Bộ Y tế đang xem xét điều chỉnh thời gian cách ly từ 21 xuống còn 14 ngày, do tất cả biến thể nCoV đều ủ bệnh trong thời gian này.
Theo Bộ Y tế, tính từ 18h ngày 5/2 đến 6h ngày 6/2, Việt Nam chưa ghi nhận thêm bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2.
Trước đó, theo thông báo lúc 18h ngày 4/2 của Bộ Y tế, 19 bệnh nhân mới được phát hiện ở nhiều nơi. Dịch Covid-19 đã lan sang các tỉnh Điện Biên, Hà Giang. Nguồn lây nhiễm đều được xác định là liên quan ổ dịch Hải Dương.
Như vậy, 12 tỉnh, thành phố đang có dịch gồm Hải Dương (290 bệnh nhân), Quảng Ninh (46), Hà Nội (23), Gia Lai (18), Bình Dương (5), Bắc Ninh (3), Điện Biên (3) Hòa Bình (2), Hải Phòng (1), TP.HCM (1), Bắc Giang (1), Hà Giang (1).
Hiện tại, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 80.113. Trong đó, 489 người cách ly tập trung tại bệnh viện. 24.362 trường hợp cách ly tập trung tại cơ sở khác. Cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 55.262 người.
Tại cuộc họp chiều 5/2 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 (Ban chỉ đạo), đại diện Bộ Y tế cho biết các kết quả nghiên cứu cho thấy, chủng virus mới có hệ số lây cao hơn, thời gian khởi phát nhanh hơn, nhưng thời gian ủ bệnh của tất cả các biến thể đều vào khoảng14 ngày. Bộ đang xem xét những phân tích khoa học cuối cùng để điều chỉnh thời hạn cách ly tập trung. Các nước trên thế giới cũng đang thực hiện cách ly tập trung 14 ngày.
Trước đó đánh giá biến thể nCoV tại Anh có hệ số lây nhiễm cao, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 đã tham mưu cho Thủ tướng nâng mức độ phòng chống lên cao hơn bình thường. Trong chỉ thị số 5 ngày 28/1, Thủ tướng yêu cầu thời gian giãn cách xã hội là 21 ngày, lâu hơn 6 ngày và cách ly y tế với những ca F1 kéo dài thêm 7 ngày (trước 14 ngày).
Ban chỉ đạo nhận định "tình hình dịch bệnh trên cả nước được kiểm soát tốt". Hai ngày qua, có 6 địa phương ghi nhận ca bệnh mới, phần đa là những người đã cách ly tập trung, ít có khả năng lây lan ra cộng đồng. Diễn biến dịch tại Điện Biên có nhiều điểm giống như Gia Lai. Tỉnh đang có 3 ca nhiễm, trong đó 2 ca về đến địa phương được cách ly tập trung ngay; một ca phát hiện ngay sau khi về nhà.
Điện Biên đang khẩn trương truy vết, khoanh vùng, dập dịch. Bộ Y tế đã cử đoàn chuyên gia, bác sĩ lên hỗ trợ tỉnh chống dịch. Các chuyên gia nhận định "tình hình dịch bệnh ở Điện Biên sẽ sớm được kiểm soát".
Bộ Y tế đề nghị các tỉnh đang có bệnh nhân cần tiếp tục huy động nguồn lực tối đa, phối hợp với các đơn vị chuyên môn truy vết tích cực, khoanh vùng, cách ly kịp thời, xét nghiệm diện rộng. Đặc biệt, các địa phương chú trọng phong tỏa nhiều lớp, truy vết tất cả trường hợp tiếp xúc gần để cách ly, xét nghiệm kịp thời.
Những tỉnh đã ghi nhận ca bệnh trong cộng đồng cần nâng biện pháp đáp ứng cao hơn một mức so với đợt dịch trước, trong đó có giãn cách xã hội hoặc hạn chế tập trung đông người. F1 cần được coi là F0, F2 coi là F1. Đặc biệt, Bộ Y tế lưu ý, cần khoanh vùng rộng, lấy mẫu toàn bộ người dân khu vực lây nhiễm cộng đồng, nếu tất cả âm tính thì khoanh vùng hẹp hoặc nới lỏng.
Ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng, đánh giá vừa qua nhiều tỉnh kiểm soát đi lại của người dân từ tỉnh có dịch "chưa thật chuẩn", "sợ nên làm quá, siết chặt để dân không dám về quê". Vì vậy, Bộ Y tế cần sớm có hướng dẫn quy định rõ về điểm dịch, vùng dịch để địa phương thực hiện thống nhất.
Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên khẳng định đang xây dựng và sớm ban hành hướng dẫn cụ thể về việc này. "Các địa phương không được ngăn sông cấm chợ, không được làm quá yêu cầu, gây cản trở cho dân", Thứ trưởng Tuyên nói.
Có thể bạn quan tâm
Châu Âu cảnh giác với vắc xin COVID-19 của Trung Quốc!
07:00, 06/02/2021
Cuộc chiến chống lại COVID-19: Tia hy vọng mới từ Israel
05:09, 06/02/2021
Tước phù hiệu nhà xe chở 3 người dương tính COVID-19 về Điện Biên
23:56, 05/02/2021
Huyện Cẩm Giàng, Hải Dương có 10 ca COVID-19: Phong tỏa toàn bộ huyện
19:45, 05/02/2021
Các tổ chức quốc tế sẽ hỗ trợ vắc xin ngừa COVID-19 cho Việt Nam
18:50, 05/02/2021