Xử lý nợ xấu: Đừng để tiền lệ xấu về sự chây ì của con nợ

HẠ VY 07/10/2020 05:40

Mặc dù Nghị quyết 42/2017/QH14 đã giúp đẩy nhanh hơn việc xử lý nợ xấu, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong xử lý các tài sản đảm bảo.

Gian nan đòi quyền chủ nợ

Một minh chứng cho thấy sự “thiếu thiện chí” của con nợ và hành trình gian nan trong việc xử lý nợ xấu là vụ kiện hy hữu nhằm bảo vệ quyền chủ nợ vừa xảy ra mới đây. Theo đó, bà Nguyễn Thị Định (sinh năm 1982), hộ khẩu thường trú tại Nghĩa Tân - Cầu Giấy (Hà Nội) đã nộp đơn khởi kiện đến Tòa án Nhân dân (TAND) thành phố Huế yêu cầu Công ty Cổ phần Khách sạn Hoàng Cung (Công ty Hoàng Cung) phải trả cho bà số tiền nợ và lãi tạm tính đến ngày 30/6/2019 là hơn 463 tỷ đồng.

Đơn khởi kiện của bà Nguyễn Thị Định

Hợp đồng mua bán khoản nợ đấu giá giữa bà Nguyễn Thị Định và các ngân hàng.

Theo đơn khởi kiện của bà Định, Công ty Hoàng Cung (trước đây là Công ty Cổ phần Trường Tiền – Thừa Thiên Huế) là chủ đầu tư của Dự án xây dựng khách sạn Hoàng Cung tại số 08 Hùng Vương, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Để thực hiện dự án trên, từ ngày 11/03/2003 đến ngày 23/12/2011, Công ty Hoàng Cung đã được Vietcombank Huế, Vietinbank Huế và Agribank Huế chấp thuận đồng tài trợ, cho vay thông qua các hợp đồng tín dụng.

Trong quá trình thực hiện Hợp đồng, các Ngân hàng đã giải ngân đầy đủ, đúng hạn các khoản vay theo Hợp đồng tín dụng đã ký. Tuy nhiên đến thời hạn trả nợ, dù nhiều lần nhận được yêu cầu nhưng Công ty Hoàng Cung luôn tìm lý do trì hoãn việc trả nợ. Do đó, các ngân hàng đã tiến hành bán đấu giá khoản nợ của Công ty Hoàng Cung thông qua Công ty Cổ phần Đấu giá Nam Việt. Việc đấu giá được tiến hành theo đúng Quy chế bán đấu giá khoản nợ và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

Cũng theo đơn khởi kiện của bà Nguyễn Thị Định, bà là người trúng đấu giá đối với khoản nợ của Công ty Hoàng Cung. Ngày 21/02/2018, bà và đại diện các Ngân hàng trên đã ký Hợp đồng mua bán khoản nợ đấu giá số 68/2018/HDDMBN-VCB-VIETTINBANK-AGRIBANK. Theo đó, bà được chuyển giao quyền đòi nợ đối với khoản vay của Công ty Hoàng Cung theo Hợp đồng tín dụng, Hợp đồng thế chấp đã ký giữa Công ty Hoàng Cung và các ngân hàng nêu trên.

Để thực hiện quyền chủ nợ của mình, bà Định cùng đại diện theo ủy quyền đã nhiều lần liên hệ, gặp gỡ và làm việc trực tiếp nhưng Công ty Hoàng Cung luôn tìm lý do tránh né, bất hợp tác khiến cho việc thu hồi nợ bị trì hoãn và gặp nhiều khó khăn. Cực chẳng đã, bà phải làm đơn khởi kiện đến TAND thành phố Huế.

Tuy nhiên sau đó, Công ty Hoàng Cung có đơn phản tố gửi TAND thành phố Huế. Doanh nghiệp này nghị Toà án bỏ tất cả các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, đồng thời xem xét tuyên vô hiệu đối với Hợp đồng mua bán nợ số 68/2018 ký ngày 21/02/2018 giữa Vietcombank Huế và bà Nguyễn Thị Định. Bởi vì theo doanh nghiệp này, cả Bên mua nợ, Bên bán nợ và Bên tổ chức đấu giá đã có các hành vi vi phạm quy định của Nghị quyết 42/2017/QH14, Luật đấu giá tài sản, Nghị định số 69/2016 về dịch vụ mua bán nợ, nên Bị đơn không phải trả cho Nguyên đơn bất cứ khoản tiền nào…

Ngay lập tức Vietcomnbank đã có văn bản gửi TAND thành phố Huế đưa ra những căn cứ pháp lý cụ thể để phản bác lại luận điểm của Công ty Hoàng Cung và khẳng định, việc các ngân hàng bán khoản nợ của Công ty Hoàng Cung cho bà Nguyễn Thị Định là phù hợp quy định của pháp luật.

Cần xử lý dứt điểm vụ việc

Liên quan đến vấn đề này, một Luật sư cho rằng, yêu cầu phản tố của Công ty Hoàng Cung là không thể chấp nhận được. Bởi theo Nghị quyết 42, TCTD được phép bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu công khai, minh bạch, theo quy định của pháp luật; giá bán phù hợp với giá thị trường, có thể cao hơn hoặc thấp hơn dư nợ gốc của khoản nợ. Trong khi Thông tư 09/2015/TT-NHNN của NHNN cũng quy định, TCTD được bán nợ xấu, tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu theo giá thị trường có thể cao hơn hoặc thấp hơn dư nợ gốc của khoản nợ cho pháp nhân, cá nhân bao gồm cả pháp nhân, cá nhân không có chức năng kinh doanh mua bán nợ. Chiểu theo Nghị quyết 42 và Thông tư 09 thì việc bán nợ của các ngân hàng cho bà Nguyễn Thị Định là hoàn toàn hợp pháp.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, hiện tình trạng chây ì, thiếu thiện chí của con nợ diễn ra khá phổ biến, gây nhiều khó khăn cho các TCTD trong tiến trình xử lý nợ xấu. Với riêng trường hợp của Công ty Hoàng Cung còn ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư muốn tham gia vào thị trường mua bán nợ. “Cơ quan chức năng cần xử lý dứt điểm vụ việc này để tránh tạo thành một tiền lệ xấu về sự chây ì của con nợ, từ đó ảnh hưởng tới tâm lý của các nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia vào thị trường mua bán nợ”, một chuyên gia ngân hàng nhấn mạnh.

Vướng mắc xử lý nợ xấu

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong xử lý nợ xấu, song phát biểu tại Diễn đàn Toàn cảnh ngân hàng Việt Nam 2020 với chủ đề “Tái cơ cấu, xử lý nợ xấu: Kết quả và khuyến nghị chính sách” được tổ chức tại Hà Nội mới đây, ông Nguyễn Kim Anh – Phó Thống đốc NHNN cũng nhìn nhận, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của TCTD.

ông Nguyễn Kim Anh – Phó Thống đốc NHNN cũng nhìn nhận, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của TCTD.

Ông Nguyễn Kim Anh – Phó Thống đốc NHNN cũng nhìn nhận, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của TCTD.

Lãnh đạo các ngân hàng cũng phản ánh, hiện vẫn còn có độ vênh giữa Nghị quyết số 42 và văn bản pháp luật khác về xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo, khiến việc thực hiện gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn một trong những điểm đột phá của Nghị quyết 42 là khẳng định quyền thu giữ tài sản đảm bảo của các TCTD, thế nhưng quyền này phải đi kèm với điều kiện hồ sơ thế chấp phải có thỏa thuận về điều khoản thu giữ tài sản đảm bảo. Thậm chí ngay cả khi hồ sơ thế chấp có thỏa thuận này, thì việc thu giữ vẫn phụ thuộc khá nhiều vào “thiện chí” của con nợ.

TS.Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cũng cho rằng, tiến trình xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn thách thức, nhất là khâu xử lý tài sản đảm bảo. “Vấn đề này đã phân tích rất nhiều về các nguyên nhân, nhưng có một nguyên nhân rất quan trọng là thiện chí của bên vay và sự vào cuộc của các cơ quan chức năng liên quan chưa quyết liệt, chưa đúng với tinh thần của Nghị quyết 42”, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • “Dài cổ” ngóng sàn giao dịch nợ xấu

    “Dài cổ” ngóng sàn giao dịch nợ xấu

    12:30, 02/10/2020

  • Chạy đà “phá bom” nợ xấu

    Chạy đà “phá bom” nợ xấu

    12:30, 01/10/2020

  • eMagazine: Gỡ “nút thắt” xử lý nợ xấu

    eMagazine: Gỡ “nút thắt” xử lý nợ xấu

    06:00, 17/08/2020

  • Nợ xấu chưa bị che giấu sẽ gia tăng

    Nợ xấu chưa bị che giấu sẽ gia tăng

    05:00, 07/08/2020

  • NHIỀU VƯỚNG MẮC XỬ LÝ NỢ XẤU NGÂN HÀNG: Nợ xấu nhà đất và cuộc “tháo chạy” của các nhà băng

    NHIỀU VƯỚNG MẮC XỬ LÝ NỢ XẤU NGÂN HÀNG: Nợ xấu nhà đất và cuộc “tháo chạy” của các nhà băng

    11:30, 31/07/2020

  • NHIỀU VƯỚNG MẮC XỬ LÝ NỢ XẤU NGÂN HÀNG: “Tiền lệ” Sacombank

    NHIỀU VƯỚNG MẮC XỬ LÝ NỢ XẤU NGÂN HÀNG: “Tiền lệ” Sacombank

    15:30, 30/07/2020

  • NHIỀU VƯỚNG MẮC XỬ LÝ NỢ XẤU NGÂN HÀNG: “Nhiệm vụ kép đặc thù” của hệ thống tín dụng

    NHIỀU VƯỚNG MẮC XỬ LÝ NỢ XẤU NGÂN HÀNG: “Nhiệm vụ kép đặc thù” của hệ thống tín dụng

    11:30, 30/07/2020

  • Nợ xấu ngân hàng và hàng ngàn tỷ đồng đi đâu về đâu?

    Nợ xấu ngân hàng và hàng ngàn tỷ đồng đi đâu về đâu?

    06:06, 02/07/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Xử lý nợ xấu: Đừng để tiền lệ xấu về sự chây ì của con nợ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO