vào của thép tăng cao bởi để làm ra 1 tấn thép, Hòa Phát cần 1,6 tấn quặng sắt, tương ứng chi phí đầu vào đội thêm khoảng 800.000 đồng/tấn thép.
Bên cạnh giá quặng sắt tăng, các loại chi phí của Hòa Phát được dự báo cũng sẽ tăng. Đáng chú ý, chi phí tài chính từ mức hơn 700 tỷ đồng năm 2018 sẽ tăng gấp 3 lần, lên hơn 2.000 tỷ đồng trong năm 2019. Trước đây, khi dự án Dung Quất trong thời gian xây dựng, chi phí lãi vay được hạch toán vào vốn hóa. Tuy nhiên, khi dự án Dung Quất chính thức đi vào hoạt động, Hòa Phát sẽ phải tính lãi vay vào chi phí tài chính. Ban lãnh đạo Hòa Phát cho biết, dự án Dung Quất có tổng vốn đầu tư khoảng 65.000 tỷ đồng, trong đó vốn tự có khoảng 25.000 tỷ đồng. Số còn lại sẽ phải đi vay và lãi suất hiện nay đang dao động trong khoảng 7,5-9%.
Đối với tôn mạ, nhà máy đi vào hoạt động trong giai đoạn khó khăn, tổng công suất thị trường gấp đôi so với nhu cầu. Bên cạnh đó, các nước cũng dựng hàng rào với sản phẩm này khiến lợi nhuận tôn mạ năm 2018 chỉ đạt 17 tỷ đồng trên tổng số doanh thu 2.700 tỷ đồng. Năm 2019, mảng tôn mạ đặt mục tiêu doanh thu 4.400 tỷ đồng và lãi 178 tỷ đồng.
“Đặt cược” vào cuộc chơi lớn
Ngành thép thâm dụng vốn lớn, nên Hòa Phát mặc dù kiểm soát chi phí với công nghệ tốt nhất trong ngành nhưng để duy trì hoạt động kinh doanh và vị thế dài hạn, hàng năm, Công ty phải chi nhiều tiền vào đầu tư cơ bản, sửa chữa và nâng cấp. Thống kê giai đoạn 2008 - 2018, Công ty cần bỏ ra 1,2 đồng vốn để thu được 1 đồng lợi nhuận ròng. Giai đoạn tới, Hòa Phát tiếp tục cần nhiều vốn để đầu tư khi “đặt cược” vào một cuộc chơi rất lớn: phủ rộng toàn Việt Nam, “vẽ” lại bản đồ ngành thép.
Dự án Dung Quất đang được Hòa Phát triển khai với tiến độ nhanh, nhưng tốc độ “ngốn” tiền cũng rất lớn. Theo tiến độ dự án, tính tới cuối năm 2018, Hòa Phát cần vay thêm khoảng 8.000 tỷ đồng nợ dài hạn và 4.000 tỷ đồng nợ ngắn hạn. Tuy nhiên, tại Đại hội đồng cổ đông năm 2019 vừa qua, Ban lãnh đạo Công ty chia sẻ, dự án sẽ bị đội vốn, tổng mức đầu tư tăng lên 65.000 tỷ đồng, trong đó nợ vay dài hạn tăng lên 10.000 tỷ đồng và nợ vay ngắn tăng thêm 3.000 tỷ đồng.
Do đó, số tiền cần vay thêm trong thời gian tới vào khoảng 25.000 tỷ đồng. Với tư cách cá nhân, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hòa Phát đã quyết định cầm cố 100 triệu cổ phiếu để vay vốn ngân hàng, với hạn mức 1.700 tỷ đồng, bổ sung vốn lưu động cho Công ty. Theo kế hoạch của Hòa Phát, kết quả kinh doanh trong hai năm tới nhiều khả năng không cao, một phần là do chi phí khấu hao, lãi vay và giả định tình hình giá nguyên liệu vẫn tăng, nền kinh tế rơi vào giai đoạn khó khăn, hay ít nhất là ngành bất động sản chững lại, không tăng trưởng.