Chủ tịch ASEAN BAC Việt Nam, Phó Chủ tịch VCCI, ông Nguyễn Quang Vinh đã có những chia sẻ về thành tựu mà đoàn Việt Nam đã đạt được thông qua sự kiện tuần lễ ASEAN BAC 2023 tại Indonesia vừa qua.
Tuần lễ Hội đồng Kinh doanh ASEAN (ASEAN BAC Summit Week) 2023 với điểm nhấn là Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43, đã kết thúc tốt đẹp. Nhiều kết quả hợp tác thực chất và ấn tượng đã được đưa ra, tạo động lực và kỳ vọng mới cho ASEAN tiếp tục phát triển vững mạnh, hướng tới hiện thực hóa tầm nhìn "ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng".
>>ASEAN-BAC 2023: Khai mở không gian hợp tác mới trong hội nhập kinh tế ASEAN
Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp đã có trao đổi với ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch ASEAN BAC Việt Nam, Phó Chủ tịch VCCI, về những thành tựu đoàn Việt Nam đã đạt được thông qua sự kiện này.
Tuần lễ ASEAN BAC do ASEAN BAC Indonesia (nước chủ nhà) tổ chức tại Jakarta từ ngày 01 - 9/9/2023 với hơn 10 sự kiện lớn nhỏ, đã thu hút hơn 2500 đại biểu quốc tế tham dự trong đó có 1500 đại biểu tham dự trực tiếp tại Jakarta Indonesia.
Bên cạnh việc hỗ trợ ASEAN BAC 2023 trong việc mời Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tham dự và phát biểu tại ASEAN BIS, VCCI cũng đã có sáng kiến phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia (KADIN) tổ chức buổi tiếp giữa Thủ tướng với các đại diện doanh nghiệp tiêu biểu của Indonesia. Các sự kiện này được Ban tổ chức tuần lễ ASEAN BAC cũng như các doanh nghiệp Indonesia và khu vực đánh giá cao, thể hiện vai trò của Việt Nam trong hợp tác đầu tư và kinh doanh vì thịnh vượng chung của khu vực.
Đặc biệt, tại buổi làm việc giữa Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp Indonesia theo sáng kiến của VCCI, cộng đồng doanh nghiệp hai nước đã có dịp gặp gỡ, tiếp xúc trực tiếp với nhau. Phía Indonesia đã có những thông tin cập nhật về chủ trương hội nhập quốc tế, đặc biệt là với ASEAN của Việt Nam, qua đó củng cố và tăng cường hơn nữa sự hiểu biết và tình cảm tốt đẹp đối với Việt Nam.
Tại buổi gặp mặt, Chủ tịch ASEAN BAC 2023 Arsjad Rasjid đã giới thiệu với Thủ tướng Phạm Minh Chính về các dự án di sản của ASEAN bao gồm Mã QR ASEAN, Nền tảng cho vay ngang hàng ASEAN P2P. Theo đó, ASEAN BAC đang hợp tác với các ngân hàng trung ương ở các nước ASEAN để phát triển mã QR, để giúp doanh nghiệp thuận tiện hơn khi thanh toán xuyên biên giới
Các doanh nghiệp Indonesia trong các lĩnh vực bất động sản, nông nghiệp (như Ciputra, Astra, Sinarmas) đã phát biểu và đánh giá cao về thị trường và tiềm năng hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam; đồng thời bày tỏ mong muốn mở rộng hơn nữa đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là trong những lĩnh vực cả hai bên có lợi thế như tài chính, ngân hàng, xe điện, năng lượng tái tạo, khai thác khoáng sản như đất hiếm, nhà ở cho người thu nhập thấp, nông nghiệp, thương mại gạo, cao su, mua bán tín chỉ carbon…
Trao đổi về các cơ hội hợp tác, liên quan tới thị trường bất động sản, Thủ tướng bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp Indonesia đầu tư tại Việt Nam phát huy trách nhiệm xã hội, tăng cường đầu tư phát triển nhà ở cho người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp, tinh thần là cùng hợp tác để "không có ai bị bỏ lại phía sau".
Đặc biệt, Thủ tướng cũng đề nghị VCCI và KADIN ký kết thỏa thuận hợp tác hoặc nghiên cứu nâng cấp các thỏa thuận đã có, để có thể phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn, trong vai trò là đơn vị đầu mối, trong việc kết nối, thúc đẩy doanh nghiệp hai nước hợp tác đầu tư, kinh doanh hiệu quả hơn, tiết kiệm chi phí và thời gian hơn.
Các chương trình đã nhấn mạnh vai trò của đầu tư và thương mại là huyết mạch của nền kinh tế các nước ASEAN và đây sẽ tiếp tục là ưu tiên của các nước nhằm thúc đẩy sự thịnh vượng. Nhiều lĩnh vực đầy triển vọng đã được các lãnh đạo chính phủ và doanh nghiệp đề xuất và thống nhất, bao gồm nông nghiệp và thực phẩm, nền kinh tế kỹ thuật số, chăm sóc sức khỏe công-tư, xe điện, thị trường carbon và hệ thống thanh toán số xuyên biên giới.
Điển hình như Diễn đàn doanh nghiệp ASEAN về đầu tư đã xoay quanh khả năng phục hồi và đảm bảo an ninh lương thực và năng lượng, tiến bộ về tài chính và kỹ thuật số, xây dựng một môi trường bền vững và thúc đẩy hợp tác khu vực sâu sắc và tạo tác động mạnh mẽ hơn.
Diễn đàn cũng thể hiện vai trò là chất xúc tác cho hội nhập kinh tế khu vực và phát triển bền vững, thông qua việc thúc đẩy đầu tư trong các lĩnh vực trọng tâm, bao gồm thúc đẩy bình đẳng giới, cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và vắc xin, phát triển bền vững, cơ sở hạ tầng thích ứng với khí hậu, thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số và hỗ trợ chuyển đổi năng lượng thân thiện với môi trường và phát triển thị trường carbon.
Đây cũng là những mục tiêu của ASEAN năm 2023 hướng tới việc khiến ASEAN trở nên phù hợp và có ý nghĩa hơn đối với người dân trong khu vực, tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và thế giới.
Đây là một sự kiện rất quan trọng của chương trình năm nay. Với chủ đề “Vai trò trung tâm của ASEAN: Đổi mới để bao trùm hơn", hội nghị đã có gần 20 phiên thảo luận, thu hút hơn 100 diễn giả quốc tế, hơn 1000 giám đốc điều hành cấp cao đến từ hơn 20 quốc gia (cả các quốc gia thành viên ASEAN và các đối tác đối thoại). Về phía Việt Nam có gần 50 đại diện doanh nghiệp tham dự trên tổng số 2500 đại biểu quốc tế đăng ký
Đáng chú ý, đã có 7 lãnh đạo ASEAN và các nước đối tác, như Thủ tướng Vương quốc Anh Rishi Sunak (phát biểu ghi hình), Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, Thủ tướng Campuchia Kitti Tesaphibal Pundit Hun Manet, Thủ tướng CHDCND Lào Sonexay Siphandone… Tại đây, tôi và Chủ tịch ASEAN BAC 2023 đã giới thiệu Thủ tướng Chính phủ Việt Nam với bài phát biểu quan trọng trước cộng đồng doanh nghiệp khu vực vào chiều ngày 4/9/2023.
Các phiên thảo luận của ASEAN BIS tập trung về các nhu cầu cấp bách về chính sách nhằm kích thích kinh doanh và đầu tư trong ASEAN, nêu bật vai trò của khu vực tư nhân trong việc thúc đẩy đối thoại toàn cầu và khu vực liên quan tới Chuyển đổi kỹ thuật số, Phát triển bền vững, Khả năng phục hồi sức khỏe, An ninh lương thực, Tạo điều kiện thuận lợi thương mại và đầu tư.
Các diễn giả của ASEAN BIS tập trung thảo luận về tầm quan trọng của ASEAN trong việc định hình lại trật tự toàn cầu, khẳng định vị thế ngày càng to lớn của ASEAN trong sự thay đổi cán cân trật tự toàn cầu giữa bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các cường quốc, thể hiện ASEAN tự cường trong vai trò trung tâm.
>>ASEAN BIS 2023: Tìm giải pháp kích thích kinh doanh và đầu tư ASEAN
Bên cạnh đó, các vấn đề khác của ASEAN cũng được đưa ra như khả năng phục hồi và ổn định trong nền kinh tế toàn cầu đầy bất ổn, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang liên tục thay đổi và căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng, qua đó đảm bảo các vấn đề về an ninh trong khu vực, như an ninh năng lượng, an ninh lương thực.
Có thể bạn quan tâm
Tuần lễ Thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN 2023 (ASEAN BIS 2023)
18:57, 05/09/2023
ASEAN - BAC 2023: Đưa quan hệ hợp tác doanh nghiệp Việt Nam - Indonesia lên tầm cao mới
14:00, 05/09/2023
Việt Nam cam kết thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN thông qua đầu tư
17:35, 04/09/2023
ASEAN BIS 2023: Tìm giải pháp kích thích kinh doanh và đầu tư ASEAN
18:39, 03/09/2023