Chỉ số VN-Index đối mặt với rủi ro mở rộng nhịp điều chỉnh nếu đánh mất vùng hỗ trợ gần tại 1.256-1.258 điểm trong phiên kế tiếp.
Trong phiên hôm qua, TTCK chứng kiến lực bán quay lại khi chỉ số VN-Index tiệm cận vùng đỉnh cũ đã khiến chỉ số này đảo chiều giảm 0,56% đóng cửa tại 1261.99 điểm. Tuy nhiên dòng tiền vào thị trường vẫn rất mạnh mẽ và tăng hơn 7,5% so với phiên liền trước.
Chỉ số VN30-Index giảm 0,72% mạnh hơn chỉ số chính. Trên sàn HNX - sàn duy nhất tăng điểm phiên 13/5, SHB đóng góp chính vào đà tăng của chỉ số sau khi MSCI Frontier 100 ETF sẽ thêm vào cổ phiếu này trong đợt cơ cấu tháng 05/2021.
Khối ngoại bán ròng hơn 1180 tỷ đồng trong phiên. Lượng bán ròng tập trung tại CTG (396 tỷ đồng), HPG (231 tỷ đồng), NVL (130 tỷ đồng). Khối này mua ròng nhỏ giọt với HCM (34 tỷ đồng), VNM (26 tỷ đồng), VHM (15 tỷ đồng) dẫn đầu chiều mua ròng.
Phiêm giảm điểm hôm qua của thị trường được chuyên gia nhìn nhận là tương đồng với diễn biến TTCK thế giới, sau khi Mỹ công bố chỉ số Giá Tiêu dùng (CPI) trong tháng 4 tăng 4,2% so với cùng kỳ, cao nhất kể từ năm 2008 và vượt xa dự báo trước đó.
Thông tin trên tác động tiêu cực đến cổ phiếu nhóm ngân hàng TCB (-2.5%), MBB (-0.8%), VCB (-0.5%) trước lo ngại rủi ro lạm phát trong nước gia tăng.
Bộ Xây dựng vừa có công văn chỉ đạo lập các kịch bản ảnh hưởng của việc tăng giá thép đến tăng tổng mức đầu tư và khả năng đáp ứng về nguồn vốn để đảm bảo việc triển khai, thực hiện dự án.
Trong đó, xem xét đến việc điều chỉnh chính sách thuế tự vệ đối với phôi thép và các sản phẩm thép xây dựng trong giai đoạn hiện nay. Việc này để giảm giá thành nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp sản xuất thép và giá thép xây dựng bán ra trên thị trường trong nước khiến cổ phiếu thép giảm giá đột ngột.
Cổ phiếu Masan MEATLife (MML) tăng giá 6,5% sau khi Bloomberg đưa tin Masan Group đang lên kế hoạch cho mảng thức ăn chăn nuôi bao gồm việc bán cổ phần cho một đối tác chiến lược.
Theo các chuyên gia phân tích của CTCK Yuanta Việt Nam, thị trường có thể sẽ điều chỉnh về lại ngưỡng hỗ trợ 1.245 điểm của chỉ số VN-Index (tức là đường trung bình 20 ngày).
Đồng thời, Yuanta Việt Nam tiếp tục bảo lưu quan điểm rủi ro ngắn hạn của thị trường vẫn ở mức cao và dòng tiền đang suy yếu cho thấy cơ hội tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn vẫn rất khó khăn. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn vẫn đang trong vùng bi quan cho thấy chiến lược giai đoạn này là nắm giữ tỷ trọng thấp.
Các chuyên gia khuyến nghị, vì xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức trung tính. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu thấp và chỉ nên mua mới với tỷ trọng thấp do rủi ro của thị trường vẫn ở mức cao.
Còn theo CTCK KB Securities Việt Nam (KBSV), với việc một lần nữa chịu ảnh hưởng bởi vùng đỉnh cũ quanh 1.280 điểm và sự xuất hiện của mẫu nến không mấy tích cực, chỉ số đối mặt với rủi ro mở rộng nhịp điều chỉnh nếu đánh mất vùng hỗ trợ gần tại 1.256-1.258 điểm trong phiên kế tiếp.
Trong kịch bản đó, chỉ số sẽ chuyển sang xu hướng đi ngang theo mẫu hình tam giác trong ngắn hạn với vùng hỗ trợ kế tiếp tại quanh 1.230 (+-5).
Về phía nhà đầu tư, các chuyên gia phân tích của KBSV khuyến nghị, tạm thời giảm tỷ trọng các vị thế ngắn hạn đang nắm giữ nếu VN-Index đánh mất vùng hỗ trợ gần.
Có thể bạn quan tâm