Việt Nam trở thành nền kinh tế có quy mô xuất khẩu đứng thứ 22 trên thế giới

Linh Nga 27/12/2019 12:00

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, sau 25 năm kể từ khi gia nhập ASEAN, hơn 10 năm gia nhập WTO, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế có quy mô xuất khẩu đứng thứ 22 trên thế giới.

Năm nay là năm thứ 4 liên tiếp Việt Nam đạt

Việt Nam tiếp tục duy trì thành tích xuất siêu năm thứ 4 liên tiếp trong năm nay (xuất siêu khoảng 9,9 tỷ  USD).

Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Công thương đưa ra tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2019 và Triển khai nhiệm vụ năm 2020 của ngành Công Thương vừa diễn ra sáng nay (27/12).

Xuất khẩu gia tăng nhanh chóng

Bộ trưởng cho biết, xuất khẩu của Việt Nam đã gia tăng nhanh chóng với tốc độ tăng trưởng cao trên 15% trong giai đoạn 2011-2019 và chính thức cán mốc kim ngạch 500 tỷ USD vào giữa tháng 12/2019. Kết quả này đã đưa Việt Nam tiếp tục duy trì thành tích xuất siêu năm thứ 4 liên tiếp trong năm nay (xuất siêu khoảng 9,9 tỷ  USD).

Trong đó, nhiều mặt hàng xuất khẩu của nước ta giữ được vị trí quan trọng trong xếp hạng thành tích xuất khẩu của thế giới như: Dệt may (đứng thứ 7 thế giới về xuất khẩu với kim ngạch vào khoảng 33 tỷ USD), da giày (thứ 3 thế giới về sản xuất và thứ 2 về xuất khẩu với kim ngạch vào khoảng 17 tỷ USD), điện tử (đứng thứ 12 thế giới về xuất khẩu, trong đó mặt hàng điện thoại di động đứng thứ 2 thế giới với kim ngạch vào khoảng khoảng 50 tỷ USD), thủy sản (đứng thứ tư thế giới về xuất khẩu với kim ngạch vào khoảng 9 tỷ USD), đồ gỗ (đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu với kim ngạch vào khoảng 9 tỷ USD)...

Thị trường trong nước luôn giữ vững được đà tăng trưởng cao, ổn định với tốc độ tăng của tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ xã hội đạt xấp xỉ 17,5% trong 10 năm qua, cao hơn 3 lần so với mức tăng trưởng GDP.

“Nhìn lại quá trình hội nhập và phát triển, chúng ta có thể nhận thấy rằng, doanh nghiệp Việt Nam đã và đang tận dụng tốt các cơ hội có được từ các FTAs và các khung khổ hợp tác khu vực và đa phương khác”- Bộ trưởng khẳng định. Các thị trường có FTA đều ghi nhận tăng trưởng xuất khẩu cao so với thời điểm trước khi có FTA như Hàn Quốc (tăng 21,6 lần), Ấn Độ (tăng 15,6 lần), Chile (tăng 3,6 lần).

Một vấn đề khác là cho đến nay, hàng xuất khẩu của ta đã phải đối mặt với hơn 150 vụ việc phòng vệ thương mại do 19 quốc gia và vùng lãnh thổ khởi xướng điều tra với sự tập trung vào các vấn đề về chống bán phá giá, tự vệ, chống trợ cấp… Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, đây không phải là vấn đề mới, nhưng là vấn đề khó và đang trở thành những rào cản xuất khẩu. Dẫu vậy, chúng ta đã có sự chủ động, tích cực phối hợp với các hiệp hội ngành nghề và doanh nghiệp trong hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các vấn đề này.

Các tổ chức quốc tế dự báo lạc quan về triển vọng kinh tế

Thời gian qua, các tổ chức quốc tế đã đưa ra những dự báo lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam. Trong Báo cáo cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á 2019, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) lại điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam từ mức 6,8% lên 6,9% cho năm 2019 và từ mức 6,7% lên 6,8% cho năm 2020.

Chuyên gia kinh tế trưởng ADB, ông Nguyễn Minh Cường khẳng định, có nhiều cơ sở để tin tưởng vào triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam trong ngắn hạn và trung hạn.

Dự báo của ADB là tương đối lạc quan, căn cứ vào sự tăng trưởng của tiêu dùng nội địa, cộng thêm nữa là sự tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu và đầu tư cũng tăng liên tục rất mạnh trong 11 tháng qua khiến riêng tăng trưởng thương mại đã đạt con số kỷ lục là 11 tỷ USD. Như vậy, tổng kim ngạch thương mại của việt nam có thể cán mốc 500 tỷ USD vào năm nay hoặc có thể là hơn nữa.

Báo cáo được công bố cuối tháng 12, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kinh tế Việt Nam sẽ đạt kết quả tích cực trong năm 2019 với tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,8%, nợ công giảm gần 8 điểm % GDP so với năm 2016 và thương mại thặng dư liên tiếp bốn năm qua. Đây là những kết quả ấn tượng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang chững lại.

Báo cáo khảo sát được Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) công bố hồi cuối tháng 11 cho thấy giới doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá Việt Nam là một trong những địa điểm đầu tư rất hứa hẹn trong trung và dài hạn.

Theo kết quả khảo sát đối với các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại thị trường nước ngoài, tỷ lệ bình chọn Việt Nam là điểm đầu tư hứa hẹn đạt 36,4%, tăng 2,5 điểm phần trăm so với năm 2018, qua đó đưa Việt Nam từ vị trí thứ 4 lên vị trí thứ 3 trong danh sách xếp hạng của JBIC. Trong số 10 thị trường đầu tư hàng đầu đối với doanh nghiệp Nhật Bản Việt Nam là nước có tỷ lệ tăng trưởng ấn tượng nhất. Về triển vọng trong thời gian 10 năm tiếp theo, Việt Nam cũng đứng ở vị trí thứ 3 với 34,8%, đứng sau Ấn Độ và Trung Quốc với tỷ lệ phiếu bầu lần lượt là 52,4% và 40,2%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Việt Nam trở thành nền kinh tế có quy mô xuất khẩu đứng thứ 22 trên thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO