Kinh tế

Việt Nam có cơ hội lớn để sản xuất chíp bán dẫn

Nguyễn Việt 13/09/2024 04:30

Việt Nam có cơ hội lớn để tham gia sản xuất chíp bán dẫn và mốc thời gian thử thách cho việc thành hay bại là trong 3 năm tới.

Tờ The Nation (Thái Lan) mới đây có bài viết phân tích về ngành công nghiệp bán dẫn cho biết, Thái Lan sẽ phải nỗ lực hết mình để thu hút được các nhà sản xuất chất bán dẫn khi cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam và Singapore.

bán dẫn 1
Việt Nam có nhiều lý do để trở thành điểm đến hấp dẫn cho ngành công nghiệp bán dẫn.

Thái Lan, Việt Nam và Singapore đều đang cạnh tranh để trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực trong ngành sản xuất chất bán dẫn. Ngành sản xuất chip hiện đang phát triển mạnh mẽ trên trường quốc tế nhờ nhu cầu về công nghệ trí tuệ nhân tạo và xe điện.

Thực tế, Việt Nam có nhiều lý do để trở thành điểm đến hấp dẫn cho ngành công nghiệp bán dẫn. Đó là, Việt Nam có môi trường thuận lợi và cơ chế chính sách ưu đãi. Chính phủ Việt Nam đã thể hiện sự quyết tâm cao trong việc phát triển hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn thông qua việc thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và các khu công nghệ cao tại TP HCM, Hòa Lạc (Hà Nội) và Đà Nẵng.

Về cơ sở hạ tầng, Việt Nam đã triển khai Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 và sẵn sàng cơ sở hạ tầng giao thông để hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn. Bên cạnh đó, các cơ chế chính sách ưu đãi như Luật Thủ đô.

Nghị định 94/2020/NĐ-CP quy định cơ chế, chính sách ưu đãi cho Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia; Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội miễn, giảm thuế cho chuyên gia, nhà khoa học, người có năng khiếu đặc biệt trong các lĩnh vực ưu tiên… cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Về nguồn nhân lực, Việt Nam có nguồn lao động kỹ thuật dồi dào và nhiều đơn vị nghiên cứu, đào tạo uy tín trong lĩnh vực bán dẫn. Các trường đại học như Đại học Bách khoa Hà Nội (HUST), Đại học Quốc gia TP HCM (VNU-HCM), Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU), và Đại học Đà Nẵng đã và đang đào tạo và phát triển một mạng lưới chuyên gia rộng lớn trong và ngoài nước.

Các cơ sở đào tạo này sẵn sàng kết nối mạng lưới chuyên gia rộng lớn trong và ngoài nước cùng các đối tác doanh nghiệp trong nước như Viettel, Vingroup, FPT, VNPT, VNG, Momo để phát triển nguồn nhân lực dồi dào và có tay nghề cao trong các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ và điện tử.

Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang có “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” phát triển ngành công nghiệp chíp (vi mạch) bán dẫn, thời gian bứt phá chỉ khoảng 3 năm.

bán dẫn 2
Việt Nam đang là điểm đến đầy triển vọng của ngành bán dẫn toàn cầu.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT chia sẻ, nhà sáng lập Nvidia Jensen Huang đã có lời khuyên, Việt Nam có 1 triệu người làm công nghệ thông tin, 500.000 người làm phần mềm, nhân lực này bước vào làm trí tuệ nhân tạo (AI) và bán dẫn sẽ giúp đưa đất nước phát triển. Còn một nguồn lực mà Việt Nam có thể tận dụng được đó là cộng đồng Việt kiều tại Mỹ.

“Có nhiều người đã tự thân lập nghiệp, làm chíp tại Mỹ và họ đang tìm mọi cách hỗ trợ, chia sẻ, truyền nghề cho giới trẻ trong nước. Điều này lý giải phần nào đến nay chúng ta có cộng đồng trên 5.000 người Việt Nam làm chíp bán dẫn”, ông Trương Gia Bình nói.

Vẫn theo ông Trương Gia Bình, cuộc chiến vi mạch ngày càng khốc liệt khi năm 2023 Mỹ ra đạo luật Chips và Khoa học, trong đó dành 52 tỷ USD thúc đẩy sản xuất chíp, bảo đảm Mỹ có thể làm chủ con chíp, không phụ thuộc vào bất cứ quốc gia nào.

Trong bối cảnh đó, cùng với Ấn Độ, Mexico... Việt Nam có cơ hội lớn để tham gia sản xuất chíp và mốc thời gian thử thách cho việc thành hay bại là trong 3 năm tới.

"Việt Nam đang có thiên thời, địa lợi, nhân hòa để phát triển ngành công nghiệp này. Đó là tận dụng nguồn lực kỹ sư công nghệ thông tin, phần mềm, thiết kế vi mạch hiện có và sự quyết tâm của Chính phủ và cộng đồng công nghệ…”, ông Trương Gia Bình nhận định.

Ông Nguyễn Thanh Yên, Tổng Giám đốc CoAsia Semi Việt Nam (doanh nghiệp có vốn đầu tư Hàn Quốc) khuyến nghị, Việt Nam chỉ nên tập trung thiết kế chíp bán dẫn, vì việc chọn làm thiết kế chíp sẽ tốn ít nguồn lực đầu tư, đỡ rủi ro và đòi hỏi kỹ thuật thấp hơn.

“Đồng thời, thiết kế chíp lại thích hợp với những nước có dân số trẻ, giỏi về các môn STEM (toán, khoa học công nghệ) như Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam chỉ nên tham gia sản xuất trong chuỗi cung ứng chíp bán dẫn toàn cầu”, ông Nguyễn Thanh Yên bày tỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Việt Nam có cơ hội lớn để sản xuất chíp bán dẫn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO