Cải cách hành chính (CCHC) đã tạo chuyển biến tích cực trong thực hiện cơ chế, chính sách của tỉnh Long An.
Qua đó, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp, thúc đẩy sự phát triển KT-XH của địa phương.
>>Long An khởi công ĐT 830E với kinh phí trên 3.700 tỉ đồng
Công tác CCHC trên địa bàn tỉnh Long An có bước chuyển biến tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực, đặc biệt là trong xây dựng thể chế, chính sách pháp luật, cải cách thủ tục hành chính...
Công tác CCHC luôn được tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm, là khâu đột phá trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và quản lý từ đó tổ chức triển khai đồng bộ các nội dung CCHC theo quy định.
Theo đó, công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được triển khai sâu rộng, tập trung vào cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh, tăng cường phân cấp giải quyết thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành. Mức hài lòng chung của người dân và doanh nghiệp đối với việc giải quyết thủ tục hành chính tại cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt tỷ lệ rất cao. Theo số số liệu đánh giá, tỷ lệ hài lòng chiếm 99,78%. Danh mục TTHC và quy trình nội bộ giải quyết TTHC các lĩnh vực được cập nhật, công bố công khai đạt 100%; tỷ lệ hồ sơ TTHC giải quyết đúng hạn đạt trên 99%.
Năm 2022, công tác cải cách TTHC được tỉnh triển khai, thực hiện liên tục, có trọng tâm, trọng điểm và mang lại hiệu quả thiết thực. Tỉnh có 42 phương án đơn giản hóa TTHC đối với 42 thủ tục thuộc 20 lĩnh vực thuộc thẩm quyền giải quyết của 16 sở, ngành tỉnh. Toàn tỉnh tiếp nhận 987.406 HS TTHC; giải quyết 967.527 HS (trong đó, giải quyết trước hạn 55,19%; đúng hạn 44,43% và quá hạn 0,39%).
Thời gian qua, các cấp chính quyền và cơ quan chức năng thường xuyên tổ chức gặp gỡ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, tổ chức liên quan đến quy định TTHC, góp phần cải thiện hơn nữa công tác quản trị, hành chính công, nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Năm 2022, Long An xếp hạng 8/63 tỉnh, thành phố trực thuộc về chỉ số CCHC (PAR Index) với 87,42 điểm, tăng 14 hạng so với năm 2021, dẫn đầu về PAR Index các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL. Điểm nổi bật Chỉ số CCHC của tỉnh có các chỉ số thành phần về công tác chỉ đạo, điều hành đứng hạng 6/63 tỉnh, thành; cải cách chế độ công vụ đứng hạng 7/63 tỉnh, thành; cải cách thể chế đứng hạng 12/63 tỉnh, thành; cải cách tổ chức bộ máy đứng hạng 14/63 tỉnh, thành; xây dựng chính quyền điện tử đứng hạng 17/63 tỉnh, thành…
Ông Trần Hải Tuấn – Phó Giám đốc Sở Nội vụ Long An cho biết, trong triển khai công tác CCHC, tỉnh đặc biệt phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ; thực hiện tốt cơ chế "một cửa”, “một cửa liên thông”; thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh việc gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ TTHC tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn.
Để tạo đột phá trong cải cách TTHC, tỉnh Long An đã ban hành đề ra trong Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021 - 2030. Theo đó, Long An là tiếp tục xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân.
Theo ông Trần Hải Tuấn, trên cơ sở những kết quả đã đạt được, năm 2023, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai toàn diện, đồng bộ, có hiệu quả chương trình, kế hoạch CCHC gắn với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng cải cách thể chế, thường xuyên rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc ban hành mới văn bản phục vụ cho yêu cầu quản lý nhà nước và đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương.
Cùng với đó, tỉnh cũng đẩy mạnh xây dựng Chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số; kịp thời cập nhật, công bố, công khai đầy đủ các quy định về TTHC; đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, chất lượng phục vụ của các cơ quan hành chính. Long An tiếp tục rà soát, đơn giản quy trình thực hiện TTHC, nhất là các thủ tục qua Trung tâm Phục vụ hành chính công nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
Để tiếp tục CCHC, cải thiện PAR Index trong năm 2023, với vai trò là cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh, Sở Nội vụ sẽ đôn đốc, kiểm tra, giám sát kết quả CCHC, cải thiện, nâng cao PAR Index gắn với việc chấm điểm, đánh giá chỉ số CCHC của các sở, ngành, địa phương; đồng thời, quan tâm đề xuất khen thưởng đối với những địa phương, cơ quan, đơn vị có mô hình, sáng kiến, cách làm hay nhằm cải thiện các chỉ số PAR, SIPAS và PAPI.
Có thể bạn quan tâm