24h

Viện Kinh tế Bưu Điện: 50 năm vươn mình cùng đất nước

Anh Khôi 29/04/2025 15:00

Với 50 năm hình thành và phát triển, Viện Kinh tế Bưu Điện đã không ngừng vượt khó, vươn mình cùng đất nước, đóng góp một phần cho sự nghiệp phát triển trong lĩnh vực Thông tin và truyền thông.

Ngày 30/4/1975 miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước bước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc thống nhất và xây dựng đất nước giàu đẹp. Đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành Bưu điện trong giai đoạn mới, ngày 28/5/1975 Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện đã ra quyết định số 812/QĐ thành lập Viện Kinh tế và Quy hoạch Bưu điện, đến ngày 20/12/1979 được đổi tên thành Viện Kinh tế Bưu điện.

vien-kinh-te-buu-dien-50-nam-3.jpg
Ngày 28/5/1975 Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện đã ra quyết định số 812/QĐ thành lập Viện Kinh tế và Quy hoạch Bưu điện, đến ngày 20/12/1979 được đổi tên thành Viện Kinh tế Bưu điện

Từ mốc khởi đầu, năm 1997 được coi như một dấu ấn lịch sử về sự đổi mới tiếp theo của Viện Kinh tế Bưu điện, khi ngày 11/7/1997, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 516/TTg về việc thành lập Học viện công nghệ Bưu chính Viễn thông trực thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam trên cơ sở sắp xếp lại các đơn vị nghiên cứu và đào tạo trong Ngành.

Tiếp đến ngày 01/7/2014, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định điều chuyển quyền quản lý Học viện từ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam về Bộ Thông tin và Truyền thông. Theo đó, Viện Kinh tế Bưu Điện là đơn vị nghiên cứu khoa học và đào tạo đặt trực thuộc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.

vien-kinh-te-buu-dien-50-nam-1.jpg
Giai đoạn đầu mới thành lập, Viện tập trung nhiệm vụ nghiên cứu quy hoạch chiến lược, cơ chế quan lý, định mức kinh tế kỹ thuật,...

Giai đoạn đầu mới thành lập, Viện tập trung nhiệm vụ nghiên cứu quy hoạch chiến lược, cơ chế quan lý, định mức kinh tế kỹ thuật, giá cước bưu chính viễn thông cũng như các nghiên cứu về cơ chế quản lý, hệ thống chính sách chế độ về kinh tế cho phù hợp với biến động giá - lương - tiền góp phần đáng kể vào việc xây dựng chính sách quản lý vĩ mô của Ngành.

Đến giai đoạn 1997-2005, Viện đảm nhận những nhiệm vụ quan trọng như: Nghiên cứu các hoạt động về tài chính tiền tệ; hình thức huy động vốn, hiệu quả kinh tế về hợp tác đầu tư, chính sách đầu tư Bưu chính Viễn thông, tham gia công tác đào tạo bồi dưỡng kiến thức tại các cơ sở do Học viện công nghệ Bưu chính Viễn thông theo chủ trương gắn kết giữa nghiên cứu, đào tạo và sản xuất kinh doanh. Thời kỳ này cũng đánh dấu sự đổi mới trong công tác quản lý điều hành và vận động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong nền kinh tế thị trường.

Bước vào giai đoạn 2006-2010, các nội dung nghiên cứu của Viện tập trung vào các phương án kinh doanh hiệu quả của doanh nghiệp Bưu chính Viễn thông, công nghệ thông tin.

vien-kinh-te-buu-dien-50-nam-2.jpg
Trong những năm phát triển của mình, Viện đã tổ chức các khóa đào tạo bồi dưỡng về nghiên cứu thị trường, Marketing số, Quản trị nguồn nhân lực… cho các doanh nghiệp cũng như các đối tác Lào, Myanmar

Và từ năm 2010 – nay, trước những biến động về cơ cấu tổ chức để phù hợp với yêu cầu phát triển của Ngành và doanh nghiệp, Viện Kinh tế Bưu điện đã tích cực tạo ra các sản phẩm khoa học công nghệ trong lĩnh vực kinh tế thông tin và truyền thông để phục vụ các mục tiêu về kinh tế và quản lý kinh tế của lãnh đạo các cấp, các tổ chức kinh doanh trong và ngoài Ngành.

Trong những năm phát triển của mình, Viện đã tổ chức các khóa đào tạo bồi dưỡng về nghiên cứu thị trường, Marketing số, Quản trị nguồn nhân lực… cho các doanh nghiệp cũng như các đối tác Lào, Myanmar. Từ năm 2012 Viện được Học viện giao tổ chức đào tạo cử nhân hệ chính quy với ngành Marketing, ngành Quan hệ công chúng và ngành Marketing chất lượng cao. Đến nay ngành Marketing đã có hàng ngàn sinh viên tốt nghiệp ra trường và có những đóng góp đáng kể trong các ngành kinh tế.

Từ năm 2021 Viện tiếp tục được Học viện giao đào tạo đại học hình thức vừa làm vừa học nhằm đa dạng hóa hình thức học tập và nâng cao cơ hội học tập cho người học/xã hội.

Với định hướng là một cơ sở giáo dục đại học, nghiên cứu và ứng dụng, Viện đã và đang thực hiện đa dạng hóa các phương thức đào tạo, mở rộng các hình thức liên kết đào tạo với các trường đại học, đặc biệt liên kết với nhiều trường đại học quốc tế và các doanh nghiệp nước ngoài, qua đó nâng cao chất lượng đào tạo nhằm đáp ứng đòi hỏi nguồn nhân lực số của đất nước.

Trong 50 năm qua, các cán bộ đã và đang làm việc tại Viện Kinh tế Bưu điện phần lớn đều vững vàng về chuyên môn, tâm huyết với nghề nghiệp, tràn đầy năng lực và bản lĩnh. Trong số họ rất nhiều người đang giữ các cương vị trọng trách ở các đơn vị khác nhau của Nhà nước và các ngành kinh tế - xã hội của đất nước. Đó là một niềm tự hào rất to lớn của Viện Kinh tế Bưu điện.

Nhìn lại hành trình, các thành viên của Viện có thể tự hào về những thành tựu đã đạt được và dấu ấn đã góp phần vào sự phát triển của Ngành và xã hội. Viện đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước..

Trước thời khắc ý nghĩa tròn 50 tuổi. Nửa thế kỷ đã qua là một hành trình thật nhiều cung bậc và màu sắc, nhưng vô cùng ý nghĩa đối với các thế hệ cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên và sinh viên của Viện khi được cống hiến và đóng góp một phần cho sự nghiệp phát triển trong lĩnh vực Thông tin và Truyền thông của đất nước.

Để có Viện Kinh tế Bưu điện như hiện nay, không thể không kể đến những quan tâm, ủng hộ của Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông trước đây, Bộ Khoa học công nghệ, Bộ Giáo dục và đào tạo, Lãnh đạo Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Lãnh đạo Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông qua các thời kỳ đã luôn chỉ đạo, định hướng và tạo điều kiện cho Viện phát triển. Những đóng góp của các thầy cô giáo, các cán bộ, nghiên cứu viên và sinh viên đã và đang gắn bó, đồng hành cùng Viện trong suốt 50 năm qua.

Sự ủng hộ và đóng góp không ngừng từ các nguồn lực nêu trên là đông viên quý báu, giúp Viện Kinh tế Bưu điện vượt qua mọi khó khăn và vững bước phát triển để đồng hành trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình cùng Đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Viện Kinh tế Bưu Điện: 50 năm vươn mình cùng đất nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO