Xây dựng lực lượng lao động bền và vững cho tương lai số hóa bao trùm

PHAN NAM 26/10/2021 14:20

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký VCCI, Phó Chủ tịch VBCSD: Phát triển bền vững doanh nghiệp hướng đến tương lai số hóa sẽ góp phần tạo nên một nền kinh tế số đa dạng và bao trùm cho Việt Nam.

Ông Nguyễn Quang Vinh cho biết: Năm 2021 là năm thứ 8 liên tiếp Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI) tổ chức VCSF, một trong những sự kiện đối thoại nổi bật nhất hàng năm nhằm thúc đẩy kinh doanh bền vững. VCSF 2021 với chủ đề “Hướng tới thập kỷ phát triển bền vững tốt đẹp hơn: Không để ai bị bỏ lại phía sau” được tổ chức trong bối cảnh đại dịch COVID-19 gây ra nhiều tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế-xã hội, cũng như làm gián đoạn đời sống. Đây là một nỗ lực lớn từ VBCSD-VCCI để có thể khuyến khích và tạo thêm động lực, nguồn cảm hứng cho cộng đồng doanh nghiệp duy trì các cam kết mạnh mẽ trong kinh doanh có trách nhiệm trong điều kiện khó khăn.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký VCCI, Phó Chủ tịch VBCSD

Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký VCCI, Phó Chủ tịch VBCSD

- Thưa ông, VBCSD-VCCI đã tổ chức thành công 3 hội thảo chuyên đề trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam (VCSF) 2021. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về kết quả đầu ra của các hoạt động này?

Các hội thảo chuyên đề đều thu hút số lượng đông đảo đại biểu tham gia trực tuyến. Nếu hội thảo chuyên đề số 1 “Doanh nghiệp phát triển bền vững thực hiện mục tiêu kép” ngày 09/09 tập trung chia sẻ các thông lệ tốt và kiến nghị từ các doanh nghiệp thực hiện kinh doanh bền vững trong đảm bảo sản xuất kinh doanh, phòng chống dịch, góp phần đồng hành cùng Chính phủ thực hiện mục tiêu kép, hội thảo chuyên đề số 2 “Kinh tế tuần hoàn – Tương lai của tăng trưởng kinh tế bình đẳng và bền vững” ngày 14/10 gắn trọng tâm thảo luận vào chủ đề “vốn tự nhiên” – 1/3 trụ cột của chiến lược phát triển bền vững doanh nghiệp, thì hội thảo số 3 về “Tái thiết nền tảng quản trị doanh nghiệp trong bối cảnh bình thường mới và tương lai số hóa” ngày 15/10 nhấn mạnh vào nội dung đảm bảo “vốn tài chính” và “vốn xã hội” – 2 trụ cột quan trọng khác của chiến lược kinh doanh bền vững, cũng như thúc đẩy các giải pháp chuyển đổi số trong doanh nghiệp, tạo bàn đạp thực hiện thành công các mục tiêu của doanh nghiệp nhanh hơn.

Chỉ cần nhìn vào nội dung cũng có thể thấy điểm khác biệt của VCSF so với các diễn đàn khác. Chúng tôi tập trung và hướng doanh nghiệp đến những vấn đề chiến lược, mang tính dài hạn, cùng thảo luận để tìm ra giải pháp cho doanh nghiệp với tầm nhìn dài hạn là phát triển bền vững. Doanh nghiệp cần làm gì để không những có thể vượt qua cuộc khủng hoảng đại dịch hiện nay mà xa hơn nữa, cần chuẩn bị gì để phòng tránh và xây dựng sức chống chịu tốt hơn trước những “cú sốc” tương tự như thế trong tương lai? Tất cả những giải pháp, khuyến nghị từ các diễn giả và đại biểu tham dự chương trình đều được Ban tổ chức tổng hợp và báo cáo lên Chính phủ, đồng thời làm nội dung đầu vào cho Phiên toàn thể của VCSF 2021 vào tháng 12 tới đây.

hội thảo chuyên đề số 2 “Kinh tế tuần hoàn – Tương lai của tăng trưởng kinh tế bình đẳng và bền vững”

Các chuyên gia chia sẻ tại hội thảo chuyên đề số 2 “Kinh tế tuần hoàn – Tương lai của tăng trưởng kinh tế bình đẳng và bền vững”

- Vừa rồi, ông có nhắc đến nội dung “tương lai số hóa” trong hội thảo chuyên đề 3. Vậy phát triển bền vững doanh nghiệp và tương lai số hóa có mối quan hệ như thế nào với nhau?

Tương lai số hóa thực ra đã bắt đầu ngay từ hôm nay. Và thậm chí đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh hơn tốc độ của sự “số hóa”, đưa chúng ta đến gần hơn với yêu cầu cần thay đổi tư duy và cách vận hành hoạt động sản xuất kinh doanh dựa trên nền tảng số. Đây cũng có thể nói là một mặt tích cực của đại dịch.

Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó bao hàm đầy đủ 3 trụ cột: chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, và các chủ thể trọng tâm của 3 trụ cột này lần lượt là chính phủ/ cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, và người dân.

Mối quan hệ giữa “phát triển bền vững doanh nghiệp” và “tương lai số hóa” chính là nằm trong phạm trù “kinh tế số”. Phát triển bền vững doanh nghiệp hướng đến tương lai số hóa sẽ góp phần tạo nên một nền kinh tế số đa dạng và bao trùm cho Việt Nam. Yếu tố “bao trùm” có ý nghĩa rất lớn ở đây. Bởi tương lai số hóa hứa hẹn cả những tiềm năng và cơ hội rộng lớn, nhưng cũng ẩn mình trong đó rất nhiều thách thức. Và một trong những thách thức thực sự là làm thế nào để “không ai bị bỏ lại phía sau”, nhất là những nhóm yếu thế, và thậm chí là lực lượng lao động hiện nay của chúng ta không bị “lạc lõng, mất phương hướng” trong tương lai số hóa.

Khi cộng đồng doanh nghiệp thực hiện kinh doanh bền vững hay kinh doanh có trách nhiệm tức là họ xây dựng chiến lược quản trị và vận hành sản xuất – kinh doanh với sự quan tâm và những cam kết nhân văn trên cả 3 khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường. Từ đó, cộng đồng doanh nghiệp sẽ góp phần tạo nên một nền kinh tế số bao trùm.

Hướng tới một nền kinh tế số bao trùm sẽ đòi hỏi chúng ta phải đảm bảo việc tạo điều kiện tối đa để mọi người lao động và doanh nghiệp đều có thể đóng góp vào quá trình tăng trưởng và hưởng thành quả tăng trưởng đó. Điều này hoàn toàn phù hợp với các định hướng, chiến lược về phát triển bền vững chung của Việt Nam, mà cụ thể gần đây nhất là Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Nhưng để làm được điều đó cần rất nhiều sự tham gia, phối hợp của các bên liên quan. Và chúng tôi hi vọng rằng sẽ có những giải pháp, kiến nghị hữu ích được đưa ra liên quan đến nội dung này trong Diễn đàn đa phương (MSF) 2021 với chủ đề “Hợp tác xây dựng lực lượng lao động sẵn sàng cho nền kinh tế số bao trùm tại Việt Nam” sắp diễn ra vào ngày 28/10 tới đây.

- Ông có thể chia sẻ kỹ hơn về sự kiện này?

MSF 2021 là sự kiện rất ý nghĩa được phối hợp tổ chức bởi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (VGCL), Samsung Việt Nam với sự hỗ trợ kỹ thuật của VBCSD-VCCI, và Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng (LIGHT). Đây vốn là sáng kiến được khởi xướng bởi Samsung Việt Nam và được triển khai từ năm 2018.

Trước khi đến với sự kiện Ngày Diễn đàn chính vào 28/10 sắp tới, Ban tổ chức đã thực hiện các hoạt động bên lề, bao gồm: Hội thảo ““Thu hẹp khoảng cách trong Thúc đẩy quyền năng người lao động: Quan điểm, Thực hành và Tiềm năng hợp tác của các chủ thể”” vào ngày 30/9, cùng hai nghiên cứu về nâng cao năng lực cho người lao động và quan hệ lao động trong Công nghiệp 4.0 do VCCI, Viện LIGHT và VGCL thực hiện. Kết quả của các nghiên cứu này sẽ được đại diện các nhóm nghiên cứu công bố trong Ngày Diễn đàn.

Bên cạnh đó, Ngày Diễn đàn MSF 2021 sẽ tập trung chính và 2 phiên thảo luận chuyên gia với các chủ đề rất hữu ích và có nhiều nét mới, đó là “Hợp tác cải thiện năng lực sẵn sàng thích ứng của người lao động trong nền kinh tế số bao trùm” và “Quan hệ lao động trong Công nghiệp 4.0: Vai trò của thúc đẩy Đa dạng – Hòa nhập, và Công nghệ hỗ trợ người lao động cải thiện vị thế”.

Chúng tôi hi vọng rằng những thông tin giá trị, cùng với các kiến nghị mà các chuyên gia, đại biểu từ các bộ, ngành, tổ chức trong nước, quốc tế chia sẻ trong sự kiện sẽ cung cấp những tham chiếu hữu ích, đầu vào cho những nhà hoạch định chính sách, cũng như lãnh đạo các doanh nghiệp để xây dựng nên những định hướng, chính sách phù hợp, tạo thuận lợi tối đa cho việc xây dựng một nền tảng lực lượng lao động “bền và vững” trong một nền kinh tế số bao trùm của tương lai.

Trân trọng cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Kháng thể năng lượng 4.0: giải pháp phát triển bền vững hậu COVID-19

    Kháng thể năng lượng 4.0: giải pháp phát triển bền vững hậu COVID-19

    05:56, 19/10/2021

  • Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tạo tác động xã hội: Động lực cho các dự án phát triển bền vững

    Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tạo tác động xã hội: Động lực cho các dự án phát triển bền vững

    05:38, 16/10/2021

  • ĐBQH, doanh nhân Nguyễn Quang Huân: 4 yếu tố để doanh nghiệp phát triển bền vững

    ĐBQH, doanh nhân Nguyễn Quang Huân: 4 yếu tố để doanh nghiệp phát triển bền vững

    10:30, 13/10/2021

  • Kinh tế tuần hoàn: Tương lai của tăng trưởng kinh tế bền vững

    Kinh tế tuần hoàn: Tương lai của tăng trưởng kinh tế bền vững

    12:37, 20/10/2021

  • Ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong xử lý chất thải điện tử

    Ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong xử lý chất thải điện tử

    23:48, 16/10/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Xây dựng lực lượng lao động bền và vững cho tương lai số hóa bao trùm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO