Phiên giao dịch 16/8, cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup được khối ngoại rót tiền mua tăng hết biên độ cho phép.
VinFast chính thức niêm yết trên Nasdaq Global Select Market - giá trị vốn hoá hơn 23 tỷ USD
Cổ phiếu VIC tăng kịch trần 6,9% lên mức 75.600 đồng/cp với gần 11 triệu đơn vị được khớp lệnh, dư mua giá trần gần 4 triệu cổ phiếu. Đây cũng là mức giá cao nhất của mã chứng khoán này trong vòng hơn một năm qua. Phiên giao dịch này khối ngoại đã mua 3,6 triệu cổ phiếu với tổng giá trị giao dịch 272 tỷ đồng.
Như vậy, tính từ cuối tháng 7 tới nay, VIC có tới 4 phiên đóng cửa tại mức giá trần, thị giá tăng một mạch 48% chỉ sau chưa đầy một tháng. Thanh khoản trở nên sôi động với gần 12 triệu cổ phiếu được giao dịch mỗi phiên. Tính tới thời điểm sáng 16/8, vốn hóa thị trường của VIC đạt tới 288.330 tỷ đồng (gần 12 tỷ USD), tương ứng tăng gần 94.000 tỷ đồng (gần 4 tỷ USD) sau gần một tháng.
Vì sao cổ phiếu VIC tăng mạnh như vậy?
Theo các chuyên gia, sự kiện cổ phiếu VFS của VinFast chính thức chào sàn Nasdaq ngày 15/08 đánh dấu bước tiến lớn trên con đường hiện thực hóa giấc mơ toàn cầu của Tập đoàn VIC. Ngày 15/08, cổ phiếu VFS chào sàn ở mức giá 22 USD/cp, nhưng sau đó biến động cực mạnh. Cổ phiếu của VinFast có lúc giảm xuống 16 USD/cp trước khi tăng vọt và khép phiên ở mức 37 USD/cp. Với mức giá này, vốn hóa của VinFast vượt 85 tỷ USD và lọt top 5 công ty sản xuất xe lớn nhất trên toàn cầu.
Về tình hình kinh doanh của VIC, báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của Tập đoàn với tổng doanh thu thuần hợp nhất quy đổi, bao gồm doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản ghi nhận vào thu nhập tài chính đạt 102.530 tỷ đồng, tăng 112% so với cùng kỳ.
Kết quả tăng chủ yếu nhờ tốc độ bàn giao mạnh mẽ các căn bất động sản thấp tầng tại dự án Vinhomes Ocean Park 2 trong kỳ. Bên cạnh đó, các lĩnh vực khác gồm kinh doanh bất động sản đầu tư, dịch vụ khách sạn, du lịch, vui chơi giải trí và sản xuất đều ghi nhận tăng trưởng.
Đáng chú ý, doanh thu mảng sản xuất trong 6 tháng đầu 2023 tăng 55,2% so với cùng kỳ 2022 nhờ doanh số xe điện tăng mạnh, gấp 5 lần so với cùng kỳ trong khi doanh thu xe xăng còn không đáng kể do đã ngừng sản xuất. Kết quả, VIC báo lợi nhuận trước thuế hợp nhất 6 tháng đầu năm 2023 đạt 7.936 tỷ đồng, tăng 128% so với cùng kỳ năm 2022. Tại ngày 30/6/2023, tổng tài sản của Tập đoàn tăng nhẹ đạt 607.981 tỷ đồng.
Trước đó, quý 1/2023, VIC lãi trước thuế 4.264 tỷ đồng, như vậy ước tính công ty mang về 3.672 tỷ đồng lợi nhuận trong quý 2/2023, gấp 2,61 lần cùng kỳ.
Trong quý 2/2023, VIC đã huy động và giải ngân hơn 22,4 nghìn tỷ đồng, bao gồm các khoản vay hợp vốn tổng cộng 430 triệu đô la từ thị trường vốn quốc tế, và thanh toán đúng hạn tổng cộng 20 nghìn tỷ các khoản nợ đến hạn trong kỳ.
Ở lĩnh vực kinh doanh bất động sản đầu tư và các dịch vụ liên quan, trong đó đóng góp lớn nhất từ Vincom Retail, quý 2/2023, lĩnh vực này tiếp tục ghi nhận tăng trưởng vững chắc, song hành cùng sự phát triển trở lại của thị trường bán lẻ, với tổng doanh thu thuần hợp nhất tăng trưởng 17% và lợi nhuận sau thuế hợp nhất tăng trưởng hơn 29% so với cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận thuần từ hoạt động cho thuê trung tâm thương mại 6 tháng đầu 2023 đạt 76%, tăng 4 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2023, VIC lên kế hoạch kinh doanh với 190.000 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 90% so với cùng kỳ và 2.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, sau 6 tháng, VIC đã hoàn thành 53% chỉ tiêu doanh thu.
Có thể bạn quan tâm
Vingroup trao 120 tỷ đồng học bổng khoa học công nghệ năm 2023
09:00, 25/07/2023
Vingroup và K-Sure ký MOU thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế
17:02, 04/07/2023
Vingroup, VinFast và Vinhomes giành 5 giải vàng tại Financeasia Awards 2023
09:54, 26/06/2023
Vingroup nhận giải thưởng “Chiến lược phát triển bền vững tốt nhất Việt Nam năm 2023”
11:38, 19/04/2023