Ngoài 39 nghề “xanh”, còn có 88 nghề khác tại Việt Nam có tiềm năng trở thành nghề “xanh” chiếm đến 41% tổng số việc làm.
>>>Tìm kiếm cơ hội việc làm trong tương lai: 4 điều cần chú ý
Nền kinh tế Việt Nam đang chuyển đổi tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, việc làm “xanh” là một trong những định hướng chiến lược.
Theo ManpowerGroup Việt Nam, nhu cầu việc làm “xanh” và kỹ năng “xanh” trên thị trường lao động Việt Nam là rất lớn. Đó là những việc làm hướng đến hành động bảo vệ môi trường, giảm phát thải và thực hiện những tiêu chí về phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Còn Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhận định: việc làm “xanh” được triển khai trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải... Trong đó, nông nghiệp có mức độ tập trung việc làm “xanh” tiềm năng cao nhất.
Theo kết quả nghiên cứu của WB và Tổng cục Thống kê, việc làm “xanh” tại Việt Nam hiện chỉ chiếm một phần nhỏ (3,6%) trong tổng số việc làm, tương đương với tỷ lệ việc làm “xanh” của Hoa Kỳ, Indonesia và Campuchia. Các ngành có mức độ tập trung việc làm “xanh” cao nhất là điện, khí đốt và cấp nước (23%), khai mỏ (5%), dịch vụ thị trường (5%).
Tuy nhiên, trong tương lai tỷ lệ trên dự báo tăng bởi ngoài 39 nghề “xanh”, còn có 88 nghề khác có tiềm năng trở thành nghề “xanh” từ việc xanh hóa nền kinh tế Việt Nam với số việc làm chiếm 41% tổng số việc làm.
Bà Abla Safire - đại diện nhóm nghiên cứu cho biết: việc làm "xanh" và việc làm trong các ngành xanh tập trung nhiều hơn ở vùng đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, vùng đồng bằng sông Cửu Long. Các tỉnh có mức độ việc làm xanh cao nhất là Yên Bái (13%), Bạc Liêu (12%) và Sóc Trăng (9%). Trong khi đó, khu vực Tây Bắc, Đông Bắc và Tây Nguyên đang tụt hậu về tỷ trọng và mức độ việc làm xanh.
Liên quan đến việc làm “xanh”, trước đó, ManpowerGroup Việt Nam đã thực hiện khảo sát và nhận thấy, những vị trí việc làm “xanh” được áp dụng từ năm 2022 đến nay tại Việt Nam chủ yếu quản lý kỹ thuật dự án, giám sát xây dựng, giám đốc đầu tư, giám đốc quản lý vận hành…
Nhu cầu về việc làm “xanh” ngày càng nhận được sự quan tâm lớn của người lao động. Điều này thể hiện rất rõ qua việc tìm kiếm việc làm hướng đến các doanh nghiệp “xanh” của ứng viên.
Từ thực tiễn tuyển dụng, đại diện ManpowerGroup Việt Nam cho biết, trước đây ứng viên quan tâm nhiều đến ngành nghề, hoạt động của công ty, mức lương, địa điểm làm việc…, thì hiện nay nhà tuyển dụng nhận được nhiều câu hỏi về các hoạt động xã hội của công ty. Ngược lại, trong thông báo tuyển dụng, nhiều doanh nghiệp đã chia sẻ nhiều hơn các thông tin về trách nhiệm cao với cộng đồng, môi trường. Theo các doanh nghiệp, đây là thông tin hấp dẫn đối với các ứng viên, nhất là lao động trẻ.
Việc làm “xanh” là xu hướng trên toàn cầu khi các quốc gia đang hướng đến tăng trưởng xanh, Việt Nam đã có xu hướng này và còn tiếp tục nở rộ trong thời gian tới. Tuy nhiên, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Trung Tiến cho biết, tại Việt Nam hiện chưa có định nghĩa thống nhất về việc làm "xanh" cũng như chưa có phân tích mang tính hệ thống về việc làm "xanh", đặc biệt là ít có những phân tích kỹ năng cần có để thực hiện, áp dụng các chính sách phát triển xanh.
>>>Vì sao WB đề xuất người lao động cần học 4 bộ kỹ năng mới?
Trao đổi về nội dung trên, ông Ngô Xuân Liễu - Giám đốc Trung tâm quốc gia về dịch vụ việc làm (Cục Việc làm, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) thông tin, trung tâm sẽ phối hợp với ngành thống kê xây dựng tiêu chí, phương pháp đo lường việc làm "xanh"; hệ thống cập nhật và tổng hợp thông tin về việc làm "xanh"; đồng thời, tăng cường dự báo nhu cầu nguồn nhân lực và khả năng cung ứng nguồn nhân lực nói chung, nhu cầu nhân lực cho tăng trưởng "xanh" nói riêng.
Cùng với đó, Cục Việc làm sẽ hoàn thiện và phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động; trong đó, có các thông tin về ngành nghề xanh (dự báo nhu cầu lao động, yêu cầu về năng lực, kỹ năng...), kết nối cung và cầu trong thị trường lao động nói chung, việc làm "xanh" nói riêng.
Trên cơ sở đó, các chuyên gia khuyến cáo, cần chú trọng đầu tư nâng cao kỹ năng cho người lao động như kỹ năng số, kỹ năng ứng xử xã hội… nhằm phù hợp với các vị trí việc làm "xanh", đáp ứng nhu cầu trong nước và toàn cầu. Kỹ năng cao hơn giúp người lao động dễ dàng đáp ứng được các công việc thân thiện với môi trường hơn. Đồng thời, lồng ghép các vấn đề môi trường và khí hậu vào trong chương trình giáo dục và đào tạo.
Có thể bạn quan tâm
Nhiều cơ hội việc làm Web3 trong kỷ nguyên số
07:39, 30/05/2023
Việc làm bền vững cho tất cả mọi người
04:15, 01/05/2023
Tự chủ việc làm giải quyết tăng trưởng kinh tế
21:53, 13/04/2023
VCCI ký khung hợp tác quốc gia việc làm thoả đáng
08:28, 29/03/2023
Gắn kết đào tạo nghề với tạo việc làm để giảm nghèo bền vững
17:03, 20/12/2022
Những xu hướng đáng chú ý của thị trường lao động
01:30, 08/07/2022
“Hiện đại hoá” thị trường lao động
09:20, 01/05/2022