24h

Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới các đơn vị sự nghiệp công còn hạn chế

Gia Nguyễn 19/08/2024 09:00

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL)... tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, công tác này vẫn còn đó một số tồn tại, hạn chế.

Theo đó, tại phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thông tin về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023”, đại diện Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội – Hoàng Thanh Tùng cho biết, từ năm 2018 đến nay, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL, đạt nhiều kết quả quan trọng.

ky-hop-36-uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-19.8.1.jpg
Tại phiên họp thứ 36 sáng 19/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghe Đoàn Giám sát thông tin về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023” - Ảnh: QH

Cụ thể, công tác thông tin, tuyên truyền được thực hiện quyết liệt, góp phần làm chuyển biến, thay đổi nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở các ngành, các cấp, các ĐVSNCL và toàn xã hội.

Chú trọng thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về tổ chức và hoạt động của ĐVSNCL. Đặc biệt, sau khi Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 62-KL/TW ngày 02/10/2023 về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung chỉ đạo, khẩn trương ban hành nhiều văn bản, khắc phục một bước tình trạng nợ đọng.

Việc sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL đạt kết quả tích cực, nhất là giai đoạn 2015 - 2021 vượt mục tiêu đề ra (giảm 13,33%/chỉ tiêu 10%). Các ĐVCNSL sau sắp xếp, tổ chức lại đã phát huy được vai trò chủ đạo, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ sự nghiệp công.

Hầu hết các cơ quan đã xây dựng đề án tinh giản biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước (NSNN) của ĐVSNCL thuộc phạm vi quản lý; giai đoạn 2015 - 2021, tổng biên chế sự nghiệp giảm vượt mục tiêu đề ra (giảm 11,67%/chỉ tiêu 10%); số lượng cấp phó cơ bản đã đáp ứng tiêu chí quy định.

Chính sách xã hội hoá việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công từng bước phát huy hiệu quả; góp phần đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ chất lượng cao của người dân và giảm áp lực, quá tải trong hoạt động của ĐVSNCL.

Năng lực quản trị của ĐVSNCL từng bước được nâng cao; cơ cấu tổ chức bên trong của nhiều đơn vị được rà soát, sắp xếp lại theo hướng tinh gọn.

Việc đẩy mạnh phân cấp, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính đã giúp các ĐVSNCL chủ động sử dụng các nguồn lực tài chính hiệu quả hơn. Việc quản lý, sử dụng tài chính và tài sản công trong các ĐVSNCL được chú trọng, góp phần khắc phục tình trạng lãng phí.

ky-hop-36-uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-19.8.2.jpg
Các đại biểu tham dự phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 19/8 - Ảnh: QH

Bên cạnh những điểm tích cực, ông Tùng cũng cho hay, việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới tổ chức và hoạt động của các ĐVSNCL cũng còn một số tồn tại, hạn chế như: Việc thể chế hoá chủ trương của Đảng, hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của ĐVSNCL còn chưa đầy đủ, kịp thời; quy định pháp luật về tổ chức và hoạt động của ĐVSNCL còn phân tán, tính thống nhất có phần còn hạn chế; việc triển khai thực hiện một số văn bản còn gặp khó khăn, vướng mắc.

Việc sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL chủ yếu còn mang tính cơ học. Tốc độ sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL đang chậm lại trong giai đoạn 2021 - 2023; Việc giảm biên chế sự nghiệp hưởng lương từ NSNN trong giai đoạn 2021 - 2023 ở các địa phương đạt tỷ lệ thấp. Còn tình trạng cào bằng trong việc thực hiện chỉ tiêu giảm 10% biên chế sự nghiệp. Các chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được triển khai chậm, kết quả không cao.

Chính sách thúc đẩy xã hội hoá cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường còn chưa đồng bộ. Việc chuyển ĐVSNCL đủ điều kiện thành công ty cổ phần tiến hành chậm, kết quả rất thấp. Còn nhiều vướng mắc trong thành lập doanh nghiệp đa sở hữu trong các viện nghiên cứu, trường đại học.

Việc hướng dẫn và áp dụng mô hình quản trị như doanh nghiệp đối với các đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư còn lúng túng, chưa hiệu quả. Chủ trương thành lập hội đồng trường ở tất cả các cơ sở giáo dục đại học công lập còn bất cập;

Việc thực hiện cơ chế tự chủ chưa bền vững, đồng bộ; tổng chi thường xuyên từ NSNN cho hoạt động sự nghiệp vẫn tăng qua từng năm; cơ chế cho phép các ĐVSNCL sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh dịch vụ, liên doanh, liên kết còn bất cập; chính sách thuế đối với các ĐVSNCL chưa thực sự phù hợp;

Số lượng ĐVSNCL thuộc các bộ, ngành còn nhiều, việc chuyển giao về địa phương quản lý còn chậm; công tác quy hoạch mạng lưới các ĐVSNCL, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Theo ông Hoàng Thanh Tùng, bên cạnh các nguyên nhân khách quan như quy mô dân số, chất lượng đời sống của người dân tăng lên dẫn đến nhu cầu đối với một số dịch vụ công thiết yếu như giáo dục, y tế tăng theo; khó thu hút đầu tư cung ứng dịch vụ sự nghiệp công ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; tác động của đại dịch COVID-19,…

Hiện trạng này cũng xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ quan như: nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa đầy đủ, toàn diện, còn tư duy trông chờ, ỷ lại vào nhà nước; chưa chú trọng việc xây dựng, ban hành đồng bộ các cơ chế, chính sách về ĐVSNCL; công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách, pháp luật về tổ chức và hoạt động của các ĐVSNCL có lúc, có nơi còn chưa kịp thời, thiếu kiểm tra, đôn đốc; công tác quản lý nhà nước còn thiếu đồng bộ, chưa phân định rõ vai trò quản lý nhà nước với việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công; cơ chế giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân chưa thường xuyên. Vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, Nhân dân ở một số nơi chưa được phát huy đầy đủ.

Ngoài kết quả giám sát đã nêu, tại báo cáo, Đoàn Giám sát của Ủy ban Thương vụ Quốc hội cũng đưa ra 09 bài học kinh nghiệm để làm tốt hơn trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới các đơn vị sự nghiệp công còn hạn chế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO