Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đánh giá cao những đóng góp của VLA, đề nghị tiếp tục nâng cao vai trò của hiệp hội quốc gia, đoàn kết sức mạnh cộng đồng logistics Việt Nam.
>>>VLA khẳng định vị thế Hiệp hội quốc gia đồng hành cùng doanh nghiệp
Đại hội nhiệm kỳ IX của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) được tổ chức chiều ngày 19/7 tại TP Hồ Chí Minh. Tại Đại hội, VLA đã ra mắt Ban chấp hành nhiệm kỳ 2024 - 2027 gồm 19 thành viên. Trong đó, ông Đào Trọng Khoa, Chủ tịch Công ty TNHH Giải pháp DTK Logistics, Chủ tịch Công ty TNHH T&M Forwarding, Chủ tịch Công ty CP Asean Cargo Gateway được bầu làm Chủ tịch VLA nhiệm kỳ mới. Ông Đỗ Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Quốc tế Logistics Việt Nam là Phó Chủ tịch; Ông Đặng Vũ Thành, Tổng Giám đốc, Thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Kho vận Miền Nam là Phó Chủ tịch; Ông Nguyễn Duy Minh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Giao nhận Tiếp vận Quốc tế là Phó Chủ tịch; Ông Trần Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Sao á D.C là Phó Chủ tịch ; Bà Võ Thị Phương Lan, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Giao nhận Vận tải Mỹ Á là Phó Chủ tịch; Ông Trần Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Trường Hàng không và Logistics Việt Nam là Tổng thư ký.
Phát biểu khai mạc Đại hội nhiệm kỳ IX của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch VLA nhìn lại Nhiệm kỳ VIII (2021- 2024), một nhiệm kỳ mà Hiệp hội phải đối mặt với nhiều thách thức chưa từng có, đặc biệt là đại dịch Covid-19. “Đây là thời kỳ khó khăn không chỉ đối với ngành dịch vụ logistics mà còn đối với nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Tuy vây, trong bối cảnh ấy, VLA đã luôn nỗ lực, đoàn kết và kiên trì vượt qua mọi trở ngại. Hiệp hội đã đóng góp quan trọng vào việc hỗ trợ ngành dịch vụ logistics trong nước vượt qua khó khăn không chỉ trong thời kỳ đại dịch Covid mà còn trong giai đoạn hậu Covid”, ông Lê Duy Hiệp cho biết.
Đồng thời nhận định, các sáng kiến và biện pháp hỗ trợ kịp thời của Hiệp hội đã giúp các doanh nghiệp nhanh chóng thích nghi với những thay đổi bất ngờ, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và đảm bảo chuỗi cung ứng hầu như không bị gián đoạn. VLA đã thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp thành viên, từ việc cung cấp thông tin kịp thời, chia sẻ kinh nghiệm đối phó với đại dịch, đến việc phối hợp với các cơ quan chức năng để giải quyết những vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động logistics trong và sau đại dịch.
Nhận định tình hình thế giới đang đối mặt với nhiều biến động và thách thức, trong đó có cuộc xung đột tại khu vực Trung Đông và Biển Đỏ, ông Lê Duy Hiệp đánh giá, những biến động này không chỉ gây ra những tổn thất to lớn về người và của, mà còn tạo ra những ảnh hưởng sâu rộng tới các hoạt động kinh tế và thương mại toàn cầu, bao gồm cả ngành logistics. Tình hình an ninh tại các khu vực chiến lược như eo biển Hormuz hay kênh đào Suez, những điểm nút quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đang trở thành mối lo ngại không nhỏ cho tất cả doanh nghiệp.
Trong bối cảnh đó, Chủ tịch VLA cho rằng, ngành dịch vụ logistics Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp thành viên của VLA, cần chuẩn bị sẵn sàng đối mặt với các thách thức và biến động có thể xảy ra. Chúng ta phải nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường hợp tác quốc tế và ứng dụng các công nghệ tiên tiến nhằm tối ưu hóa hoạt động logistics, đảm bảo sự thông suốt và an toàn cho các chuỗi cung ứng.
Theo Quyết định số 221/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 đã đặt mục tiêu: “Đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 5%-6%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15%-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50%-60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16%-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ 50 trở lên”. Để đạt được mục tiêu nêu trên, cần sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp. Trong đó, vai trò của Hiệp hội VLA là rất quan trọng.
Những nỗ lực không ngừng nghỉ của Hiệp hội VLA đã góp phần quan trọng trong việc duy trì và phục hồi hoạt động logistics, hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn. “Sự hợp tác, đoàn kết và tinh thần vươn lên mạnh mẽ của toàn thể thành viên Hiệp hội. Chính điều này đã giúp chúng ta không chỉ tồn tại mà còn phát triển mạnh mẽ hơn sau đại dịch. Bước vào nhiệm kỳ IX, tôi tin tưởng rằng Hiệp hội VLA sẽ tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, không ngừng đổi mới và sáng tạo, góp phần xây dựng ngành logistics Việt Nam ngày càng phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”, ông Lê Duy Hiệp tin tưởng.
Bày tỏ vui mừng trước sự phát triển của Hiệp hội và đánh giá cao những kết quả mà Hiệp hội VLA đã đạt được trong nhiệm kỳ VIII (2021 - 2024), Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng nhấn mạnh những đóng góp của Hiệp hội trong công tác phản biện chính sách, thúc đẩy hợp tác quốc tế; quảng bá, giới thiệu, kết nối hợp tác ngành nghề trong nước, khu vực và thế giới.
Sự tham gia, góp ý của Hiệp hội trong việc xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến ngành dịch vụ logistics cũng như phản ánh các vấn đề nóng, những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong ngành có ý nghĩa to lớn, là một căn cứ quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước hoạch định chiến lược, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển ngành dịch vụ logistics nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Theo Thứ trưởng Phan Thị Thắng, trong nhiệm kỳ vừa qua, khi đại dịch Covid-19 bùng phát dữ dội nhất đã có lúc, có nơi chuỗi cung ứng bị đứt gãy cả quốc tế và trong nước gây ra những tác động nghiêm trọng tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội.
“Tuy vậy, nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, người dân, Hiệp hội VLA đã cùng cộng đồng doanh nghiệp dịch vụ logistics trong thực hiện “mục tiêu kép” không chỉ phòng, chống đại dịch Covid-19, đảm bảo việc cung cấp đầy đủ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, thuốc phục vụ người dân trên cả nước mà còn tranh thủ cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do để góp phần phục hồi nhanh các hoạt động kinh tế, ổn định tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Đồng thời cho rằng, điều này đã phần nào phản ánh qua tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2020 đạt 545,36 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm 2019 và vượt qua mọi khó khăn của giai đoạn đại dịch Covid-19, xuất nhập khẩu là điểm sáng tích cực của kinh tế Việt Nam, liên tục vượt mốc 600 tỷ USD vào năm 2021 và 700 tỷ USD vào năm 2022, năm 2023 đạt 683 tỷ USD và trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 369,62 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023. Lưu thông hàng hóa trong nước về cơ bản được đảm bảo, nhất là các mặt hàng nhu yếu phẩm.
Bà Phan Thị Thắng khẳng định, logistics được xác định là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Trong những năm qua, ngành logistics Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2023, chỉ số hiệu quả Logistics (LPI) Việt Nam đứng vị trí thứ 43/139, tụt 4 hạng so với thứ 39/160 của năm 2018. Tuy nhiên, tín hiệu tích cực là điểm số LPI vẫn tăng nhẹ lên mức 3,3 điểm so với mức 3,27 điểm năm 2018. Xét trong tương quan với các nước trong khu vực thì Việt Nam thuộc Top 5 ASEAN sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và cùng vị trí với Philippines. Số lượng các doanh nghiệp và chất lượng kinh doanh dịch vụ logistics ngày càng tăng lên. Đặc biệt là nhận thức và sự quan tâm của các Bộ, ngành, địa phương về vai trò của ngành dịch vụ logistics đã có sự chuyển biến rõ rệt.
Đây là kết quả của những nỗ lực cải cách của Chính phủ trong việc kiến tạo môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nền kinh tế nói chung và lĩnh vực hoạt động dịch vụ logistics nói riêng cũng như nỗ lực cải thiện từ bản thân các doanh nghiệp.
Theo báo cáo tổng kết công tác nhiệm vụ nhiệm kỳ VIII (2021-2024) của VLA, Hiệp hội đã có sự phát triển mạnh mẽ, khẳng định vai trò đại diện, đồng hành hỗ trợ cho cộng đồng logistics Việt Nam. Vị thế của Hiệp hội cũng vì thế đã được khẳng định, nâng lên rõ rệt đối với Lãnh đạo Chính phủ, Bộ ngành, cơ quan quản lý Nhà nước và các tổ chức quốc tế liên quan.
Trong đó, nổi bật là công tác phát triển hội viên, số lượng hội viên tăng trưởng mạnh mẽ từ 458 lên hơn 750 với nhiều doanh nghiệp hội viên tiềm năng, tăng trung bình hơn 100 hội viên/năm. Công tác kết nối hội viên thực sự được quan tâm và đẩy mạnh. Hội viên gắn bó với Hiệp hội thông qua hoạt động của Ban Chấp hành, các Ban chuyên môn và Văn phòng Hiệp hội. Bên cạnh các hoạt động được tiếp tục thực hiện từ nhiệm kỳ trước, các hoạt động kết nối hỗ trợ hội viên được đổi mới, thực hiện.
Công tác hỗ trợ pháp lý cho hội viên, đào tạo nghiệp vụ cũng như các chương trình FIATA được thực hiện thường xuyên, liên tục, đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Đồng thời, phát huy vai trò đại diện Quốc gia cho các doanh nghiệp ngành dịch vụ Logistics ở trong nước và nước ngoài. Là nhân tố quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu của Quyết định 221/QĐ-TTg năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, VLA đã thay mặt hội viên làm tốt công tác phản biện chính sách, có nhiều kiến nghị cụ thể với nhiều hình thức tới Lãnh đạo các Bộ ngành, cơ quan quản lý, nhằm giải quyết tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Góp ý sửa đổi Nghị định/Thông tư về thủ tục Hải quan; Đề xuất về quy định luồng xanh cho vận tải đường bộ, ưu tiên tiêm chủng vaccine cho các DN và nhân sự tham gia trực tiếp vào hoạt động vận chuyển, giao nhận hàng hóa, làm việc ở cảng biển, cảng hàng không; Hỗ trợ DN về giá điện, giảm thuế thu nhập DN và thuế giá trị gia tăng, giảm phí cầu đường, cảng biển…cho các DN gặp khó khăn; Góp ý cho Cục HHVN về giải pháp cho giá cước hàng container đường biển và phụ phí tăng cao, thiếu container rỗng, giải thích về yêu cầu vận chuyển hàng hóa đi và đến Mỹ… Kiến nghị giải quyết ách tắc trong kiểm định an toàn kỹ thuật – Bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ….
Tham gia, góp ý kiến trong việc xây dựng dự thảo văn bản của các Bộ, Ban, Ngành, điạ phương Trong 3 năm qua, đã có gần 20 văn bản góp ý các dự thảo Luật, Nghị định, Thông tư… về các nội dung liên quan đến ngành dịch vụ logistics Việt Nam. Nổi bật như vấn đề về phí hạ tầng cảng biển, đề xuất phát triển đội tàu biển container Việt Nam, Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025 - 2035, tầm nhìn đến 2045…. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ VIII, VLA tiến hành nghiên cứu và triển khai Dự án Chỉ số Năng lực cạnh tranh Logistics cấp tỉnh (LCI) Việt Nam.
Tiếp tục làm tốt công tác tư vấn pháp luật nhằm hỗ trợ cho hội viên trong các tình huống giải quyết tranh chấp liên quan đến kinh doanh. Trong đó, tư vấn giải quyết tranh chấp có hiệu quả cho hội viên 97 vụ tư vấn năm 2021; 100 vụ tư vấn năm 2022; 98 vụ tư vấn năm 2023; 34 vụ trong 5 tháng đầu năm 2024.
Đặc biệt trong nhiệm kỳ, VLA đã đẩy mạnh việc tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ kết nối đầu tư cho doanh nghiệp góp phần thúc đẩy hợp tác, kinh doanh. Tổ chức các hoạt động quảng bá hình ảnh, tìm kiếm cơ hôi kinh doanh tại các Hội chợ, Triển lãm. Tổ chức hoạt động kết nối kinh doanh (B2B) với các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp quốc tế. Cũng trong nhiệm kỳ VIII, VLA đã đăng cai tổ chức thành công nhiều sự kiện logistics quan trọng bao gồm sự kiện trong nước và quốc tế.
Cụ thể, trong nhiệm kỳ qua, Ban chấp hành, Văn Phòng Hiệp hội đã tổ chức tiếp đón và cung cấp thông tin, xúc tiến thương mại và hợp tác liên kết, nghiên cứu tình hình logistics Việt Nam cho các đoàn, tổ chức, khách quốc tế và trong nước đến giao lưu, trao đổi, làm việc: 85 đoàn khách trong và ngoài nước.
Trong 3 năm của nhiệm kỳ VIII, VLA đã phối hợp, tổ chức hơn 20 sự kiện, hội nghị, hội thảo lớn nhỏ, trong đó có những sự kiện lần đầu tiên tổ chức đem lại lợi ích cho hội viên, cũng như góp phần thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ logistics Việt Nam, như phối hợp tổ chức 5 lần sự kiện Diễn dàn Logistics Vùng tại các Vùng: Đồng bằng sông Cửu Long, Vùng Đông Nam bộ, Vùng Đồng bằng Sông Hồng… Phối hợp tổ chức Triển lãm Quốc tế Logistics Việt Nam – VILOG, tổ chức Chuỗi Hội thảo trực tuyến đa dạng.
Mặc dù là nhiệm kỳ đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19, công tác đào tạo nghiên cứu của Hiệp hội vẫn được chú trọng và đổi mới phương thức. Đã có hơn 1.000 học viên tham gia và hoàn thành các khóa FIATA Higher Diploma FIATA Higher Diploma (FHD). Triển khai thành công Chương trình SME với 12 khóa, 240 học viên. Tích cực tham gia ALI (AFFA), FLI (FIATA), chương trình đào tạo kỹ năng của Aus4skills, ký kết MOU với các trường Đại học, Hiệp hội…
Công tác đào tạo của Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam (VLI) thuộc VLA được tổ chức thường xuyên, liên tục với chất lượng được đánh giá cao. Trong 3 năm qua, VLI tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu thông qua việc tham gia các dự án của các địa phương về phát triển logistics: gần 20 dự án đã và đang được triển khai thực hiện. Trong đó các dự án được đánh giá cao và góp phần tích cực trong việc phát triển ngành logistics Việt Nam và các địa phương, như tham gia “Báo cáo Logistics Việt Nam” thường niên của Bộ Công Thương, Báo cáo “Đánh giá thực trạng Logistics đô thị tại Việt Nam” cho Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam năm 2021. Nghiên cứu xây dựng chiến lược và chính sách phát triển logistics cho nhiều tỉnh, thành địa phương.
>>>Phát triển logistics xanh: Hiện thực khát vọng!
>>>Lo doanh nghiệp tổn thất nặng nề, VLA đề nghị không áp dụng giờ cấm tải mới khu Tân Sơn Nhất
>>>Đưa Việt Nam thành trung tâm logistics mới
Bên cạnh những kết quả tích cực kể trên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cũng thẳng thắn, ngành dịch vụ logistics Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế như chi phí dịch vụ còn cao; thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp dịch vụ với nhau và với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu; quy mô và tiềm lực về tài chính của các doanh nghiệp logistics Việt Nam còn yếu, việc tiến ra thị trường nước ngoài còn chưa đáng kể; nguồn nhân lực làm dịch vụ logistics còn thiếu cả về số lượng, chất lượng và tính chuyên nghiệp.
Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14 tháng 02 năm 2017 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 đã đặt mục tiêu: “Đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 5%-6%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15%-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50%-60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16%-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ 50 trở lên”. Để đạt được những mục tiêu này, Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định cần sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, trong đó, vai trò của Hiệp hội VLA là rất quan trọng.
Do vậy, trong thời gian tới, đề nghị VLA tiếp tục phát huy vai trò là Hiệp hội quốc gia các doanh nghiệp dịch vụ logistics, đặc biệt chú trọng vào những nội dung. Thứ nhất, tích cực, chủ động triển khai các nhiệm vụ đã được giao trong Quyết định 221/QĐ-TTg, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương để nắm bắt và tham gia giải quyết kịp thời những vấn đề, khó khăn phát sinh ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp dịch vụ logistics.
Thứ hai, Bộ Công Thương đang chủ trì xây dựng Chiến lược phát triển dịch vụ logistics thời kỳ 2025 - 2035, tầm nhìn đến 2045 để trình Chính phủ ban hành. Đề nghị Hiệp hội VLA có ý kiến đóng góp tích cực, thiết thực vào nội dung Chiến lược và chủ động phối hợp triển khai các nhiệm vụ liên quan khi Chiến lược được ban hành.
Thứ ba, phát huy hơn nữa vai trò, nói lên tiếng nói của mình trong tư vấn, phản biện chính sách và những vấn đề liên quan đến dịch vụ logistics như tình trạng tăng cước vận chuyển đường biển và thu phí bất hợp lý,...
Thứ tư, trong thời gian vừa qua, có nhiều tổ chức, hiệp hội liên quan đến logistics ra đời như Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam, các hiệp hội logistics ở cấp địa phương, phản ánh sự quan tâm và nhu cầu hợp tác để phát triển dịch vụ logistics.
"VLA cần nâng cao vai trò của mình là một hiệp hội quốc gia, đoàn kết sức mạnh cộng đồng logistics Việt Nam, kết nối với các hiệp hội, doanh nghiệp dịch vụ logistics quốc tế thúc đẩy sự phát triển của ngành dịch vụ logistics Việt Nam bền vững. Muốn vậy, bản thân VLA cần phải đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động để khắc phục những hạn chế hiện tại, nâng cao vị thế của chính mình", Thứ trưởng Phan Thị Thắng nhấn mạnh.
Thứ năm, phát huy thành tích phát triển hội viên của Nhiệm kỳ VIII vừa qua, trong thời gian tới, Hiệp hội cần quan tâm phát triển hội viên và tổ chức các hoạt động đem lại lợi ích đồng bộ cho hội viên ở các khu vực khác như miền Bắc, miền Trung, Đồng bằng Sông Cửu Long,... Đồng thời, tăng cường giúp đỡ hội viên thực hiện công cuộc chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong các hoạt động logistics đáp ứng yêu cầu của tình hình mới để Việt Nam có vị trí xứng đáng trên bản đồ logistics thế giới.
Thứ sáu, chủ động, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong nước và quốc tế triển khai công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội Liên đoàn các Hiệp hội giao nhận vận tải quốc tế năm 2025 (FWC 2025) dự kiến vào năm 2025 tại Hà Nội.
“Về phía Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo Cục Xuất nhập khẩu và các đơn vị liên quan thuộc Bộ phối hợp, hỗ trợ Hiệp hội tổ chức thành công sự kiện quan trọng của ngành dịch vụ logistics này”, Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định.
Đồng thời, Thứ trưởng Phan Thị Thắng đề nghị các doanh nghiệp dịch vụ logistics trong thời gian tới cần tập trung tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và hiện đại hóa phương thức quản lý và vận hành, sử dụng hệ thống phần mềm, nền tảng tối ưu hóa logistics nhằm tối ưu hóa chi phí logistics, nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ.
Đẩy mạnh hoạt động liên doanh, liên kết giữa các nhà cung cấp dịch vụ logistics với nhau và với doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu nhằm tạo lợi thế cạnh tranh đàm phán và cải thiện năng lực cung cấp dịch vụ logistics.
Phát huy tính năng động, sáng tạo của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập; chủ động nắm bắt thông tin, cập nhật kịp thời cơ chế, chính sách, các quy định pháp luật của nhà nước trong lĩnh vực logistics cũng như những diễn biến mới, những sự kiện nóng của kinh tế thế giới và trong nước để có kế hoạch kinh doanh phù hợp.
Khẩn trương xây dựng giải pháp, chiến lược trước mắt và lâu dài nhằm nâng cao năng lực nội tại của doanh nghiệp, khả năng chống chịu, thích ứng với những biến đổi nhanh chóng của thị trường, quyết tâm mở rộng phạm vi kinh doanh ra các thị trường bên ngoài Việt Nam.
Đẩy mạnh liên kết với các trường đại học, cao đẳng, cơ sở đào tạo nhằm xây dựng và phát triển đội ngũ nhân lực logistics chất lượng cao có đầy đủ kiến thức, kỹ năng đáp ứng được yêu cầu công việc, phù hợp với nhu cầu thực tiễn, đặc biệt là trong môi trường làm việc quốc tế.
Tham gia tích cực vào hoạt động của Hiệp hội VLA và các Hiệp hội ngành hàng để tiếp cận được nguồn thông tin đa dạng, phát huy tiếng nói của doanh nghiệp cũng như được đảm bảo nhiều quyền lợi chính đáng khác.
Thứ trưởng Bộ Công Thương tin tưởng Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp dịch vụ logistics sẽ phát huy tốt hơn nữa những kết quả đạt được trong thời gian qua và có những bước phát triển mới thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch đề ra, xứng đáng với vị trí, vai trò ngày càng quan trọng của ngành logistics trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.
Trước đó, trình bày báo cáo phương hướng hoạt động nhiệm kỳ IX (2024-2027), ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch thường trực VLA nhiệm kỳ VIII nhấn mạnh, nhiệm kỳ VIII của Hiệp hội có thời hạn là 3 năm (2024-2027). Đây là thời kỳ mà quốc gia, khu vực, thế giới đối mặt với nhiều thách thức, suy thoái kinh tế, sự kiện địa chính trị, chiến tranh, thời kỳ khắc phục hậu dịch bệnh COVID -19. Do đó phương hướng hoạt động của Hiệp hội trong nhiệm kỳ IX tới cũng phải hướng tới sự thay đổi thích ứng phù hợp với bối cảnh và tình hình mới trên cơ sở mục tiêu phục vụ lợi ích hội viên, xây dựng cộng đồng logistics Việt vững mạnh.
Phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu mà Quyết định số 200/QĐ-TTg, Quyết định 221/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã đề ra cho ngành dịch vụ 2017-2025. Cụ thể cho các Hội viên của Hiệp hội là: Đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 5%-6%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15%-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50%-60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16%-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ 50 trở lên. Đồng thời, thực hiện tốt các nhiệm vụ và Chính phủ giao cho tại Quyết định 221/QĐ-TTg (VLA đã được Chính phủ tin tưởng giao chủ trì và phối hợp thực hiện 37/61 nhiệm vụ trong Quyết định). Qua đó, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế quốc gia. Cụ thể, về công tác phát triển, kết nối Hội viên, trong nhiệm kỳ IX, VLA tiếp tục xây dựng, củng cố tổ chức và phát triển hội viên, nâng cao chất lượng hoạt động của hội viên, gắn bó hơn với Hiệp hội, có đóng góp nhiều hơn cho Hiệp hội. Phấn đấn phát triển mỗi năm thêm được từ 70 - 100 hội viên mới.
Đẩy mạnh nâng cao năng lực cho hội viên. Trong đó, chú trọng công tác đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số, tập trung thực hiện các dự án có hiệu quả cao cho Hội viên. Phấn đấu tới năm 2030, 100% Hội viên thực hiện có kết quả công tác chuyển đổi số, phục vụ kinh doanh có hiệu quả.Triển khai mạnh mẽ hoạt động Logistics xanh, Logistics thông minh và Logistics phục vụ hiệu quả xuất nhập khẩu nông sản.
Tổ chức các hoạt động kết nối kinh doanh, triển khai Dự án Xếp hạng doanh nghiệp logistics (LSP). Tổ chức các hội thảo chuyên đề hỗ trợ doanh nghiệp hội viên phát triển: xây dựng thương hiệu, quản trị doanh nghiệp, tư vấn pháp luật. Thực hiện việc hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi hội viên: đẩy mạnh công tác khảo sát, xin ý kiến hội viên, trên cơ sở đó tổng hợp, đóng góp ý kiến đối với các văn bản có liên quan đến doanh nghiệp, kiến nghị nhằm giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp hội viên. Tổ chức các hoạt động kết nối hội viên.
Về công tác phản biện chính sách, tiếp tục làm tốt công tác phản biện, tư vấn chính sách của Trung ương và Địa phương nhằm góp phần phát triển, hoàn thiện ngành dịch vụ logistics Việt Nam. Cụ thể, tư vấn, góp ý kiến vào Chiến lược phát triển logistics quốc gia, các địa phương.
Căn cứ kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh logistics cấp tỉnh/vùng Việt Nam hàng năm do VLA chủ trì tổ chức thực hiện để có những tư vấn chính sách phù hợp cho các địa phương trên cả nước. Trong đó, tập trung đề xuất xây dựng quy hoạch vùng: phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, logistics, kho bãi, đào tạo, cải thiện môi trường kinh doanh….Tư cấn chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong bối cảnh tình hình mới.
Ông Đào Trọng Khoa nhấn mạnh, VLA tiếp tục làm tốt công tác phản biện chính sách, đóng góp ý kiến vào việc xây dựng các văn bản chính sách liên quan của các Bộ, ngành, qua đó góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của Hội viên. Chủ động đề xuất một đến hai vấn đề về chính sách phát triển dịch vụ logistics với nhà nước. Hiệp hội có ít nhất là hai công trình Nghiên cứu về phát triển trung tâm dịch vụ logistics vùng trọng điểm kinh tế.
Phối hợp chặt chẽ với các Hiệp hội ngành nghề liên quan trong việc có tiếng nói chung với các cơ quan Nhà nước. Phát triển công tác tư vấn, phản biện chính sách của các ban chuyên môn.
Về công tác hợp tác, đối ngoại, tiếp tục hợp tác với các Hiệp hội ngành nghề trong nước và phát huy vai trò VLA trong hoạt động của AFFA và Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận vận tải quốc tế (FIATA) nhằm thực hiện việc trao đổi, chia sẻ thông tin nghiệp vụ và chính sách; tham gia, tổ chức gian hàng quảng bá hình ảnh, xúc tiến thương mại…
Tận dụng các FTA thế hệ mới để mở rộng thị trường cung cấp dịch vụ Logistics quốc tế, tập trung vào các thị trường khu vực ASEAN, Trung Đông, Châu Phi và Châu Mỹ La Tinh. Nghiên cứu, hợp tác tổ chức các đoàn công tác cho doanh nghiệp hội viên tham gia xúc tiến thương mại ở thị trường quốc tế.
Thúc đẩy quan hệ hợp tác với các Hiệp hội ngành nghề trong nước, nhất là các Hiệp hội đã ký MOU hợp tác, trước hết là phối hợp công tác phản biện chính sách và kết nối doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch VLA cho biết, Hiệp hội tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, nghiên cứu. Cụ thể, đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo nguồn nhân lực và đào tạo kiến thức pháp lý cho Hội viên, công tác phát triển nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững. Phát triển đào tạo Chứng chỉ FIATA Higher Diploma tại chỗ và chuyển giao cho các trường đại học góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành logistics…
Đặc biệt, theo ông Đào Trọng Khoa cho biết, thời gian tới, VLA sẽ tập trung mọi nguồn lực để tổ chức tốt Đại hội Liên đoàn các Hiệp hội giao nhận vận tải quốc tế (FIATA World Congress – FWC) năm 2025 tại Hà Nội.
Có thể bạn quan tâm
18:32, 15/07/2024
02:30, 16/03/2024
15:55, 17/11/2023
15:00, 17/11/2023
13:02, 17/11/2023
11:50, 16/12/2022
15:00, 02/12/2022
14:29, 12/09/2022