Các yếu tố nhân khẩu học khác cũng đang tạo điều kiện đẩy mạnh tiềm năng hình thành lực lượng lao động chất lượng cao và có khả năng phục hồi nhanh trong những năm tới.
Đầu tư vào nguồn nhân lực chất lượng cao là điều cần thiết để đảm bảo sự phát triển của một nền kinh tế năng động, sáng tạo và dựa trên tri thức, qua đó tạo điều kiện cho tăng trưởng bền vững lâu dài trong tương lai.
Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% vào năm 2021 và 6,5% vào năm 2022, và việc dòng vốn đầu tư vào Việt Nam cũng như hoạt động xuất khẩu hàng hóa tiếp tục gia tăng còn cho thấy Việt Nam đang là một trong những nền kinh tế “khỏe mạnh” nhất trong khu vực ASEAN và thế giới. Điều này phản ánh khả năng phục hồi và thích ứng của các tổ chức doanh nghiệp nói chung, của lực lượng lao động và mỗi cá nhân người lao động nói riêng, cũng như sự linh hoạt của họ khi đối mặt với một đại dịch chưa từng có như hiện nay.
Các yếu tố nhân khẩu học khác cũng đang tạo điều kiện đẩy mạnh tiềm năng hình thành lực lượng lao động chất lượng cao và có khả năng phục hồi nhanh trong những năm tới. Với lực lượng lao động có trình độ và kỹ năng cao, với ưu thế cạnh tranh về chi phí cũng như chí hướng tiến thủ, Việt Nam được xem là một thị trường sôi động và hấp dẫn.
Các hiệp định thương mại tự do mới với những đối tác như Liên minh châu Âu (EVFTA) và Vương quốc Anh (UKVFTA) tiếp tục đem đến cơ hội kinh tế mới, đồng thời thúc đẩy các nhu cầu mới liên quan tới đảm bảo chất lượng, năng suất và lực lượng lao động có tay nghề cao.
Cam kết hướng tới môi trường kinh doanh bình đẳng và hấp dẫn cũng giúp Việt Nam thăng hạng trong Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, cùng với đó là các nỗ lực tập trung và có mục tiêu rõ ràng nhằm đẩy mạnh năng suất lao động để đáp ứng yêu cầu chất lượng của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Việc thế giới đang quan tâm tới Việt Nam như một điểm đến kinh doanh hấp dẫn đồng nghĩa với việc nhu cầu về con người và lực lượng lao động có kỹ năng thiết yếu sẽ tăng lên. Việt Nam cần sẵn sàng đáp ứng nhu cầu này, và cùng với trọng tâm phát triển Công nghiệp 4.0, phải cung cấp đủ lực lượng lao động kỹ năng cao. Cần phải tháo gỡ những nút thắt hiện đang tồn tại về nguồn nhân lực và nâng cao năng lực của lực lượng lao động hiện nay.
Thực tế đang ngày càng có nhiều sáng kiến mở rộng đào tạo nghề và phát triển kỹ năng nhằm gắn kết, hiệp lực ngành giáo dục và khối doanh nghiệp, qua đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam và giảm tình trạng thiếu hụt kỹ năng. Hoạt động đào tạo nghề và giáo dục đại học càng phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp bao nhiêu thì khả năng chuyển giao các bộ kỹ năng trong tương lai sẽ càng dễ dàng bấy nhiêu.
Sự gia tăng đầu tư nước ngoài và chuyển dịch các cơ sở sản xuất từ nước ngoài vào Việt Nam cũng đẩy mạnh nhu cầu về năng lực quản trị nguồn nhân lực, vốn rất cần thiết để có thể thực hiện bài bản các công tác tuyển dụng nhân tài mới, song song với đào tạo và cố vấn nhân tài hiện tại.
Mới đây tôi đã có dịp trò chuyện với bà Võ Kim Thoa, Trưởng phòng nhân sự Deloitte Việt Nam. Theo quan sát của bà Thoa, bản chất của quản trị nhân sự đã thay đổi đáng kể và hiện đang đóng vai trò quan trọng hơn trong việc thúc đẩy chiến lược kinh doanh và chuyển đổi trong doanh nghiệp.
Bà Thoa và các đồng nghiệp trong ngành nhân sự cũng chứng kiến sự trưởng thành của các chức năng quản trị nhân sự, cũng như sự xuất hiện của các vai trò như xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng, hoạch định lực lượng lao động và gắn kết nhân tài – những công việc đang hỗ trợ thêm cho việc nuôi dưỡng lực lượng lao động chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu của tổ chức và ngành nghề hoạt động.
Tất cả những điều trên phản ánh giá trị mà nguồn vốn con người có thể mang lại cho tiến trình phục hồi và tăng trưởng hơn nữa kinh tế Việt Nam trong tương lai. Quản trị và giám sát nguồn nhân lực không chỉ là nhiệm vụ thuộc về mảng vận hành mà đã trở thành mối quan tâm mang tính chiến lược sâu sắc cho cả cộng đồng doanh nghiệp và đất nước.
Khả năng khai thác năng lực, nâng cao kỹ năng và thu hút được những người tài giỏi nhất sẽ không chỉ giúp khắc phục được điểm nghẽn về nguồn vốn con người, mà còn cho phép hiện thực hóa lợi thế cạnh tranh chiến lược về nguồn nhân lực của đất nước.
Có thể bạn quan tâm
COVID-19 hình thành ba xu hướng chính trong quản lý nguồn nhân lực
04:00, 28/01/2021
Đổi mới sáng tạo để giải bài toán năng suất: Nâng “chất” nguồn nhân lực
11:00, 22/01/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin
19:00, 08/01/2021
Giải pháp đào tạo nguồn nhân lực logistics trong bối cảnh chuyển đổi số
04:30, 18/12/2020
Cơn “khát” nguồn nhân lực logistics chất lượng cao
11:00, 09/12/2020