Việt Nam khẳng định cam kết mạnh mẽ cùng cộng đồng quốc tế thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu.
Hiện nay, Việt Nam là một trong 6 nước chịu tác động mạnh mẽ bởi biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Trong thời gian qua, Việt Nam cũng đã đưa ra cam kết mạnh mẽ về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, giảm 30% khí metan vào năm 2030 tại Hội nghị COP26. Đảng và Nhà nước Việt Nam đã nhiều lần khẳng định sẽ không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng.
Phát biểu tại họp báo quốc tế về Hội nghị thượng đỉnh Đối tác vì tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G), Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết: "Đây là hội nghị cấp cao đầu tiên Việt Nam chủ trì trong lĩnh vực tăng trưởng xanh, thể hiện cam kết mạnh mẽ đồng hành cùng cộng đồng quốc tế và các thành viên P4G trong triển khai các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, cũng như các nỗ lực hợp tác thúc đẩy các chiến lược phát triển xanh - bền vững trên toàn cầu".
Thông qua hội nghị này, Việt Nam mong muốn tạo ra cơ hội, nền tảng để nâng cao nhận thức chung của cộng đồng quốc tế về ứng phó biến đổi khí hậu; chia sẻ kinh nghiệm, nguồn lực… phục vụ phát triển bền vững, tăng trưởng xanh… Đồng thời, Việt Nam mong muốn mở rộng hợp tác quốc tế sâu rộng, không chỉ trong nhóm P4G mà còn giữa các thành viên nhóm với các nước và các tổ chức quốc tế khác.
Hội nghị P4G cũng là nền tảng nâng cao nhận thức chung, chia sẻ kinh nghiệm, bài học, nguồn lực từ khuôn khổ đối tác công - tư, đồng thời tạo ra sự hợp tác quốc tế sâu rộng.
Đây cũng là cơ hội để Việt Nam học hỏi các nước trong tiến trình xây dựng kinh tế xanh, triển khai các nỗ lực tăng trưởng xanh; tìm hiểu tiềm năng các nguồn vốn phục vụ tăng trưởng xanh, kinh nghiệm phát triển thị trường tài chính xanh tại các nước.
Với chủ đề "Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm", hội nghị nhấn mạnh việc nâng cao nhận thức của con người trong việc định hình tương lai xanh, chuyển đổi xanh.
Dự kiến, nhiều hoạt động đặc biệt sẽ được diễn ra trong khuôn khố hội nghị. Trong đó, các phiên làm việc chính bao gồm: “Đổi mới tài chính và chiến lược huy động vốn cho tăng trưởng xanh toàn cầu”; “Bắt nhịp cách mạng xanh 4.0: Hành trình chuyển đổi hệ thống lương thực cho kỷ nguyên bền vững”; “Công nghệ tạo đột phá chuyển đổi xanh và phát triển bền vững trong kỷ nguyên thông minh”; “Đầu tư vào con người - Kiến tạo đội ngũ cho nền kinh tế tương lai”; “Các giải pháp đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi năng lượng hiệu quả và bền vững”...
Đáng chú ý, trong khuôn khổ hội nghị sẽ có các phiên làm việc chuyên đề. Phiên thảo luận cấp cao “Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm” do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì. Đồng thời sẽ có phiên đối thoại giữa các nhà lãnh đạo với doanh nghiệp theo chủ đề “Hợp tác công - tư vì đổi mới sáng tạo và bền vững”.
Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, Hội nghị P4G năm 2025 diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Thủ đô Hà Nội) từ ngày 14 đến 17-4 với chủ đề “Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm” tại Hà Nội. Tính đến nay, đã có khoảng 600 khách mời đăng ký tham dự dưới cả hình thức trực tiếp và trực tuyến, trong đó có đông đảo doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp lĩnh vực khí hậu.
Diễn đàn P4G được thành lập năm 2017 do Đan Mạch khởi xướng, với mục tiêu phối hợp chính sách, thúc đẩy hợp tác công - tư, kết nối các chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức chính trị - xã hội nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh, đóng góp thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững. Việt Nam là một trong các thành viên sáng lập của P4G và là đối tác chính thức của P4G.
Trọng tâm hợp tác của P4G hiện tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, gồm: Giảm thất thoát và lãng phí lương thực; nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu; nguồn nước bền vững; năng lượng tái tạo và giao thông không phát thải. P4G có 09 quốc gia thành viên, bao gồm: Đan Mạch, Việt Nam, Hàn Quốc, Ethiopia, Kenya, Colombia, Hà Lan, Indonesia và Nam Phi và 05 tổ chức đối tác. Kết quả nổi bật của P4G là cung cấp hỗ trợ tài chính, kỹ thuật cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trong lĩnh vực chống biến đối khí hậu.