Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam cần hợp tác với FIATA để được tham vấn cơ chế phát triển logistics “đi sau về trước” theo kịp xu thế chung của thế giới, giúp giảm chi phí, nâng sức cạnh tranh.
>>>Chủ tịch FIATA làm việc với UBND TP Hải Phòng mở ra cơ hội phát triển logistics
Tại buổi gặp gỡ giữa đoàn FIATA và VLA với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ GTVT, Bộ KHĐT và Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn FIATA trong thời gian qua đã luôn là cầu nối quan trọng góp phần thúc đẩy hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam với các Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp dịch vụ logistics trên thế giới, góp phần thúc đẩy phát triển ngành logistics, qua đó giảm chi phí, giá thành, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp và sản phẩm, dịch vụ.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh chính hoan nghênh việc Liên đoàn FIATA đến Việt Nam và làm việc với các cơ quan chức năng đồng thời thể hiện sự quan tâm tới Việt Nam. Thủ tướng mong muốn quan hệ của Việt Nam với Liên đoàn FIATA ngày càng thắt chặt và hiệu quả.
Thủ tướng cho biết hiện nay Việt Nam đang xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế thực chất và hiệu quả trong đó có logistics. Tuy nhiên, sự phát triển của ngành logistics còn chưa theo kịp thế giới, chi phí logistics còn cao so với mức trung bình của thế giới. Do đó, Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam cần hợp tác với FIATA để được tham vấn cơ chế phát triển logistics Việt Nam “đi sau về trước” theo kịp thời đại, theo kịp xu thế chung của thế giới và quan trọng nhất giúp giảm chi phí, tạo giá thành thấp cho sản phẩm và nâng sức cạnh tranh trên trường quốc tế.
Đồng thời giúp đỡ Việt Nam đào tạo về nguồn nhân lực, quản trị tổ chức, tham vấn vấn đề công nghệ phát triển... Đặc biệt, tham vấn về quy hoạch phát triển, về mối quan hệ với quốc tế thế nào để thu hút các bạn hàng. “Liên đoàn có quan hệ với hơn 40.000 doanh nghiệp trên toàn cầu sẽ góp phần mở rộng quan hệ của chúng tôi. Cuối cùng là về giá thành phải giảm để tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ cũng chia sẻ Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển ba đột phá chiến lược bao gồm về hạ tầng để góp phần giảm chi phí logistics, nhất là về hạ tầng giao thông, hạ tầng số. Bên cạnh đó là đột phá liên quan đến cải cách thủ tục hành chính và đào tạo nguồn nhân lực, đột phá về thể chế tạo thuận lợi cho hội nhập phát triển.
Chia sẻ về hệ thống cảng biển của Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Việt Nam có điều kiện, thế mạnh để phát triển, tăng khả năng kết nối với quốc tế bằng đường biển.
Theo đó, vận tải biển là phương thức hiệu quả nhất hiện nay, Việt Nam đang hình thành đội tàu và hình thành đội ngũ nhân lực logistics chuyên nghiệp. Việt Nam cũng đang phát triển một số hệ thống cảng lớn như Cái Mép - Thị Vải, Lạch Huyện, Cần Giờ được nhiều nhà đầu tư quan tâm…
“Chúng tôi rất vui mừng khi được gặp Chủ tịch FIATA để xây dựng tầm nhìn xa và rộng hơn với tư duy về đổi mới trong phát triển logistics. Mục tiêu của chúng tôi là đưa chi phí logistics về tỷ trọng tương ứng với GDP mức tốt hơn”, đây là điểm Thủ tướng mong muốn FIATA hỗ trợ.
>>>FIATA RAP 2023: Cơ hội kết nối cho doanh nghiệp logistics Việt
Chia sẻ với Thủ tướng, Chủ tịch FIATA Ivan Petrov chia sẻ về những ấn tượng thực tế trong sự phát triển của logistics vào kinh tế Việt Nam, đặc biệt như tại thành phố cảng Hải Phòng, đánh giá cao sự phát triển nhanh chóng của lĩnh vực logistics tại Việt Nam và tầm nhìn, mục tiêu của Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực này, có nhiều điểm tương đồng với tầm nhìn của FIATA. FIATA mong muốn tăng cường hợp tác, hỗ trợ với Việt Nam.
Đặc biệt, nhắc tới việc Việt Nam mà đại diện là Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) sẽ đăng cai tổ chức Đại hội thường niên FIATA vào năm 2025 (FWC 2025) tại Hà Nội, ông Ivan Petrov mong muốn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo các Bộ ngành liên quan tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức Đại hội thành công.
Thủ tướng đánh giá cao FIATA đã hỗ trợ VLA đăng cai tổ chức Đại hội thường niên FIATA vào năm 2025 (FWC 2025) tại Hà Nội. Thủ tướng đề nghị lãnh đạo Liên đoàn FIATA quan tâm, ủng hộ và cùng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Việt Nam để tổ chức thành công sự kiện quan trọng này. Thủ tướng cũng khẳng định Việt Nam có kinh nghiệm tổ chức các sự kiện quốc tế như APEC, ASEAN, hay các sự kiện quan trọng như cuộc gặp giữa Hoa Kỳ và Triều Tiên… Đồng thời, Việt Nam có kinh nghiệm điều kiện và vị trí thuận lợi để các nước di chuyển đến với các đường bay tới các trung tâm lớn của thế giới. Việt Nam cũng có nhiều nơi địa điểm tổ chức các hội nghị quốc tế lớn với nhiều di sản thế giới và kỳ quan… Thủ tướng khẳng định sự kiện cũng góp phần để Việt Nam học hỏi kinh nghiệm, tăng cường cơ hội hợp tác phát triển, góp phần thúc đẩy phát triển, số hóa, xanh hóa ngành logistics tại Việt Nam, giúp Việt Nam trở thành một trung tâm lớn hơn về logistics và phát triển bền vững.
Thủ tướng khẳng định sẵn sàng cho việc tổ chức FWC 2025 tại Hà Nội, đồng thời sẽ có chỉ đạo các bộ ngành chức năng như Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ KH&ĐT, Văn phòng Chính phủ cũng như các doanh nghiệp phối hợp tổ chức thành công sự kiện quan trọng này.
Chia sẻ thêm về những khuyến nghị cho sự phát triển logistics tại Việt Nam, Chủ tịch FIATA đề xuất Việt Nam xây dựng Chiến lược quốc gia về phát triển dịch vụ logistics để làm kim chỉ nam cho các giải pháp, kế hoạch hành động và đảm bảo tính tổng thể. Ngoài ra, từ kinh nghiệm của các quốc gia khác, FIATA có đề xuất Việt Nam nên xem xét đưa hoạt động logistics đặt dưới sự quản lý của một ủy ban chuyên trách.
Bên cạnh đó, cần nâng cao vai trò của khu vực tư nhân trong công tác điều hành vĩ mô về logistics, ví dụ như tăng thêm số lượng thành viên đến từ khu vực tư nhân ở ủy ban 1899 trong đó có thành viên của FIATA tại Việt Nam là Hiệp hội VLA.
Mong Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư lĩnh vực logistics vào tìm hiểu, khảo sát xây dựng đề án, phát triển, mở rộng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Đặc biệt tại các địa phương có lợi thế, quan tâm tạo quỹ đất, thông thoáng về thủ tục đầu tư….
Đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm phát triển lĩnh vực đường sắt. Bởi vị trí của Việt Nam với Trung Quốc – công xưởng lớn nhất thế giới cũng có ý nghĩa rất trọng yếu trong phát triển logistics. Hiện tại kênh kết nối bằng đường bộ giữa các vùng sản xuất của Việt Nam với Trung Quốc đã rất tốt, ngoài ra, với việc đầu tư tuyến đường sắt liên vận kết nối sang Trung Quốc và châu Âu, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam với các thị trường lớn này sẽ càng thuận lợi, nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Có thể bạn quan tâm
13:01, 12/07/2023
15:02, 28/06/2023
01:00, 12/06/2023
04:00, 21/03/2023
14:14, 16/09/2022
14:29, 12/09/2022