Xây dựng Sóc Trăng trở thành cửa ngõ chính ra biển Đông của ĐBSCL

THÙY LINH 09/10/2023 15:36

Sóc Trăng phải khai thác hiệu quả lợi thế vị trí chiến lược ven biển và hạ tầng giao thông kết nối liên vùng để xây dựng Sóc Trăng trở thành cửa ngõ chính ra Biển Đông của vùng ĐBSCL.

Ngày 9/10, tại tỉnh Sóc Trăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác của Trung ương đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng.

>> Sóc Trăng: Tạo đột phá trong thu hút đầu tư

Các đại biểu dự buổi làm việc.

Quang cảnh buổi làm việc.

Sóc Trăng nằm trong vùng hạ lưu sông Hậu, trên trục lộ giao thông thủy bộ nối liền TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh miền Tây Nam bộ; có bờ biển dài, tiếp giáp trực tiếp hơn 70km với sông Mekông và 3 cửa biển Định An, Trần Đề, Mỹ Thanh. Với vị trí địa lý thuận lợi và mạng lưới giao thông thủy kết nối với hệ thống giao thông đường bộ khá phát triển, tỉnh Sóc Trăng là đầu mối giao thông quan trọng trong vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), có nhiều tiềm năng, lợi thế, điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế biển và ven biển, và dịch vụ hậu cần nghề cá, giao thông vận tải, vận chuyển hàng hóa, thương mại - dịch vụ, logistics, du lịch…

Với tổng diện tích tự nhiên hơn 3 nghìn km2; dân số khoảng 1,2 triệu người, tỉnh Sóc trăng là “mái nhà chung” hội tụ các dân tộc anh em Kinh - Khmer - Hoa, trong đó, đồng bào dân tộc Khmer chiếm đến 30,18% dân số của tỉnh, là địa phương có số lượng đồng bào Khmer nhiều nhất cả nước. Sóc Trăng còn được biết đến như một vùng đất đẹp, giàu truyền thống cách mạng, bản sắc văn hoá đa dạng, lâu đời. Nét đặc trưng này đã thắt chặt thêm truyền thống đoàn kết, tương trợ, chia sẻ yêu thương; trách nhiệm cộng đồng trong việc xây dựng, thúc đẩy sự phát triển của địa phương.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc.

Báo cáo với Đoàn công tác, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị 9 tháng năm 2023 tỉnh Sóc Trăng đạt nhiều kết quả tích cực. Thể hiện qua 10 điểm nổi bật, như: sản xuất nông nghiệp tương đối ổn định; môi trường kinh doanh được cải thiện; thương mại dịch vụ, du lịch tăng trưởng khá; thu ngân sách đạt khá so dự toán; giải ngân vốn đầu tư công cao hơn cùng kỳ; các lĩnh văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; các chính sách an sinh xã hội được triển khai tích cực; trật tự an toàn xã hội cơ bản được đảm bảo; cả hệ thống chính trị tập trung thực hiện hoàn thành 2 nhiệm vụ quan trọng Chính phủ giao; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được chú trọng.

Từ sau Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch; triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong nhiệm kỳ, các công trình, dự án trọng điểm; tăng cường xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu báo cáo tại cuộc làm việc

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu báo cáo tại cuộc làm việc.

Nhiều công trình, dự án trọng điểm đã và đang được triển khai góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Điển hình là Dự án Đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Dự án Tuyến đường trục phát triển kinh tế Đông Tây; đường Vành đai I, Vành đai II...

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 3 năm giai đoạn 2021 - 2023 đạt 5,76%/năm. Kim ngạch xuất khẩu vượt mốc 1 tỷ USD từ năm 2021, sớm đạt chỉ tiêu nghị quyết đến cuối nhiệm kỳ. Các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được đẩy mạnh, từ đầu nhiệm kỳ đến nay có thêm 1.305 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 21% so với cùng kỳ.

Trong số 23 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh đề ra, có 20 chỉ tiêu đến nay đạt khá, dự báo đến cuối nhiệm kỳ khả năng sẽ đạt và vượt. Tuy nhiên, còn lại 3 chỉ tiêu khó đạt là: tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt 7,2%/năm (nghị quyết đề ra 8%/năm); chỉ số sản xuất công nghiệp tăng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt 10,24% (nghị quyết đề ra 21%/năm); tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội của lực lượng lao động trong độ tuổi đạt 38,4% (nghị quyết đề ra 45%).

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn phát biểu.

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn phát biểu.

Về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tổng kế hoạch vốn năm 2023 đã bố trí cho các dự án thuộc chương trình là 1.253 tỷ đồng, đến nay, giải ngân được 481 tỷ đồng. Đối với 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, tổng vốn năm 2023 là 636,3 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân 275,6 tỷ đồng. 

Tỉnh Sóc Trăng đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét có cơ chế đặc biệt hỗ trợ đầu tư cảng biển Trần Đề nhằm giúp vùng đồng bằng sông Cửu Long sớm hình thành cảng biển cửa ngõ, tạo sự chủ động trong xuất, nhập khẩu hàng hoá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. 

Cùng với đó, Sóc Trăng cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm bố trí nguồn vốn ngân sách để đầu tư kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng gồm: tuyến đê chắn sóng; nạo vét, thiết lập tuyến luồng hàng hải; vùng đón trả hoa tiêu với nhu cầu kinh phí khoảng 10.000 tỷ đồng. Xem xét, áp dụng cơ chế đặc thù cho địa phương được khai thác cát biển trong thời gian Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 chưa phê duyệt.

Các đại biểu dự Hội nghị.

Các đại biểu dự Hội nghị.

Xem xét, bổ sung chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất khu kinh tế đến năm 2030 cho tỉnh Sóc Trăng nhằm khai thác, phát huy đồng bộ, hiệu quả cảng biển nước sâu Trần Đề theo tinh thần Quy hoạch tỉnh vừa được công bố... 

Tại hội nghị, các bộ, ngành Trung ương đã có nhiều ý kiến đóng góp về những giải pháp để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội theo quy hoạch đã được phê duyệt về thu hút đầu tư; tài nguyên và môi trường; giao thông vận tải…

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình chúc mừng và bày tỏ ấn tượng trước sự đổi thay, phát triển của tỉnh Sóc Trăng sau 31 năm tái lập. Từ một tỉnh thuần nông với xuất phát điểm rất thấp, tổng sản phẩm nội tỉnh chỉ đạt 1.268 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người khoảng 1,34 triệu đồng/người/năm, thu ngân sách nhà nước chỉ đạt 45 tỷ đồng, có đến 27,7% hộ thiếu đói và 36,7% hộ nghèo, nhưng với tinh thần đoàn kết, sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, đến nay, tỉnh Sóc Trăng đã có những bước phát triển quan trọng, tiềm lực kinh tế - xã hội được tăng cường, có diện mạo mới, năng động hơn.

3 năm gần đây, dù chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, diễn biến phức tạp của tình hình quốc tế và biến đổi khí hậu, nhưng kinh tế của tỉnh không ngừng phát triển với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 5,76%/năm.

Các đại biểu dự Hội nghị.

Các đại biểu dự Hội nghị.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao việc tỉnh Sóc Trăng đã và đang triển khai nhiều công trình, dự án trọng điểm nhằm xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, trong đó, đã hoàn thành Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn từ thị xã Ngã Bảy (nay là thành phố Ngã Bảy), tỉnh Hậu Giang đến huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng; cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng Dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi; khởi công Dự án thành phần 4, Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1.

Đặc biệt, Sóc Trăng đã tập trung hoàn thành Quy hoạch tỉnh, là một trong 13 tỉnh, thành phố của cả nước và 2/13 tỉnh, thành phố của vùng ĐBSCL đã được phê duyệt xong Quy hoạch tỉnh, thể hiện rõ tư duy, tầm nhìn và xác định được không gian, nguồn lực phát triển.

Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao việc tỉnh Sóc Trăng đã quyết liệt triển khai các Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ XIV, ban hành 10 nghị quyết chuyên đề quan trọng bao quát các lĩnh vực kinh tế - xã hội… Tập trung huy động các nguồn lực để thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 13), với mục tiêu từng bước thu hẹp và tiến kịp quá trình phát triển chung của cả nước.

Cơ bản nhất trí với phương hướng, các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm mà Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng đã xác định trong các tháng cuối năm 2023 và nửa nhiệm kỳ còn lại, Chủ tịch Quốc hội đồng thời nhấn mạnh tỉnh Sóc Trăng cần tiếp tục bám sát các Nghị quyết của Trung ương Đảng, của Quốc hội trong việc thực hiện nhiệm vụ, soát xét lại các chỉ tiêu, mục tiêu của cả nhiệm kỳ gắn với thực hiện Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị, phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu đã đề ra trong năm 2023 và cả nhiệm kỳ.

Chủ tịch Quốc hội đặc biệt lưu ý tỉnh Sóc Trăng đã đi nhanh trong việc lập, phê duyệt Quy hoạch thì càng phải khẩn trương hơn nữa trong triển khai Quy hoạch tỉnh với tinh thần “thời gian chính là lực lượng”. Phải khai thác hiệu quả lợi thế vị trí chiến lược ven biển và hạ tầng giao thông kết nối liên vùng để xây dựng Sóc Trăng trở thành cửa ngõ chính ra Biển Đông của vùng ĐBSCL, là trung tâm đầu mối của Vùng về nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, logistics, các dự án năng lượng với trọng tâm là cảng biển ngoài khơi cửa Trần Đề.

Đồng thời, tiếp tục đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, bảo đảm kết nối giữa các đô thị động lực với các khu, cụm công nghiệp và dịch vụ, trung tâm đầu mối; gắn kết không gian biển với khu vực đất liền; hình thành các hành lang kinh tế kết nối các không gian phát triển. Đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính, phát triển nguồn nhân lực, quy hoạch chế biến nông sản, kêu gọi đầu tư vào chế biến nông sản, thủy sản...

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, Bí thư tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn hứa sẽ lãnh đạo Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. 

Có thể bạn quan tâm

  • Sóc Trăng công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

    Sóc Trăng công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

    12:12, 09/10/2023

  • Sóc Trăng: Tạo đột phá trong thu hút đầu tư

    Sóc Trăng: Tạo đột phá trong thu hút đầu tư

    15:21, 05/10/2023

  • Sóc Trăng nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh

    Sóc Trăng nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh

    07:39, 02/10/2023

  • Sóc Trăng xây dựng nền hành chính minh bạch

    Sóc Trăng xây dựng nền hành chính minh bạch

    15:03, 16/09/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Xây dựng Sóc Trăng trở thành cửa ngõ chính ra biển Đông của ĐBSCL
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO