Năm 2020, nếu xuất khẩu nhiều mặt hàng sụt giảm mạnh do dịch bệnh, thì xuất khẩu xi măng và clinker tăng hơn 4 triệu tấn so với năm 2019, vượt 38 triệu tấn, mang về 1,46 tỷ USD.
Xuất khẩu xi măng, clinker tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong quý I/2021, tăng 16% về lượng và gần 7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019, đạt 10,15 triệu tấn và khoảng 314 triệu USD.
Với quy mô công suất vượt 100 triệu tấn và khả năng sản xuất còn lớn hơn, ngành xi măng Việt Nam được coi là có quy mô và sức ảnh hưởng đáng kể tới các thị trường trong khu vực. Trên toàn cầu, Việt Nam đang xếp thứ 5 về năng lực sản xuất xi măng, chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Nga.
Tuy nhiên, ngành xi măng có rủi ro lớn do chi phí giá than và giá điện chiếm 40- 45% giá thành sản xuất clinker (vốn chiếm hơn 60% chi phí nguyên liệu đầu vào sản xuất xi măng). Ông Nguyễn Công Bảo, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xi măng Fico-YTL cho biết, kênh xuất khẩu giúp tiêu thụ một sản lượng đáng kể trong ngành xi măng, nhưng chỉ cần giá than và điện tăng nhẹ, thì hiệu quả xuất khẩu sẽ giảm đi đáng kể.
Theo đại diện một doanh nghiệp xi măng phía Bắc, từ cuối năm 2020 đến nay, một số doanh nghiệp ngoại, chủ yếu đến từ Trung Quốc, Thái Lan đang tìm hiểu ngành xi măng Việt Nam với mong muốn góp một tỷ lệ vốn nhất định vào một nhà sản xuất tư nhân để thuận đường xuất khẩu về nước với giá hợp lý. Các quốc gia này đã siết chặt quy định đầu tư xi măng, do đây là ngành thâm dụng tài nguyên khoáng sản và gây ô nhiễm môi trường.
“Xuất khẩu xi măng, clinker là con dao hai lưỡi. Trong ngắn hạn, việc xuất khẩu nhiều có thể giải tỏa năng lực sản xuất trong nước, nhưng về lâu dài, đây không phải là giải pháp bền vững. Xi măng là ngành khai thác tài nguyên không tái tạo, xuất khẩu nhiều sẽ làm cạn kiệt tài nguyên, nhất là trong bối cảnh bị ép giá, lợi nhuận không lớn”, đại diện doanh nghiệp trên phân tích.
Có thể bạn quan tâm