Việt Nam lọt vào “mắt xanh” của nhiều “ông lớn” đa quốc gia

THANH BÌNH 10/07/2020 06:41

Google chọn tỉnh Bắc Ninh để đầu tư sản xuất Pixel, Amazon và Home Depot tăng cường tìm nguồn cung ứng tại Việt Nam, Apple quyết định di dời một phần hoạt động sản xuất sang Việt Nam.

Google chọn tỉnh Bắc Ninh để đầu tư sản xuất Pixel.

Google chọn tỉnh Bắc Ninh để đầu tư sản xuất Pixel.

Thế giới ghi nhận

Đại dịch COVID-19 đã và đang hoành hành khắp thế giới, tấn công các nước phát triển cũng như đang phát triển. Các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU đang đối mặt với tình trạng suy thoái sâu, chuỗi cung ứng gián đoạn, giá dầu thô giảm mạnh, thất nghiệp tăng cao… Cùng với đó, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung vẫn tiếp diễn, căng thẳng chính trị gia tăng giữa Mỹ – Iran, bất đồng trên bán đảo Triều Tiên đã tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam.

Trong hoàn cảnh khó khăn chung như vậy, GDP của Việt Nam vẫn tăng trưởng dương (1,81%), vượt qua các nền kinh tế lớn như Mỹ (-5,9%), Nhật Bản (-5,2%) rơi vào suy thoái kể từ năm 2015, khu vực đồng tiền chung euro (-7,5%), Trung Quốc (tăng trưởng -6,8%), Hàn Quốc (-1,4%).

Ngay trong khu vực Đông Nam Á, tăng trưởng kinh tế cũng không mấy khả quan như việc Bộ Thương mại Singapore dự báo kinh tế nước này năm nay sẽ tăng trưởng âm (từ -7% đến -4%).  Thậm chí, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán tăng trưởng toàn cầu có thể giảm ở mức âm (-4,9%).

Rõ ràng, con số tăng trưởng kinh tế 1,81% của Việt Nam tuy nhỏ nhưng rất giá trị và phải khó khăn lắm mới giữ được nền kinh tế tăng trưởng dương giữa bao nhiêu quốc gia tăng trưởng âm kể trên. Vì thế, không phải ngẫu nhiên Việt Nam được nhiều tờ báo nước ngoài ngợi ca như vậy.

Chẳng hạn: Tờ Thời báo Ấn Độ (Times of India) có bài bình luận về những thành tựu rất đáng để học tập của Việt Nam trong nửa đầu năm 2020, một năm đặc biệt của thế giới.

“Với dân số 97 triệu người và một đường biên giới tấp nập giao thương với Trung Quốc, nhưng tới lúc này, Việt Nam chỉ có hơn 350 ca nhiễm SARS-CoV-2 và không có bệnh nhân nào tử vong. Kiểm soát được dịch bệnh, Việt Nam đã có thể hưởng lợi từ việc sớm quay trở lại với trạng thái bình thường mới. Đó là thu hút các khoản đầu tư lớn của các tập đoàn đa quốc gia đang tìm đường sắp xếp lại chuỗi cung ứng. 

Sự thật là chính lòng yêu nước đã giúp huy động cả xã hội Việt Nam cùng chống dịch. Sẽ không có điều này nếu không có một bộ máy Chính phủ hiệu quả. Giờ đây, người Việt Nam không khỏi cảm thấy tự hào khi đất nước mình đã vượt qua cả thế giới trong kiểm soát COVID-19” – Trích từ Times of India.

Tờ The Economist thì viết: “Việt Nam thuộc nhóm nền kinh tế an toàn sau đại dịch COVID-19 nhờ các chỉ số tài chính ổn định; Ngân hàng thế giới cũng khẳng định “mặt trời vẫn tỏa sáng ở Việt Nam”. Vậy thì Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2020 nếu như nhân dân Việt Nam đoàn kết, thực hiện tốt các giải pháp kinh tế của Nhà nước”.

Trang Sohu của Trung Quốc đăng tải bài viết khen ngợi công cuộc chống dịch của Việt Nam. Theo Sohu, trên thế giới chỉ có rất ít quốc gia có thể làm được giống như Việt Nam, điều này thật sự đáng gọi là một kỳ tích, rằng: “Trên thế giới chỉ có rất ít quốc gia có thể làm được giống như Việt Nam nhưng đó là vì các nước ấy dân số ít, tỉ lệ nhiễm bệnh thấp. Còn Việt Nam dân số gần 100 triệu người, nhân khẩu rất lớn. Trong tình huống như vậy, Việt Nam vẫn có thể đạt thành tích như ngày hôm nay, điều này thật sự đáng gọi là một kỳ tích. Việt Nam có thể đạt được thành tích như vậy là vì họ đã sử dụng các biện pháp hữu hiệu và đoàn kết”.

Chuyên gia kinh tế Edward Teather (chuyên về khu vực Đông Nam Á của UBS - Thụy Sĩ) mới đây nhận định: “Tuy Việt Nam chịu một số tác động từ dịch COVID-19 nhưng là một trong những điểm sáng nhất trong khu vực về triển vọng kinh tế. Doanh số bán lẻ, nhập khẩu và sản xuất công nghiệp đều tăng trong tháng 6, tốt hơn so với hầu hết các nền kinh tế trong khu vực” - Đài CNBC ngày 8/7 dẫn lời ông Teather.

Thực tế trên cho thấy, Việt Nam đang được thế giới đánh giá cao khi ngăn chặn và kiểm soát đại dịch COVID-19 rất nhanh chóng và hiệu quả. Lợi thế này giúp Việt Nam hưởng lợi, nhanh chóng chuyển sang giai đoạn mới, thu hút dòng đầu tư khi các tập đoàn đa quốc gia đang sắp xếp lại các chuỗi cung ứng.

Dồn lực cho tăng trưởng

Đúng là, toàn bộ hệ thống chính trị, Chính phủ và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ưu tiên tính mạng và sức khỏe của người dân lên hàng đầu trong việc phòng chống và dập dịch, sẵn sàng hy sinh một phần lợi ích kinh tế.

Song song, Thủ tướng cũng kiên quyết đề nghị: “Chúng ta không thể để nền kinh tế tăng trưởng quá chậm. Chỉ có tăng trưởng mới có thể giúp tạo việc làm, giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội”. Thế nên, việc Việt Nam đạt được mức tăng trưởng nói trên có thể xem là thành quả rất đáng khích lệ.

Cộng thêm “con át chủ bài” chống dịch COVID-19 thành công vừa qua thì cánh cửa mở ra chào đón nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam là rất lớn.

Theo đó, Việt Nam lọt vào mắt xanh của những ông lớn đa quốc gia. Chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều “ông lớn” dời đại bản doanh khỏi thị trường Trung Quốc và “nhắm” sang Việt Nam. Sau Google chọn tỉnh Bắc Ninh để đầu tư sản xuất Pixel thì Amazon và Home Depot cũng đang tăng cường tìm nguồn cung ứng tại Việt Nam. Và đến nay, Apple quyết định di dời một phần hoạt động sản xuất sang Việt Nam.

Hiện có khoảng 50 công ty đa quốc gia, cả trong và ngoài Trung Quốc đã quyết định hoặc lên kế hoạch di dời toàn bộ hoặc một phần hoạt động sản xuất. Trong cuộc đại chuyển dịch này, cơ hội chia đều cho các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, song Việt Nam có nhiều lợi thế từ những hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký trong những năm qua, bao gồm FTA với Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ tiếp nhận hàng loạt dây chuyền sản xuất, công nghệ, kỹ thuật, kỹ sư giỏi và “món hời” hậu hĩnh nhất chính là hàng trăm hàng nghìn người lao động Việt Nam có việc làm, tăng nguồn thu nhập..v..v.

Trước đòi hỏi của thực tiễn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhanh chóng yêu cầu tập trung rà soát các quy định pháp luật, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cắt giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp và đề nghị các bộ, ngành địa phương đề xuất kiến nghị cụ thể, trong đó nêu rõ cần sửa đổi quy định pháp luật cụ thể, cắt giảm thủ tục hành chính, xây dựng cơ chế khuyến khích mới để tận dụng cơ hội phục hồi phát triển trong điều kiện hiện nay.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: “Chúng ta cứ quyền anh, quyền tôi, cứ gây khó khăn khó dễ cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân thì không bao giờ tạo được động lực phát triển”.

Trong bối cảnh khó khăn chung, nhưng rõ ràng chúng ta cũng đã tìm ra được những lợi thế nhất định, trong đó chưa bao giờ niềm tin của các nhà đầu tư vào triển vọng lâu dài của nền kinh tế Việt Nam tăng cao như hiện nay.

Chính vì vậy, đây là thời điểm chính quyền, các ngành cần phát huy tinh thần “tiến công, sáng tạo”, cùng cố gắng tiến lên để phục hồi kinh tế. Đây không phải là lúc kêu khó, kêu khổ. Nói như Thủ tướng, chúng ta phải dùng mọi biện pháp thúc đẩy cả “ba con ngựa kéo” đó là “đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng” để đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất.

Có thể bạn quan tâm

  • Đón “sóng” đầu tư FDI: Thận trọng chọn lọc "đại bàng, chim sẻ"

    05:00, 01/07/2020

  • VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG: "Đại bàng ngoại" và "chim sẻ Việt"

    14:36, 29/06/2020

  • Vì sao HSBC nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam lên gần gấp đôi?

    04:00, 09/07/2020

  • Thủ tướng yêu cầu góp lực đẩy cho "cỗ xe tam mã" tăng trưởng

    15:13, 07/07/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Việt Nam lọt vào “mắt xanh” của nhiều “ông lớn” đa quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO