Không nằm ngoài dự đoán, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã giảm khá mạnh...
Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam giảm mạnh
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20/3/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 8,55 tỷ USD, bằng 79,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong số này, tổng vốn đăng ký cấp mới đạt 5,5 tỷ USD, tăng 44,8% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là điểm tích cực. Tuy nhiên, có được mức tăng trưởng này chủ yếu là do trong quý I/2020, có Dự án Điện khí LNG Bạc Liêu, vốn đầu tư 4 tỷ USD, được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Trong khi đó, trong quý I/2020, có 236 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 1,07 tỷ USD, bằng 82% so với cùng kỳ năm 2019.
Ngoài ra, còn có 2.523 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị vốn góp gần 2 tỷ USD, tăng 52,6% về số lượt góp vốn, mua cổ phần và chỉ bằng 34,4% giá trị vốn góp so với cùng kỳ năm 2019.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, mặc dù số lượt góp vốn, mua cổ phần trong 3 tháng qua tăng nhiều, song quy mô góp vốn nhỏ, bình quân chỉ có 0,78 triệu USD/ lượt góp vốn (nhỏ hơn nhiều so với quy mô bình quân của quý I năm 2019 là 3,4 triệu USD/lượt góp vốn).
Mặc dù số lượt góp vốn, mua cổ phần tăng nhiều, song quy mô góp vốn nhỏ, bình quân chỉ có 0,78 triệu USD/ lượt góp vốn, nhỏ hơn nhiều so với quy mô bình quân của Quý I/2019 là 3,4 triệu USD/lượt góp vốn.
Xảy ra hiện tượng này bởi trong Quý I/2019 có trường hợp góp vốn, mua cổ phần của Beerco Limited (Hồng Kông) vào công ty TNHH Vietnam Beverage với giá trị vốn góp 3,85 tỷ USD.
Để so sánh chính xác hơn, nếu không tính các dự án lớn trên tỷ USD (Dự án đầu tư mới 4 tỷ USD tại Bạc Liêu năm 2020 và trường hợp góp vốn, mua cổ phần của Beerco vào Beverage năm 2019) thì tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong quý I/2020 chỉ bằng 64,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Cả số lượt dự án đăng ký mới cũng như điều chỉnh mở rộng quy mô dự án đều giảm, tương ứng bằng bằng 95% và 82,8% so với cùng kỳ.
Khác với mọi năm, năm nay, lĩnh vực sản xuất phân phối điện đang tạm dẫn đầu với tổng số vốn đạt hơn 4 tỷ USD, chiếm 47,5% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư 2,72 tỷ USD, chiếm 31,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các lĩnh vực bán buôn bán lẻ, hoạt động kinh doanh bất động sản với tổng vốn đăng ký 682 triệu USD và 264 triệu USD.
Singapore hiện đang tạm dẫn đầu danh sách đầu tư nước ngoài năm 2020 với tổng vốn đầu tư 4,54 tỷ USD, chiếm 53,1% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Các đối tác quen thuộc như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc vẫn tiếp tục giữ vị trí thứ hai, thứ ba, thứ tư…
Có thể bạn quan tâm
11:00, 13/02/2020
01:41, 31/01/2020
11:38, 23/01/2020
10:22, 10/01/2020
12:41, 26/11/2019
11:00, 22/11/2019
16:27, 04/11/2019
Nhiều giải pháp được đưa ra
Dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang ngày càng diễn biến hết sức phức tạp đã làm ảnh hưởng lớn tới việc đi lại của các nhà đầu tư cũng như các quyết định đầu tư mới và mở rộng quy mô dự án hiện có của nhà đầu tư nước ngoài, làm cho thu hút đầu tư nước ngoài trong quý I/ 2020 giảm cả về số lượng cũng như tổng vốn đầu tư đăng ký.
Tuy vậy, vốn đầu tư giải ngân vẫn ở mức khá, đạt 3,85 tỷ USD, bằng 93,4% so với cùng kỳ năm 2019. Mặc dù vẫn giảm so với cùng kỳ, nhưng đây là con số đáng ghi nhận trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng nhiều đến tiến độ triển khai của các dự án.
Trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, Cục Đầu tư nước ngoài đã đề xuất một số giải pháp khắc phục như đề nghị cho phép áp dụng thống nhất nhập cảnh theo hình thức đặc biệt vào Việt Nam sau khi có xét nghiệm âm tính, làm việc tại khu độc lập, tự cách ly, do UBND tỉnh bảo lãnh và giám sát như trường hợp của Tập đoàn Samsung.
Bên cạnh đó, cho phép các chuyên gia, kỹ thuật nước ngoài đang làm việc tại các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài được gia hạn Giấy phép lao động để tạm thay thế cho những người chưa được nhập cảnh.
Ngoài ra, cho phép áp dụng thủ tục thông quan nhanh đối với nguyên vật liệu, hàng hóa nhập khẩu để sản xuất trong thời gian đang có dịch. Các doanh nghiệp tự kê khai và tự chịu trách nhiệm. Dựa trên kết quả hậu kiểm sau thông quan và công tác quản lý nhà nước sau này, trường hợp lợi dụng chính sách đặc biệt trong thời gian dịch bệnh sẽ bị xử lý nghiêm...
Theo nhiều đánh giá, dịch COVID-19 sẽ có tác động và thay đổi lớn về chuỗi cung ứng trên toàn cầu. Từ góc độ thống kê, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, vẫn còn có những điểm thuận lợi cho Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài. Chẳng hạn, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể dẫn tới một số thuận lợi về thu hút và dịch chuyển đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Chưa kể, việc Việt Nam đã và đang tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, trong đó có FTA Việt Nam - EU (EVFTA), cũng đang tạo nên những nền tảng và bệ đỡ quan trọng để dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào Việt Nam.
“Đây là cơ hội để Việt Nam có chính sách thu hút các nhà đầu tư đang có ý định thu hẹp sản xuất ở nước láng giềng và đầu tư vào Việt Nam. Các đơn vị xúc tiến đầu tư cần chủ động làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài đã có kế hoạch đầu tư tại Việt Nam để trao đổi, định hướng và thống nhất sơ bộ về thủ tục đầu tư, không để các nhà đầu tư đợi cho đến khi dịch bệnh được xử lý dứt điểm mới lại tiến hành thủ tục đầu tư”, ông Nguyễn Bích Lâm nói.
Trong quý I năm 2020, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm đạt 49,3 triệu USD, bằng 41,1% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó có 27 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đầu tư bên Việt Nam đạt 22,9 triệu USD (bằng 28,5% so với cùng kỳ 2019) và 6 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư với vốn đầu tư Việt Nam tăng thêm 26,3 triệu USD (bằng 66,4% so với cùng kỳ năm 2019). |