Chứng khoán

Vốn ngoại có tín hiệu đảo chiều, sẽ quay lại vào 2025?

An Định 09/12/2024 13:26

Khối ngoại đã bán ròng khoảng 88 nghìn tỷ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam từ đầu năm đến nay. Nhưng tín hiệu mua ròng đã xuất hiện những phiên gần đây.

Trong tuần trước, khối ngoại đã phiên mua ròng bùng nổ trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam ngay sau khi dữ liệu thất nghiệp của Mỹ được công bố, đi cùng là triển vọng giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.

CK quoc te
Động thái của khối ngoại trên TTCK Việt Nam phản ứng nhanh nhạy và tích cực với diễn biến toàn cầu. Ảnh minh họa

Việc khối ngoại quay trở lại mua ròng là trợ lực rất lớn đối với thị trường, đặc biệt VN30. Các ngành và cổ phiếu vốn hóa lớn được mua lớn bởi khối ngoại đều có phản ứng giá rất tích cực, tiêu biểu SSI, CTG, TCB, HPG, DXG.

Tuy nhiên, lực mua của khổi ngoại có giữ được ổn định và dài hơi hay không, hay triển vọng tháng 12 của dòng tiền khối này như thế nào?

Nhìn về dòng tiền của khối ngoại trong suốt tháng 11, nhóm phân tích SSI Research ghi nhận khối ngoại có tháng bán ròng gần như xuyên suốt tại TTCK Việt Nam và có dấu hiệu quay lại mua ròng trong tuần cuối tháng khi tỷ giá trong nước hạ nhiệt. Giá trị bán ròng của khối ngoại tăng lên gần 12 nghìn tỷ đồng trong tháng 11. Tỷ trọng giao dịch của khối ngoại tăng lên ngưỡng 13,92% vào cuối tháng 11, cao nhất kể từ tháng 4/2023. Điều này tương đồng với diễn biến dòng vốn toàn cầu với xu hướng vào ròng quỹ cổ phiếu tiếp diễn mạnh mẽ nhưng chủ yếu tập trung ở TTCK Mỹ và dòng vốn vào thị trường đang phát triển (EM) đảo chiều rút ròng.

Von ETF

Ghi nhận diễn biến cụ thể của dòng tiền nhóm quỹ, theo SSI Research, các quỹ ETF đẩy mạnh rút vốn trong tháng 11 sau hai tháng chậm lại, với tổng giá trị lên đến 1,48 nghìn tỷ đồng, so với mức 700 tỷ trong tháng 9 và 300 tỷ trong tháng 10. Đây là tháng rút ròng liên tiếp thứ 11 trong năm nay, nâng giá trị rút ròng từ đầu năm lên -22,78 nghìn tỷ đồng, tương đương -30% tổng tài sản vào cuối năm 2023, đưa tổng tài sản các quỹ ETF về 56,5 nghìn tỷ đồng.

Áp lực rút vốn tăng mạnh ở nhóm quỹ Mỹ Âu, điển hình là quỹ VanEck (642 tỷ) và quỹ Xtrackers FTSE Vietnam ETF (214 tỷ), tương đồng với bối cảnh dòng tiền rút mạnh ở thị trường đang phát triển. Bên cạnh đó, các quỹ nội là DCVFM VN30, DCVFM VNDiamond và MAFM VNDIAMOND ETF cũng đảo chiều rút ròng trong tháng này với giá trị lần lượt là 301 tỷ, 204 tỷ và 82 tỷ đồng.

Quy chu dong

Ngược lại, quỹ Fubon giao dịch tích cực hơn sau 6 tháng bán mạnh liên tiếp, giá trị rút ròng giảm đáng kể về -28 tỷ trong tháng 11. Quỹ SSIAM VNFIN Lead ghi nhận dòng vốn đảo chiều vào ròng nhẹ +16 tỷ đồng sau 8 tháng rút ròng liên tiếp. KIM Growth VN30 (+34 tỷ) là quỹ duy nhất duy trì được dòng vốn vào tích cực trong nhiều tháng.

Tín hiệu tích cực hơn từ quỹ Fubon – quỹ ETF có tổng tài sản lớn nhất ở thị trường Việt Nam trong nửa cuối tháng 11 hay Bộ Tài Chính đang tiến hành sửa đổi Nghị định 155 với dự thảo cho phép các CTCK có thể đăng ký làm tổ chức tạo lập thị trường chứng chỉ quỹ ETF giúp tạo thanh khoản cho quỹ ETF nội, mở ra nhiều cơ hội hơn cho các quỹ ETF mới niêm yết trên thị trường, theo SSI Research.

Một điều cũng phải nói thêm là quỹ Fubon theo dữ liệu ghi nhận thường có xu hướng tăng mua vào giai đoạn cuối năm. Điều này tương khớp với động thái quỹ trong tháng vừa qua và khả năng chờ đợi dòng tiền từ quỹ lớn này trên thị trường.

Nhóm các quỹ chủ động trong khi đó có giao dịch tương đối phân hóa trong tháng 11. Trong khi các quỹ chủ đông chỉ đầu tư vào Việt Nam thu hẹp đà rút ròng xuống chỉ còn khoảng 500 tỷ, ngược lại các quỹ đầu tư đa quốc gia duy trì đà rút ròng mạnh (khoảng 1,2 nghìn tỷ đồng), nâng tổng mức rút ròng từ các quỹ chủ động trong tháng 11 lên tới 1,7 nghìn tỷ đồng.

Theo các chuyên gia SSI, giao dịch từ cả nhóm quỹ chủ động và ETF đang nghiêng nhiều theo xu hướng rút ròng từ các thị trường đang phát triển và triển vọng trong tháng 12 cũng chưa quá nhiều kỳ vọng khi thị trường Mỹ vẫn đang thu hút phần lớn sự chú ý.

Kết quả khả quan sau 1 tháng triển khai sản phẩm NPS và các đánh giá tích cực của FTSE Russell đối với sản phẩm này sẽ là yếu tố có thể thu hút dòng tiền khối ngoại quay trở lại Việt Nam trong năm 2025 khi dòng tiền chuyển dịch tìm tới thị trường đang phát triển, các chuyên gia nhìn nhận.

Nhận định về dòng tiền và các động thái khối ngoại theo diễn biến thị trường, ông Đoàn Minh Tuấn, Trưởng phòng Phân tích FIDT cho rằng họ có sự phản ứng khá nhanh nhạy và tích cực đối với diễn biến toàn cầu.

"Chúng tôi giữ quan điểm áp lực khối ngoại bán ròng trong năm 2024 đã gần như chấm dứt, ngay thời điểm cuối năm. Đây bắt đầu là thời điểm dòng vốn ngoại mới trở lại tìm kiếm cơ hội mới, đặc biệt với triển vọng tích cực rằng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được nâng hạng lên thị trường mới nổi loại 2 bởi FTSE ngay trong kỳ tháng 3/2025 sắp tới", ông Tuấn cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vốn ngoại có tín hiệu đảo chiều, sẽ quay lại vào 2025?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO