Suốt 23 năm qua, đều đặn từ thứ 2 đến thứ 6, cô giáo Phạm Thị Huyền mở lớp miễn phí cho các học trò có hoàn cảnh khó khăn, trẻ khuyết tật, mồ côi, thậm chí những người đi làm, có vợ con vẫn theo học.
Ở tuổi 67 nhưng đều đặn từ thứ 2 đến thứ 6 cô Huyền vẫn đến lớp dạy học - một lớp học độc nhất vô nhị ở Hà Nội. Một lớp học mỗi người một hoàn cảnh, một lứa tuổi, mỗi khả năng tiếp thu. Điều này khiến cô Huyền cũng phải có cách dạy phù hợp.
"Em nào nhanh nhẹn thì 1 năm có thể lên lớp nhưng có em chậm có khi phải mất 3 năm mới học xong 1 lớp. Điều quan trọng là phải kiên trì", cô Huyền nói.
Ngoài dạy văn hóa, bà Huyền còn dạy các em nấu ăn những bữa cơm đơn giản trong gia đình, dạy cắm hoa, dạy làm bánh... mục đích cho các em tự chăm sóc được cho bản thân.
Ngoài ra, vào các ngày lễ tết, cô lại vận động sự ủng hộ của những nhà hảo tâm nhằm đem đến những chuyến tham quan bổ ích hay những món quà nhỏ, động viên học trò để các em biết đến những phong tục ý nghĩa của các sự kiện văn hóa, lịch sử quan trọng.
Những ngày đầu hoạt động, nhờ vào nguồn lực ít ỏi sẵn có của gia đình, bà đến từng nhà rồi gõ cửa để vận động các em đến lớp. Lúc đầu mở lớp nhiều người cũng không tin bởi thời này làm gì có lớp học miễn phí. Tuy nhiên với tình yêu nghề, yêu trẻ, bà Huyền vẫn quyết tâm mở lớp học với hy vọng có thể phần nào giúp đỡ được các em.
Lớp học đầu tiên chỉ vỏn vẹn có 6 em, sau tăng dần lên thành 10 đến 15 em. Có những hôm đông thì đến 25 em với đủ lứa tuổi, đủ hoàn cảnh. Lớp học duy trì 13 năm tại nhà bà Huyền, do sĩ số lớp ngày càng tăng nên may mắn nhờ sự giúp đỡ, bà mượn được phòng tại phòng họp của Hội phụ nữ tổ dân phố số 6 (phường Thanh Xuân Nam) cho đến nay.
Trong quãng thời gian 23 năm qua, tại nhà G5 phường Thanh Xuân Nam, khoảng 200 học sinh đã được bà giáo Huyền dạy dỗ, nhiều em có khả năng thì theo học tiếp tại các trường. Đã có nhiều em sau khi tốt nghiệp, có được nghề nghiệp, việc làm ổn định và có thể tự chăm lo cho cuộc sống sau này.
Lớp học được duy trì nhiều năm qua bằng chính tiền của bà giáo Huyền bỏ ra. Số sách vở của học sinh được các nhà hảo tâm tài trợ, còn lại bà Huyền sẽ duy trì tiền điện, nước hàng tháng.
Chị Nguyễn Thùy Dương, người từng được cô dìu dắt, giúp đỡ bày tỏ: “Tôi đến với lớp học của cô vào năm 2007 khi gia đình không có điều kiện cho đi học. Từ sự giúp đỡ của cô, tôi đã được quan tâm, chăm sóc, chỉ bảo tận tình như một người thân trong nhà. Giờ đây, khi đã có thể tự nuôi sống được bản thân từ những hành trang mà cô truyền dạy, tôi càng biết ơn những năm tháng được cô dạy bảo. Mong rằng, cô sẽ có thật nhiều sức khỏe để giúp đỡ nhiều người từng có tuổi thơ cơ cực như tôi”.
Có thể bạn quan tâm
VIỆC TỬ TẾ: Cảm phục tấm gương "truyền lửa" cho người khuyết tật
16:30, 01/04/2021
VIỆC TỬ TẾ: Quán cơm chay tự chọn 2 ngàn đồng ấm tình người ở Sa Đéc
11:00, 27/03/2021
VIỆC TỬ TẾ: Ấm lòng những suất cơm miễn phí dành cho người nghèo
11:00, 03/03/2021
VIỆC TỬ TẾ: Cảm phục bác sĩ trẻ 10 năm hồi sinh hơn 1.000 trái tim “lỗi nhịp”
06:30, 27/02/2021
VIỆC TỬ TẾ: Ấm lòng những chuyến xe giải cứu nông sản Hải Dương
15:29, 25/02/2021
VIỆC TỬ TẾ: Tấm lòng của một nữ doanh nhân tại Hải Dương
14:05, 25/02/2021