Vĩnh Phúc: Không "bỏ rơi" người dân và doanh nghiệp trong đại dịch COVID-19

NGUYỄN VIỆT 31/01/2021 23:03

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp về thành công của Vĩnh Phúc trong phòng chống dịch COVID-19, và củng cố lòng tin của người dân, doanh nghiệp với tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành đánh giá, thành công của Vĩnh Phúc trong năm 2020 không phải là những con số tăng trưởng, số thu hay cơ cấu kinh tế. Thành tích lớn nhất là sự “gồng mình” để “chiến đấu” bao vây, cô lập, ngăn chặn và chiến thắng COVID-19.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành.

“Một bệnh viện tuyến huyện đặt ở xã Sơn Lôi đã chữa khỏi bệnh cho 11 người bị nhiễm COVID-19. Bên cạnh đó là sự vào cuộc tuyệt đối, triệt để và toàn diện của cấp ủy. Chúng tôi thường xuyên họp đến 4h sáng để nhanh chóng ra các quyết định chống dịch”, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành chia sẻ.

Quyết liệt chống dịch

Có được thành công là do tỉnh đã nhận được sự đồng thuận của người dân, người dân rất tin tưởng vào chính quyền. “Qua việc này, có thể thấy lòng tin của người dân, doanh nghiệp với chính quyền, đoàn thể ngày càng gắn bó chặt chẽ với nhau hơn”, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành nói.

Vĩnh Phúc đã ra được những quyết định “lịch sử” chưa từng có trong tiền lệ. Đó là quyết định cách ly xã Sơn Lôi, với 11.600 dân. Như vậy, người dân đã đồng hành cùng chính quyền tự giác ở nhà trong 1 tháng. Tất cả mọi sự hỗ trợ cho người cách ly đều được miễn phí hoàn toàn.

“Cũng chưa từng có một nghị quyết nào mà Thường vụ Tỉnh ủy họp vào lúc 4h sáng, đến 8h sáng HĐND ban hành ngay nghị quyết hỗ trợ ít nhất mỗi người dân 60.000 đồng/ngày. Nếu người dân không có lòng tin và niềm tin thì liệu họ có tự giác như vậy không? Từ những chia sẻ và đồng hành đó đã đưa Vĩnh Phúc chiến thắng dịch COVID-19”, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành bày tỏ.

Vẫn theo Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành, cũng qua đại dịch COVID-19, vị thế của Vĩnh Phúc được nâng lên cao hơn. Trước đây phải bỏ ra rất nhiều tiền để đi tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến đầu tư... nhưng sau khi Vĩnh Phúc ngăn chặn được dịch thì báo chí trong nước cũng như nước ngoài đưa tin nhiều hơn về Vĩnh Phúc.

Tất cả đều ghi nhận Vĩnh Phúc đã lựa chọn được thời điểm vàng để “chiến đấu” với dịch COVID-19. Vĩnh Phúc đã vẽ được đường đi của dịch, đó là truy vết người bị nhiễm dịch.

Nhà đầu tư và doanh nghiệp tin tưởng 

Cũng từ thành công này, Vĩnh Phúc đã được các nhà đầu tư lớn trên thế giới, trong đó có các nhà đầu tư Nhật Bản đánh giá rất cao việc chính quyền đã không “bỏ rơi” nhà đầu tư, không bỏ rơi doanh nghiệp khi có những vấn đề lớn xảy ra.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide chứng kiến lễ trao Giấy chứng nhận đầu tư của UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho Công ty TNHH Toto Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide chứng kiến lễ trao Giấy chứng nhận đầu tư của UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho Công ty TNHH Toto Việt Nam.

“Chỉ khi đó nhà đầu tư và doanh nghiệp mới cảm nhận được chính quyền Vĩnh Phúc luôn coi họ là công dân của tỉnh. Chúng tôi đối xử với công dân của mình như thế nào thì cũng đối xử như vậy với tất cả người nước ngoài sống và làm việc tại Vĩnh Phúc”, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành khẳng định.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành cho rằng, nếu sau này tất cả những vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế, xã hội mà được chỉ đạo một cách quyết liệt, đồng bộ và khẩn trương như chống dịch COVID-19 thì chắc chắn Vĩnh Phúc nói riêng, Việt Nam nói chung có thể sẽ nhanh chóng “ngang hàng” cùng các nước phát triển.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành đúc kết kinh nghiệm chống dịch COVID-19 thành công của Vĩnh Phúc, đó là có một kịch bản chỉ đạo chống dịch chặt chẽ. Cụ thể, khi bắt đầu vào cuộc là tháng 2/2020, lúc này mục tiêu quan trọng nhất là ổn định, bằng bất kỳ giá nào cũng không được làm xáo trộn cuộc sống của người dân, doanh nghiệp, không để một công dân nào bị mất việc làm, một người lao động nào không có thu nhập vì dịch COVID-19.

Đến tháng 6/2020, khi Vĩnh Phúc đã kiểm soát được dịch thì một số địa phương khác lại bị lây nhiễm. Lúc này Vĩnh Phúc vẫn phải tính toán chống dịch là quan trọng, nhưng đã nhìn thấy cơ hội cho Vĩnh Phúc.

Có một số doanh nghiệp nước ngoài đã chia sẻ với Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành rằng, họ không thể tưởng tượng được 6 tháng cuối năm 2020, những doanh nghiệp hoạt động tại Vĩnh Phúc lại có doanh thu đột biến. Vì khi tất cả hàng hóa không thể nhập khẩu, doanh nghiệp nào còn trụ vững thì doanh nghiệp đó nắm bắt được cơ hội.

Trong 6 tháng cuối năm 2020, Vĩnh Phúc đưa ra chính sách phục hồi. Tổ chức các đoàn đi gặp gỡ chia sẻ, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp một cách tối đa. Từ hợp đồng, xuất nhập khẩu đến người công nhân, thủ tục hành chính...

Với đầu tư công, tỉnh yêu cầu các điểm nghẽn đều phải vượt qua để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Những dự án nào còn “dập dình” xem có thể khởi công hay không lãnh đạo tỉnh đến tận nơi động viên.

Từ sự quyết liệt đó, những tháng cuối năm 2020, các dự án lớn đã liên tiếp được khởi công. Như dự án Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc 200 triệu USD, Interflex 100 triệu USD, trung tâm hội nghị quốc tế tại Vĩnh Thịnh 2.500 tỷ đồng, khu công nghiệp Đồng Sóc 1 dù chỉ có 1 cụm công nghiệp nhưng cũng đã đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Đặc biệt, phải nói đến việc cấp giấy ngay giấy chứng nhận cho dự án Toto trị giá 100 triệu USD trong vòng 36 tiếng... “Những điểm nhấn cuối năm 2020 của Vĩnh Phúc đã đẩy mức tăng trưởng của tỉnh cả năm 2020 lên 2,6%”, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành nhấn mạnh.

Chia sẻ về định hướng trong nhiệm kỳ mới của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành cho biết, thứ nhất là tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực và thu hút đầu tư để phát triển. Trọng tâm của sự phát triển là người dân Vĩnh Phúc phải được hưởng thành quả của sự phát triển đó. 

Thứ hai, Trung ương đưa ra đột phá vào cơ sở hạ tầng, Vĩnh Phúc cũng đột phá vào hạ tầng nhưng trọng điểm là chỉnh trang đô thị, đầu tư vào nông thôn mới. Nói đến đô thị, nhưng có rất nhiều thành phố có tình trạng “nhà không số, phố không tên, đêm đêm không điện không đèn”. Cho nên tỉnh sẽ tập trung xây dựng lại chính quyền đô thị, văn minh đô thị.

Với nông thôn, thời gian qua đang có cuộc chạy đua “đô thị hóa nông thôn”. Do đó cần phải lưu giữ lại văn hóa truyền thống bằng cách đầu tư để làm “sống lại” những nét đẹp văn hóa nông thôn trước đây.

Thứ ba, đột phá công tác cán bộ. Cần có cách nhìn mới về khẩu hiệu “suy nghĩ không cũ về những điều không mới”. Việc không chuyển thì chuyển người. 

Có thể bạn quan tâm

  • Dự thảo Báo cáo chính trị tỉnh Vĩnh Phúc: Sản phẩm của “người thật, việc thật”

    Dự thảo Báo cáo chính trị tỉnh Vĩnh Phúc: Sản phẩm của “người thật, việc thật”

    18:15, 19/09/2020

  • Nữ Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc:p/Luôn trăn trở tìm hướng đi mới

    Nữ Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc: Luôn trăn trở tìm hướng đi mới

    09:10, 27/08/2020

  • Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc: Vĩnh Yên phải trở thành “đầu tàu” phát triển của Vĩnh Phúc

    Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc: Vĩnh Yên phải trở thành “đầu tàu” phát triển của Vĩnh Phúc

    09:23, 01/08/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vĩnh Phúc: Không "bỏ rơi" người dân và doanh nghiệp trong đại dịch COVID-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO