Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào ngành da giày dù giảm tốc trong năm 2017, song được kỳ vọng sẽ nhộn nhịp trở lại trong năm nay, với sự xuất hiện của nhà đầu tư lớn đến từ Mỹ.
Ngóng vốn từ tập đoàn lớn của Mỹ
Thu hút FDI vào ngành giày dép được kỳ vọng sẽ khả quan trong năm nay, bởi uy tín xuất khẩu của ngành giày dép, túi xách Việt Nam đã được củng cố trên thị trường thế giới, Việt Nam vẫn được đánh giá là một địa chỉ thu hút đầu tư hiệu quả trong số các điểm đến của ngành giày dép.
“Tôi vừa mời Tập đoàn Sketcher, hãng giày lớn đến từ California (Mỹ) nghiên cứu đầu tư vào một địa phương ở miền Bắc Việt Nam, cụ thể là tỉnh Hải Dương. Đây là một dự án lớn, với quy mô có thể lên tới 20.000 lao động”, ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Tập đoàn TBS Group (Bình Dương), đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) tiết lộ.
Có thể bạn quan tâm |
Sketcher là một trong những tập đoàn sản xuất giày dép lớn tại Mỹ, hiện là thương hiệu cạnh tranh khốc liệt nhất với 2 “đại gia” Nike và Adidas.
“Năm vừa qua, tập đoàn này đã phân phối hơn 200 triệu sản phẩm và họ có ý định chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam và tỉnh Hải Dương là địa chỉ đầu tư được Lefaso tư vấn để họ cân nhắc. Nhà đầu tư này cho biết, việc đầu tư dự án 700 triệu USD - 1 tỷ USD vào Việt Nam là khả thi”, ông Thuấn cho biết thêm.
Ngành da giày Việt Nam có được năng lực sản xuất lớn và quy mô xuất khẩu tăng nhanh như hiện nay nhờ sự đóng góp lớn của dòng vốn FDI. Chỉ tính riêng trong năm 2017, hơn 1 tỷ đôi giày dép đã được cung cấp từ Việt Nam, đứng thứ hai, sau Trung Quốc với 13,8 tỷ đôi.
Các nhà nhập khẩu Mỹ, EU… đã không còn xa lạ với Tập đoàn Pou Chen (Đài Loan), với hàng tỷ USD vốn đầu tư vào Việt Nam, cùng hệ thống nhà máy sản xuất sử dụng hàng trăm ngàn lao động địa phương.
Tập đoàn Pou Chen là doanh nghiệp lớn nhất thế giới về lĩnh vực sản xuất giày thể thao, chuyên gia công các loại giày thể thao cho các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới như Nike, Adidas, Asics, New Balance…
Pou Chen có mặt tại Việt Nam từ năm 1994, với nhà máy đầu tiên đặt tại tỉnh Đồng Nai. Đến nay, Pou Chen đã mở rộng đầu tư sản xuất ra nhiều tỉnh, thành phố, như Tiền Giang, Tây Ninh, TP.HCM…, với gần chục nhà máy quy mô lớn. Tổng vốn đầu tư của tập đoàn này tại Việt Nam đã vượt 1 tỷ USD, tạo việc làm cho gần 200.000 lao động trong nước.
Tháng 4/2017, Công ty IDEA (Macao Commercial Offshore) Limited thuộc tập đoàn này đã ký thỏa thuận thuê 20 ha tại Khu công nghiệp Tân Tạo (TP.HCM), với tổng số tiền là 500 tỷ đồng (hơn 20 triệu USD).
Theo đại diện của Pou Chen, sau khi ký hợp đồng thuê đất tại Khu công nghiệp Tân Tạo, nhà đầu tư đã khẩn trương triển khai các thủ tục theo quy định để xây dựng nhà máy. Dự kiến, khi đi vào hoạt động, nhà máy này sẽ thu hút hơn 100.000 lao động.
Kỳ vọng thay đổi
Trái ngược với sự nhộn nhịp của dòng vốn FDI đổ vào ngành giày dép xuất khẩu vài năm trước đó, năm 2017, dòng vốn này đã giảm tốc đáng kể.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Lefaso xác nhận, năm 2017, kim ngạch nhập khẩu da thuộc và máy móc, thiết bị tăng chậm lại so với năm trước, phản ánh khá rõ dòng vốn FDI vào ngành này chững lại. Trong khi đó, xuất khẩu giày dép, túi xách trong năm qua đạt 18 tỷ USD, tăng gần 11%, trong đó, khối doanh nghiệp FDI chiếm hơn 80% tổng kim ngạch xuất khẩu.
“Tuy nhiên, điều đáng mừng là xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước tăng 7%, trong khi năm 2016 tăng trưởng âm”, bà Xuân cho biết.
Cụ thể, nhập khẩu máy móc, thiết bị trong 11 tháng năm 2017 giảm còn 146 triệu USD, trong khi năm 2015-2016 đều đạt 170 triệu USD/năm. Nhập khẩu da thuộc cũng giảm còn 1,5 tỷ USD, so với gần 1,6 tỷ USD của năm 2016.
Nhìn rộng ra, sự sụt giảm đầu tư còn thấy rõ hơn với các doanh nghiệp trong nước, khi tỷ trọng xuất khẩu của doanh nghiệp nội tiếp tục giảm, từ mức 25% năm 2013 xuống còn 19,4% năm 2017. Kéo theo đó là tỷ trọng xuất khẩu giày dép giảm từ 24,4% năm 2013 xuống 19,5% và túi xách các loại giảm từ 27,9% năm 2013 xuống còn 19,9%.
Thực tế, vốn FDI vào ngành giày dép trong năm 2017 sụt giảm không quá khó hiểu. Theo đại diện Lefaso, việc Mỹ tuyên bố rút Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) từ cuối 2016 là nguyên nhân chính khiến nguồn vốn đầu tư này giảm tốc. Đầu tư vào ngành này đã không còn nhộn nhịp như trước, nhằm đón đầu cơ hội từ TPP.
Tuy vậy, vẫn còn cửa sáng để kỳ vọng dòng vốn FDI vào ngành giày dép tăng trở lại, đặc biệt là nhằm tận dụng cơ hội thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường EU, bởi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực trong năm nay.