Việt Nam ra sao khi Đông Nam Á định hướng dòng chảy FDI toàn cầu?

Theo Trí thức trẻ 10/02/2019 20:07

Khi lợi thế chi phí của của Trung Quốc giảm đi, lượng lớn vốn FDI sẽ chảy về các quốc gia như Indonesia, Việt Nam, Campuchia và thậm chí cả Myanmar.

Đông Nam Á đang định hướng dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng cao và chi phí sản xuất thấp đang củng cố vị thế của ASEAN như là một địa điểm hấp dẫn cho các công ty đa quốc gia.

Nhà tài phiệt người Anh James Dyson cho hay, quyết định chuyển trụ sở công ty Dyson - nổi tiếng với máy hút bụi - sang Singapore không phải vì Brexit. Ông chỉ đang tìm kiếm một khu vực tăng trưởng ổn định hơn. Động thái này diễn ra sau một thông báo vào tháng 10 rằng Dyson sẽ sản xuất xe điện ở Singapore - nơi tăng trưởng GDP hàng năm dự báo ở mức 6,1 % từ nay đến năm 2023 (theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế).

Theo Hội nghị về Thương mại và Phát triển của Liên Hợp Quốc, bất chấp FDI toàn cầu giảm 19%, năm 2018, châu Á là khu vực duy nhất có đầu tư tăng trưởng và lượng đầu tư chiếm tới 1/3 tổng đầu tư toàn cầu.

Tập đoàn bán lẻ Nhật Bản Aeon đã xây dựng trung tâm mua sắm lớn thứ hai tại Campuchia để mở rộng thị trường. Trong năm nay, họ sẽ phát triển thêm các trung tâm mua sắm mới tại Hà Nội và Bogor, Indonesia. "Các nước Đông Nam Á nói chung đã cho thấy nền kinh tế tăng trưởng cao và ổn định trong tương lai" - một phát ngôn viên của Aeon Asia giải thích.

Nhà sản xuất xe máy Hoa Kỳ Harley Davidson đã xây dựng một nhà máy mới ở Thái Lan, cho dù ông Trump cáo buộc rằng hành vi đó làm chảy máu tài nguyên quốc gia.

"Lực lượng lao động chất lượng cao dồi dào ở cảng Hải Phòng là sự lựa chọn hoàn hảo để mở rộng khả năng cạnh tranh toàn cầu của LG." - phát ngôn viên của LG Ken Hong trả lời Nikkei Asian Review. "Chúng tôi sẵn sàng phát triển hoạt động tại Việt Nam và toàn khu vực."

Ở các quốc gia châu Á khác, Walmart Hoa Kỳ đã mua lượng cổ phần trị giá 18 tỷ đô la tại Flipkart của Ấn Độ, trong khi Trung Quốc đang tham gia vào một dự án hóa dầu trị giá 15 tỷ đô la tại vương quốc giàu dầu mỏ Brunei. Taco Bell cho biết họ có kế hoạch mở hàng trăm nhà hàng mới trên khắp châu Á. Tháng trước, nhà sản xuất đồ nội thất Thụy Điển Ikea tuyên bố sẽ rót gần nửa tỷ USD vào một dự án bán lẻ và kho chứa tại Hà Nội, mặc dù công ty này cho biết số tiền đầu tư chưa được hoàn tất.

"Tại Việt Nam, chúng tôi tin rằng có thể đóng góp tích cực cho cộng đồng khi cung cấp đồ nội thất gia đình bền, rẻ và đẹp", người phát ngôn của Ikea nói. "Chúng tôi sẵn sàng phát triển hoạt động tại Việt Nam và toàn khu vực".

Đây chỉ là một số dự án phản ánh vị thế mới nổi trong lĩnh vực đầu tư của châu Á. Trong số 694 tỷ USD vốn đầu tư vào các nền kinh tế đang phát triển năm ngoái, 502 tỷ USD đã đến châu Á. 5 trong số 10 quốc gia và vùng lãnh thổ thu hút FDI hàng đầu ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương là: Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore, Úc và Ấn Độ.

Nhưng Đông Nam Á mới là "động cơ tăng trưởng chính" của FDI toàn thế giới, theo UNCTAD, với mức tăng 11% lên mức kỷ lục 145 tỷ USD. Vốn FDI không chỉ xếp trên cả châu Âu, mà FDI vào ASEAN còn nhỉnh hơn một chút so với Trung Quốc và gần gấp ba lần so với Nam Á.

"Đông Nam Á đang ở vị trí độc nhất," Pushan Dutt, giáo sư tại trường kinh doanh INSEAD ở Singapore, khẳng định. "Họ cung cấp những điều kiện thuận lợi về nhân khẩu học, kinh tế tăng trưởng nhanh, chi phí sản xuất thấp và quản trị tương đối tốt. Thêm vào đó, tất cả các chuỗi giá trị toàn cầu đều chạy qua châu Á, khiến Đông Nam Á trở nên đặc biệt hấp dẫn đối với các công ty đa quốc gia".

Thái Lan đã thu về 11 tỷ USD FDI vào năm ngoái, gần gấp bốn lần so với năm trước. Việt Nam nhận được khoảng 19 tỷ USD.

Khoảng một nửa số vốn FDI ở Đông Nam Á đã về tay "Singapore - điểm đến đầu tư hấp dẫn nhờ môi trường pháp lý thân thiện với doanh nghiệp và hiệu quả kinh tế vĩ mô mạnh mẽ", Soon Ghee Chua, lãnh đạo Southeast Asia Unit tại A.T Kearney - tổ chức công bố Chỉ số niềm tin FDI toàn cầu hàng năm. Singapore cũng "giúp các nhà đầu tư tiếp cận dễ dàng hơn với các thị trường mới nổi lân cận", Cedric Chehab, Trưởng bộ phận Phân tích rủi ro quốc gia và Chiến lược toàn cầu tại Fitch Solutions.

Theo Báo cáo đầu tư ASEAN 2018, 19% vốn đầu tư vào Đông Nam Á năm 2017 là đầu tư xuyên biên giới trong khối. Gần 70% trong số này là từ Singapore đến chín quốc gia thành viên khác, đặc biệt là Indonesia. Tuy nhiên, đầu tư nước ngoài vào Indonesia cũng đang giảm. Theo ban đầu tư Indonesia, FDI đến nền kinh tế lớn nhất khu vực này đã giảm liên tục trong quý 4.

Báo cáo cũng ước tính rằng FDI vào công nghệ thông tin và truyền thông Đông Nam Á đã đạt gần 8 tỷ USD trong năm 2017. Theo công ty đầu tư mạo hiểm Singapore Cento Ventures, năm 2018, đầu tư vào lĩnh vực công nghệ ASEAN đạt 11 tỷ USD, dẫn đầu bởi Singapore và Indonesia.

Theo UNCTAD, một trong số những lý do dẫn đến sự sụt giảm của FDI toàn cầu là căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, và một phần là do chính sách hướng nội của Mỹ. Cải cách thuế năm 2017 của Washington đã thúc đẩy các công ty đa quốc gia của Hoa Kỳ hồi hương hàng tỷ USD vốn đầu tư.

Các công ty đa quốc gia hoạt động tại Trung Quốc cũng đang xem xét các lựa chọn thay thế có chi phí sản xuất thấp hơn. "Khi lợi thế chi phí của của Trung Quốc giảm đi, lượng lớn vốn FDI sẽ chảy về các quốc gia như Indonesia, Việt Nam, Campuchia và thậm chí cả Myanmar", Dutt của INSEAD nói.

Nhưng nếu các nền kinh tế ASEAN tăng trưởng cao và chi phí lao động tăng lên, các quốc gia trong khu vực sẽ cần cải cách chi tiêu công, nếu như muốn tiếp tục thu hút đầu tư. "Nhiều quốc gia trong khu vực có nhiều hành động tích cực để thu hút thêm vốn FDI. Philipines và Indonesia đã cải cách cơ sở hạ tầng rất nhiều", Alex Holmes, một nhà kinh tế tại Capital Economics nói. "Sự ổn định chính trị cũng là một yếu tố quan trọng. Các quốc gia như Myanmar không thu hút được nhiều vốn vì tình hình chính trị phức tạp của họ".

Suiwah Leung, phó giáo sư tại Đại học Quốc gia Úc, cho biết: "Không còn nghi ngờ gì nữa, cuối năm 2018, một số dòng vốn FDI dự định vào Trung Quốc cuối cùng lại đến Việt Nam. Giống như các quốc gia khác trong khu vực, Việt Nam cần thực hiện nhiều cải cách hơn nếu muốn duy trì sự quan tâm của nhà đầu tư".

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Việt Nam ra sao khi Đông Nam Á định hướng dòng chảy FDI toàn cầu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO