Cà phê doanh nhân

Xây dựng các quỹ tài chính xanh hỗ trợ doanh nghiệp

Minh Ngọc (ghi) 20/04/2025 01:25

Nhà nước cần xây dựng các quỹ tài chính xanh, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư công nghệ, thực hiện các tiêu chuẩn môi trường, xã hội, quản trị (ESG).

Ông Bạch Thăng Long – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10:

Trong những năm qua, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và ngành Dệt May nói riêng đã trải qua những giai đoạn đầy thách thức – từ đại dịch COVID-19, biến động kinh tế toàn cầu, đứt gãy chuỗi cung ứng cho tới sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt. Trong bối cảnh đó, các nghị quyết của Chính phủ như Nghị quyết 01, Nghị quyết 02, đặc biệt là Nghị quyết 58/NQ-CP đã đóng vai trò như “phao cứu sinh”, giúp doanh nghiệp trụ vững, phục hồi và từng bước tái cấu trúc để phát triển bền vững.

long.jpeg
Ông Bạch Thăng Long – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10. Ảnh: Internet

Một số giá trị thiết thực từ các nghị quyết:

Giảm chi phí, cải thiện dòng tiền: Chính sách gia hạn thuế, miễn giảm tiền thuê đất, tiếp cận tín dụng ưu đãi… đã giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực duy trì hoạt động, trả lương cho người lao động, giữ chân nhân lực.

Thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính: Các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, tinh giản thủ tục, thúc đẩy số hóa… đang từng bước tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tăng khả năng thích ứng, phát triển bền vững: Nghị quyết 58 với trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, xanh hóa sản xuất, phát triển thị trường đã định hướng rõ ràng cho một tương lai bền vững, đặc biệt phù hợp với yêu cầu từ các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, EU.

Nhưng bên cạnh đó, những khó khăn, thách thức của ngành Dệt May vẫn tồn tại như:

Thiếu đơn hàng, chuyển dịch chuỗi cung ứng: Các nhà nhập khẩu lớn từ Mỹ và EU có xu hướng dịch chuyển đơn hàng sang Bangladesh, Ấn Độ, Indonesia, do chi phí thấp và chính sách hỗ trợ tốt hơn.

Gia tăng rào cản thương mại – đặc biệt là thuế đối ứng: Việc Mỹ áp thuế đối ứng lên một số sản phẩm dệt may Việt Nam đến 46% gây sức ép lớn lên năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Biến đổi nhu cầu và xu hướng tiêu dùng bền vững: Các nhà bán lẻ quốc tế yêu cầu nghiêm ngặt hơn về truy xuất nguồn gốc, chứng nhận xanh, giảm thải carbon.

may-10.jpg
Là một trong những doanh nghiệp dệt may lâu đời và tiên phong, May 10 luôn ý thức rõ trách nhiệm quốc gia, không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh để “vượt bão”. Ảnh: Khắc Kiên

Năm 2025 là cột mốc quan trọng – không chỉ đánh dấu năm cuối cùng thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, mà còn là năm nền tảng để đất nước chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, tiến tới hiện thực hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030. Trong hành trình đó, doanh nghiệp không chỉ là trung tâm, là chủ thể của tăng trưởng – mà còn là “ngòi nổ” tạo ra sự đột phá, sức bật cho nền kinh tế.

Là một trong những doanh nghiệp dệt may lâu đời và tiên phong, May 10 luôn ý thức rõ trách nhiệm quốc gia, không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh để “vượt bão”.

Hiện May 10 đã và đang triển khai chuyển đổi số toàn diện, ứng dụng AI trong sản xuất, quản trị; Chuyển đổi xanh, đầu tư công nghệ tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải, xây dựng các nhà máy đạt chuẩn xanh quốc tế; Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh các thị trường FTA, thị trường ngách; phát triển thương hiệu nội địa, chuỗi bán lẻ thời trang; Chăm lo người lao động, gìn giữ văn hóa doanh nghiệp, đào tạo nhân lực chất lượng cao – vì con người là gốc rễ của phát triển bền vững.

Tuy nhiên, dù là một doanh nghiệp đầu tàu, May 10 cũng không nằm ngoài những tác động chung của toàn ngành. Từ thực tiễn hoạt động, chúng tôi đề xuất một số kiến nghị tới các cơ quan quản lý nhà nước, các Bộ, ngành:

Chính sách tài khóa linh hoạt, kịp thời: Đề nghị tiếp tục có các gói tín dụng ưu đãi, giãn – hoãn – giảm thuế phí đối với ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may.

Hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn xanh, vốn chuyển đổi số: Nhà nước cần xây dựng các quỹ tài chính xanh, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư công nghệ, thực hiện các tiêu chuẩn môi trường, xã hội, quản trị (ESG).

Hỗ trợ xúc tiến thương mại hiệu quả: Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tận dụng các FTA đã ký, đồng thời đàm phán song phương với Mỹ để tháo gỡ rào cản thuế quan. Đẩy mạnh các chương trình kết nối doanh nghiệp với hệ thống phân phối toàn cầu, hỗ trợ xúc tiến ở các thị trường tiềm năng như Trung Đông, Châu Phi, Nam Mỹ.

Cải thiện môi trường pháp lý, thủ tục hành chính: Cần tiếp tục đơn giản hóa quy trình, đẩy nhanh chuyển đổi số trong các thủ tục xuất nhập khẩu, đầu tư, thuế – tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi.

Hỗ trợ gói tín dụng: Kiến nghị NHNN nên có gói tín dụng ưu đãi riêng dành cho ngành dệt may giống như các gói hỗ trợ lãi suất 2% cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của covid, gói tín dụng xanh …đã triển khai trước đó; đồng thời cần ổn định tỷ giá hoặc có cơ chế bảo hiểm rủi ro tỷ giá cho doanh nghiệp dệt may

Giảm thuế suất: Áp dụng giảm thuế suất từ 10% xuống 8% đồng loạt cho tất cả các nhóm nghành đang chịu thuế suất 10%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Xây dựng các quỹ tài chính xanh hỗ trợ doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO