Theo thống kê, dân số nước ta mua sắm online với 49,3 triệu người - tương đương 41% tỷ lệ dân số. Đồng thời, Việt Nam cũng là quốc gia có tỷ lệ dân số mua sắm online cao nhất Đông Nam Á.
>>> Liệu doanh nghiệp đã chuẩn bị đủ nguồn nhân lực tích hợp cho AI tạo sinh?
Theo dữ liệu thống kê của Bộ Công Thương, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử bình quân 16-30% một năm. Doanh số bán lẻ qua kênh bán hàng trực tuyến Việt Nam có thể đạt 20,5 tỷ USD năm nay. Số liệu nghiên cứu của Google, Temasek & Bain cũng cho thấy, kinh tế số của Việt Nam tăng ở mức hơn 20% trong hai năm qua, cao nhất Đông Nam Á.
Ông Trần Văn Trọng, Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM) nhận định, Việt Nam đang trong giai đoạn bùng nổ kinh doanh qua sàn thương mại điện tử khi số người tiêu dùng trực tuyến mới tiếp tục tăng về số lượng, chất lượng. Mua nhiều hơn với giá trị mua tăng, kỹ năng mua sắm trực tuyến cũng thành tạo hơn.Song, thói quen mua hàng của người dân cũng dần thay đổi cùng sự xuất hiện của các xu hướng mua sắm mới.
Theo ông Đặng Anh Dũng, Phó tổng giám đốc Lazada Việt Nam, thế hệ tiêu dùng mới am hiểu công nghệ, sẵn sàng chi trả là thành phần quan trọng nhất của kinh tế số. Thống kê của sàn thương mại điện tử này cho thấy 43% người dùng trẻ như GenZ truy cập ứng dụng mua sắm hàng ngày. Mỗi người mua trung bình 7 ngành hàng trên Lazada trong giai đoạn 2021-2023.
"Người dùng trẻ ngày càng khó tính hơn, họ có xu hướng tìm kiếm các giá trị khi mua hàng và sẽ thay đổi thương hiệu nếu thiếu chất lượng", ông Dũng cho hay.
>>> Kinh doanh vận tải thời công nghệ số
Trên thực tế, thương mại điện tử đang mang đến cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn hơn về sản phẩm, dịch vụ. Để giữ chân người dùng, người bán cần mang lại nhiều trải nghiệm hơn cho họ, gồm gia tăng giá trị sản phẩm và dịch vụ bền vững. Bên cạnh đó, đây là cơ sở khiến "làn sóng" khởi nghiệp kinh doanh online ngày càng rõ nét. Với hàng triệu người kinh doanh online, trong đó phần lớn không hề có cửa hàng.
Liên quan đến vấn đề hàng giả tràn lan trên các sàn thương mại điện tử, theo Thượng tá Phạm Công Hải - đại diện Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an thông tin, trên không gian mạng hiện nay có rất nhiều hình thức vi phạm liên quan đến thương mại điện tử. Vi phạm điển hình là bán hàng giả của các nhãn hàng lớn liên quan đến hàng thời trang, mỹ phẩm, đồ gia dụng, đồ điện tử... Bên cạnh đó, tình trạng rao bán vũ khí, công cụ hỗ trợ, các thiết bị ghi âm, ghi hình, định vị... đã và đang diễn ra tràn lan. Các đối tượng sử dụng nhiều tài khoản mạng xã hội ảo rao bán trong các hội nhóm kín khí...
Hơn nữa, theo đại diện Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, nguồn hàng vũ khí, công cụ hỗ trợ được rao bán trên mạng chủ yếu nhập lậu từ các cửa khẩu, các tuyến đường biên giới giáp ranh với Việt Nam. Các đối tượng thường vận chuyển hàng hóa vi phạm qua xe khách liên tỉnh, giao hàng tiết kiệm... Các gói hàng không ghi địa chỉ người gửi; khai báo không đúng hàng hóa gửi để qua mặt lực lượng chức năng.
Bên cạnh các hành vi kinh doanh hàng giả, nhiều đối tượng còn sử dụng các nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội công khai nhận làm giấy tờ giả; lôi kéo người dân tham gia đầu tư tài chính, đầu tư ngoại hối với hứa hẹn lãi suất cao, lợi nhuận lớn tại các vùng quê.
“Qua rà soát trên mạng, Cục bước đầu phát hiện một số đối tượng thành lập nhóm kín chuyên trao đổi mua bán ma túy, với phương thức thủ đoạn là: Tạo các tài khoản ảo trên mạng xã hội facebook, telegram, zalo để quảng cáo, rao bán các chất ma túy...”, Thượng tá Phạm Công Hải chia sẻ.
Trước vấn nạn trên, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cho rằng, chống hàng giả trên thương mại điện tử là vấn đề vô cùng quan trọng, cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Đây không chỉ là nhiệm vụ của riêng Bộ Công Thương mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội, trên hết là của lực lượng Quản lý thị trường.
Do vậy, để phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm trên thương mại điện tử phải coi mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử là một trận địa, không gian ảo cũng như đời thật để chủ động đấu tranh, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống quản lý không gian mạng, hệ thống giám sát, cảnh báo nguy cơ, rủi ro cho chuyển đổi số xuyên suốt, thống nhất từ Trung ương tới Quản lý thị trường các địa phương để kịp thời xử lý các sự cố, các vụ việc vi phạm.
>>> Doanh nghiệp Việt tiên phong phát triển mô hình kinh doanh - quản trị bền vững
Về chính sách dành cho thương mại điện tử, Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử cho biết: “Các thương nhân, đặc biệt là doanh nghiệp thương mại điện tử cũng tích cực chuyển đổi số để thích ứng với xu thế kinh doanh trong giai đoạn mới. Nhiều chính sách mới cho bán hàng online được ra đời. Việc nộp thuế sẽ bị quản chặt hơn. Hàng giả, hàng nhái sẽ bị xử lý nghiêm.
Dự kiến quy mô kinh tế số sẽ đạt 30 tỷ USD năm nay, và sẽ tăng lên 45 tỷ USD vào 2025. Trong đó, riêng thương mại điện tử có thể đạt 24 tỷ USD vào 2025 và tăng lên 60 tỷ USD vào năm 2030.
Với đà tăng mạnh mẽ này, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương - ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, đât là thời điểm cho ngành xây dựng mô hình, chiến lược phát triển mới, giúp doanh nghiệp hồi phục và mở rộng thị trường sau khi khó khăn qua đi.
Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng có cùng quan điểm khi nhắc đến những bất cập của ngành, thương mại điện tử vẫn tồn tại nhiều yếu tố tiêu cực như nhiều đối tượng kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc với quy mô lớn. Để duy trì đà tăng và bảo vệ người mua qua kênh trực tuyến, Bộ sẽ rà soát các Luật Giao dịch điện tử, Luật Bảo vệ người tiêu dùng và tăng phân cấp, phân quyền cho địa phương nhằm quản lý toàn diện giao dịch giữa người mua và bán trên mạng.
Có thể bạn quan tâm
08:50, 16/11/2023
10:01, 09/10/2023
11:00, 27/02/2023
03:00, 21/02/2023
15:54, 05/11/2020