Vốn xanh cho nền kinh tế tuần hoàn

Diendandoanhnghiep.vn Tài chính khí hậu được dự báo sẽ mang đến nguồn vốn tốt hơn cho các doanh nghiệp đầu tư, phát triển, sản xuất kinh doanh, đóng góp cho kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn năm 2022 và những năm tiếp theo.

Lễ ký kết thỏa thuận tín dụng giữa IFC và HDBank. Ảnh: HDB

Tài chính khí hậu là thuật ngữ chỉ kênh tài chính mà các nước có nền kinh tế phát triển sử dụng để đầu tư hoặc tài trợ một phần cho các dự án phát triển bền vững ở các nền kinh tế mới nổi để khuyến khích trung hòa khí carbon.

Tiền đề cho tài chính khí hậu

Trước đây, tài chính khí hậu chưa được đề cập nhiều ở Việt Nam. Tuy nhiên trong vòng khoảng 1 thập niên trở lại đây, đặc biệt kể từ năm 2012 khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg (2012) về “Phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050”, thì các dự án xanh mới bắt đầu được khuyến khích phát triển. Đến 2015 và 2017, Ngân hàng Nhà nước đã có thêm quy định khuyến khích các ngân hàng đẩy mạnh hơn nữa tín dụng xanh, có tiêu chí chọn lọc dự án cụ thể… Theo đó, tín dụng xanh trong nước đã được các ngân hàng quan tâm bắt đầu từ giai đoạn 2015 và mở rộng dần cho đến nay.

2021 là năm tài chính khí hậu mới thực sự tích tụ để bùng nổ; đi cùng với sự sôi động của các dự án năng lượng tái tạo tiếp tục phát triển các giai đoạn mới. Trên thực tế, vào năm 2020, do các chính sách về quản lý điện, nên không ít dự án đã phải chạy đua đấu nối, hòa lưới điện quốc gia vào cuối năm dẫn đến dự báo vốn cho năng lượng tái tạo có thể sẽ bị thu hẹp; song ở 2020 đó lại chỉ là một phần của dự án, của giai đoạn trên dự án, các doanh nghiệp không chỉ tiếp tục cần vốn để cấu trúc nợ cho giai đoạn chạy đua vừa qua mà mặt khác, cần hơn nguồn vốn khủng để nối tiếp, triển khai, hoàn thiện các giai đoạn mới.

Xu hướng tín dụng xanh trong hoạt động tài chính tại Việt Nam

Điều kiện thúc đẩy tài chính khí hậu lớn nhất trong năm 2022, trải tiền đề cho dòng chảy vốn dự báo bùng nổ về mặt huy động lẫn giải ngân, lớn nhất phải kể đến cam kết của Việt Nam về tham gia chống biến đổi khí hậu tại Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu năm 2021 (COP26) diễn ra vào đầu tháng 11/2021. Tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu cam kết của Việt Nam thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050". Qua đó, Việt Nam dự kiến có thể thu hút được nguồn tài chính xanh từ gói tài chính được cam kết từ các quốc gia với 100 tỉ USD mỗi năm cho phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và năng lượng tái tạo.

Cơ hội thu hút hàng tỷ USD

Theo cam kết của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, nhiều định chế quốc tế và Việt Nam đã lập tức có kế hoạch hành động. Hàng tỷ USD tài chính xanh, hỗ trợ Việt Nam chống biến đổi khí hậu thông qua tài trợ, hợp tác cho các tổ chức tín dụng trong nước đã lập tức được ký kết.

Vào cuối tháng 12/2021, International Finance Corporation (IFC) thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) đã ký kết ký kết cung cấp 70 triệu USD cho HDBank nhằm tăng nguồn vốn cho các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Theo đó, HDBank sẽ mở rộng danh mục về tài chính khí hậu lên mức 800 triệu USD trước năm 2025, góp phần giảm phát thải hơn 54.000 tấn carbon dioxide mỗi năm từ giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo.

IFC cũng là tên tuổi gắn với các khoản vốn tài trợ nhiều ngân hàng khác, cùng với ADB, AFD, WB... Chẳng hạn như tại OCB, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc cho biết đã bắt đầu đẩy mạnh tín dụng xanh từ năm 2018 cho đến nay với sự đồng hành và tài trợ của 2 tổ chức tài chính lớn là ADB và IFC. Năm 2021, chính 2 tổ chức này đã tăng hạn mức tài trợ cho OCB: ADB cấp 25 triệu USD và hạn mức tài trợ thương mại 100 triệu USD; IFC cấp hạn mức vay 100 triệu USD và hạn mức tài trợ thương mại 60 triệu USD – Tất cả cho các chương trình tín dụng xanh.

Một số ngân hàng khác cũng có các mô hình huy động, gia nhập cuộc đua cung cấp vốn xanh như: TPBank đã ký hợp đồng khoản vay dài hạn 20 triệu USD trong vòng 3 năm từ Quỹ Hợp tác khí hậu toàn cầu; Quỹ Hợp tác khí hậu toàn cầu cũng ký với Nam A Bank chương trình Tín dụng xanh nhằm cung cấp tín dụng trung và dài hạn cho các dự án thúc đẩy giảm khí thải CO2 và các dự án tiết kiệm tối thiểu 20% nhu cầu năng lượng...

Có thể thấy dấu ấn của các định chế, tổ chức từ các nước phát triển trong đầu tư Xanh – trong thúc đẩy tài chính khí hậu qua ngân hàng Việt là rất rõ và dự kiến sẽ ngày càng sâu đậm, hậu thuẫn cho chiến lược cam kết hướng đến Zero carbon của Việt.

Bao giờ xanh hóa tài chính toàn diện?

Tuy nhiên, sự bùng nổ từ phía thu hút vốn xanh cho nền kinh tế thông qua hệ thống ngân hàng, vẫn cần chờ giải ngân phía tương lai. Nếu nhìn lại thời gian trước và có lẽ cả 2021, hiệu quả của tín dụng xanh nói chung và tài chính khí hậu nói riêng vẫn chưa cao. Theo số liệu của NHNN, tính đến quý I/2021, có 67 tổ chức tín dụng triển khai tín dụng xanh, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh chiếm 3,6% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tăng 0,46% so với năm 2020. Tỷ trọng này rõ ràng là nhỏ giọt so với tổng dư nợ hàng triệu tỷ đồng với tăng trưởng đều trên 12% được duy trì trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, một trong những nguyên do chính khiến vốn xanh vẫn chưa thể “vươn tán” rộng trong nền kinh tế, là bởi chiến lược “xanh hóa” tài chính chưa thực sự được triển khai bao trùm. Theo TS. Cấn Văn Lực và các cộng sự thuộc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, một chiến lược như vậy phải bao trùm toàn bộ các bộ phận cấu thành của hệ thống tài chính: trung gian tài chính xanh, thị trường tài chính xanh, công cụ huy động vốn xanh và đầu tư xanh; song hành cùng xu hướng đầu tư bền vững (qua các quỹ ESG) đang trở thành xu hướng chủ đạo trên toàn cầu.

Chưa kể việc giải ngân tài chính khí hậu trọng điểm vẫn thường chỉ rơi vào năng lượng tái tạo, các lĩnh vực có tính tạo biến đổi “xanh” gián tiếp như giáo dục... không dễ để giải ngân khi bắt buộc dùng vốn của định chế quốc tế, theo chứng minh giải ngân đúng quy định và sao cho chứng minh dễ dàng nhất.

Có thể thấy, một chiến lược xanh hóa tài chính toàn diện vẫn cần sự thay đổi toàn diện và không chỉ “trông đợi” nguồn hỗ trợ tài chính khí hậu từ một vài phía. “Khí hậu” tài chính sẽ chỉ thay đổi khi có sự tác động và thay đổi từ tư duy trước hết của các chủ thể tham gia hấp thụ vốn trên thị trường. Cũng như, sự chủ động trong tiếp cận tài chính khí hậu ngoài tín dụng để rót vốn vào các lĩnh vực phù hợp tạo cú hích thay đổi toàn diện.

Một chuyên gia cho rằng, điều này cần áp dụng theo nguyên lý: có cầu ắt có cung – Một khi các doanh nghiệp có nhận thức rõ về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, có tập trung đầu tư nghiên cứu ứng dụng công nghệ bảo vệ môi trường, thì sẽ cần tìm hiểu về tín dụng xanh bao gồm điều kiện, thủ tục vay vốn và phát triển mối quan hệ với các tổ chức tín dụng để tiếp cận nguồn vốn cho các cơ hội đầu tư xanh; cũng như, tìm hiểu các điều kiện để tiếp cận tài chính xanh trên thị trường vốn nói chung.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Vốn xanh cho nền kinh tế tuần hoàn tại chuyên mục DIỄN ĐÀN TÀI CHÍNH của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713622254 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713622254 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10