Giới thiệu công nghệ mới trong lĩnh vực cấp thoát nước của Việt Nam, mang lại cái nhìn đa chiều và nâng cao năng lực xây dựng, hội nhập xu hướng phát triển trên thế giới.
>>Xã hội hóa cấp, thoát nước: Chính sách cần khả thi
Đó là mục tiêu chính mà Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong và Chi hội cấp thoát nước miền Bắc hướng đến tại Hội thảo cấp thoát nước và sản phẩm diễn ra tại Hải Phòng vừa qua. Chương trình thu hút hơn 400 khách mời là những doanh nghiệp cấp thoát nước, nhà thầu xây dựng, đơn vị tư vấn ở phía Bắc.
Xu hướng vật liệu mới cho ngành xây dựng
Sau thời gian dài ảnh hưởng của dịch bệnh, quá trình xây dựng nhà ở và hộ gia đình đang diễn ra mạnh mẽ, kéo theo sự sôi động trở lại của thị trường bất động sản. Đối với các công trình nhà ở, hạ tầng kỹ thuật thì các vật tư, thiết bị trong lĩnh vực cấp thoát nước đóng vai trò quan trọng. Xu hướng sử dụng vật tư, thiết bị cấp, thoát nước hướng đến sản phẩm có tính năng mới như ống HDPE, PPR,.. thay thế một số vật liệu truyền thống ống gang, thép. Những sản phẩm này hội tụ nhiều tính năng lý tính: chịu nhiệt, chịu áp lực, không bị ăn mòn, thuận lợi trong thi công, tiết kiệm thời gian, mang lại chất lượng công trình tốt hơn.
Hiện nay, việc áp dụng các công nghệ tiên tiến, phù hợp với điều kiện Việt Nam trong lĩnh vực cấp thoát nước đang được các công ty cấp thoát nước quan tâm, đây cũng là yêu cầu cấp thiết hướng tới phát triển ngành nước một cách bền vững. Được đánh giá là một ngành công nghiệp trẻ nhưng ngành nhựa vật liệu xây dựng tại Việt Nam lại khẳng định được vị thế của mình với sự tăng trưởng cao trong giai đoạn 2010 – 2020.
Tuy nhiên, gần 80% doanh nghiệp nhựa trong nước có quy mô vừa và nhỏ, chưa thực sự đầu tư vào công nghệ sản xuất tiên tiến, do vậy khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài còn hạn chế. Nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu thị trường cũng như tiên phong đi đầu cải tiến công nghệ, từ nhiều năm nay, Nhựa Tiền Phong đã hợp tác với nhiều tập đoàn lớn tại Châu Âu, Nhật Bản, Úc,.. để nhận chuyển giao, nghiên cứu sản xuất các sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường với chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế như ISO, Quacert.
>>Nhiều công nghệ thú vị tại Triển lãm cấp thoát nước Việt Nam
Tại hội thảo này, các chuyên gia kỹ thuật của Nhựa Thiếu niên Tiền Phong đã giới thiệu nhiều sản phẩm mới do công ty kết hợp với các tập đoàn quốc tế uy tín trong ngành, nghiên cứu sản xuất trên công nghệ hiện đại như ống uPVC lõi xoắn, EF fittings, sản phẩm thoát ISO 3633, hộp kiểm soát kỹ thuật uPVC. Đặc biệt Nhựa Tiền Phong là đơn vị duy nhất tại Việt Nam sản xuất sản phẩm có đường kính lớn như ống HDPE DN2000mm và ống PE gân sóng DN1000mm.
Trao đổi tại Hội thảo, Tổng Giám đốc Nhựa Tiền Phong Chu Văn Phương nhấn mạnh về tầm quan trọng của vật liệu xây dựng xanh, tiết kiệm năng lượng trong cơ sở hạ tầng hiện đại và cũng là quan điểm của Chính phủ Việt Nam và Liên hợp quốc về phát triển bền vững. Nhựa Tiền Phong đã liên tục cải tiến các công nghệ sản xuất, áp dụng quy trình thử nghiệm chặt chẽ, sử dụng nguyên liệu nguyên sinh và lắp đặt các hệ thống sản xuất khép kín để đảm bảo các sản phẩm đưa ra thị trường luôn an toàn với nguồn nước, không bị ăn mòn bởi hoá chất hoặc vỡ vụn ảnh hưởng đến môi trường và hệ sinh thái, góp phần nâng cao chất lượng cho các “công trình xanh”.
Thời gian tới, Nhựa Tiền Phong sẽ đẩy mạnh hợp tác, chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn đầu ngành trong lĩnh vực như Iplex, Sekisui để tạo ra những sản phẩm chất lượng quốc tế để đưa thương hiệu Nhựa Tiền Phong tiếp cận với thị trường thế giới.
Tháo nút thắt ngành cấp thoát nước
Cũng tại hội thảo này, đại diện Hội cấp thoát nước Việt Nam, Phó Chủ tịch Trần Anh Tuấn đã trao đổi chi tiết về các chính sách trong thời kỳ hiện nay, đặc biệt là những vấn đề trong tổ chức thực hiện theo Nghị định 117/2007 và 80/2014 của Chính phủ về đầu tư hạ tầng hệ thống thoát nước, cung cấp và tiêu thụ nước sạch, qua đó đề xuất các giải pháp điều chỉnh phù hợp trong giai đoạn tới.
Ông Trần Anh Tuấn đã phân tích chi tiết những bất cập còn tồn tại trong Nghị định 117 và Nghị định 80, đồng thời đề xuất những giải pháp mang tính thực tiễn cao. Theo đó, Nghị định 117 về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch còn một số bất cập liên quan đến quy hoạch và đầu tư phát triển hệ thống cấp nước. Trong đó, nổi bật lên là những tồn tại trong quá trình triển khai: quy định về ưu đãi đầu tư; quy định chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng; cơ chế ưu đãi chưa có quy định cụ thể thoả thuận vùng cấp nước; xây dựng và phê duyệt kế hoạch thực hiện quy hoạch cấp nước.
Để tháo gỡ, TS. Trần Anh Tuấn cũng đề xuất một số giải pháp khắc phục như: quy hoạch vùng cấp nước; xây dựng kế hoạch và đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước theo quy hoạch; bảo đảm việc đấu nối các khách hàng sử dụng nước và các yêu cầu về kinh tế - kỹ thuật; quy định cụ thể thời hạn điều chỉnh giá nước từ 3 – 5 năm, cách tính giá nước sạch cho các dự án cấp nước liên tỉnh; giá cung cấp nước thô cho các nhà máy nước…
Còn đối với Nghị định 80 về thoát nước và xử lý nước thải, Phó Chủ tịch Hội cấp thoát nước Việt Nam kiến nghị một số kế hoạch về đầu tư phát triển thoát nước, quy hoạch thoát nước thải đô thị; phân bổ nguồn vốn thực hiện đầu tư; bổ sung nội dung về thoát nước khu, cụm công nghiệp, làng nghề và nguyên tắc tính giá dịch vụ nước thải cho từng loại nước thải: sinh hoạt, nước thải công nghiệp, nước thải nguy hại.
Có thể bạn quan tâm
Lần thứ hai Nhựa Tiền Phong nhận giải thưởng Chất lượng quốc gia
18:23, 26/04/2021
Nhựa Tiền Phong: Dành gần 6 tỷ đồng tri ân khách hàng
15:25, 08/01/2021
Nhựa Tiền Phong đạt thương hiệu Quốc gia lần 3
20:57, 28/11/2020
Nhựa Tiền Phong: Những mũi nhọn đột phá nửa cuối năm 2020
10:37, 16/09/2020
Nhựa Tiền Phong hướng về khách hàng với 6 dòng sản phẩm mới
02:50, 24/04/2020